Bảo vật đựng trong hộp giấy, bao ni lông
Những ngày cuối tháng 12/2017, nhận được tin Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận 3 bảo vật quốc gia ở Nghệ An, chúng tôi tìm đến với Bảo tàng Nghệ An.
Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn được công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh tư liệu |
3 bảo vật: Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn, Dao găm chuôi hình rắn ngậm chân voi, Muôi có cán hình tượng voi đều là những hiện vật độc bản, được tìm thấy trong các đợt khảo cổ học quy mô. Giá trị của 3 bảo vật quốc gia này được đánh giá là quý hiếm, độc nhất vô nhị, đặc biệt là hộp đựng xá lị Tháp Nhạn - chứa một phần tinh cốt còn lại của Đức Phật sau khi thiêu xong lưu truyền cho hậu thế.
Dao găm chuôi hình rắn ngậm chân voi cũng là 1 trong 3 bảo vật quý hiếm được công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: Internet |
Ông Nguyễn Đức Kiếm - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An nhấn mạnh: “Hộp xá lị Tháp Nhạn thu được trong đợt khai quật di chỉ Tháp Nhạn ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn do Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Nghệ Tĩnh khai quật năm 1985 - 1986. Đây là bảo vật duy nhất ở Việt Nam, thậm chí cả khu vực Đông Nam Á”.
Bảo vật thứ 3 được công nhận là Muôi có cán hình tượng voi. Ảnh: Internet |
Thế nhưng, điều đáng buồn là 3 bảo vật quốc gia nói trên, cùng với hàng vạn hiện vật, cổ vật khác bao năm nay phải đối mặt với nguy cơ xuống cấp trầm trọng do việc bảo quản rất hạn chế.
Trái với hình dung về hệ thống cơ sở vật chất bảo quản hiện vật thường thấy ở các bảo tàng thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, kho bảo quản hiện vật quý hiếm ở Bảo tàng Nghệ An chỉ có những kệ sắt xếp chồng lên nhau cùng vài ba tủ tôn, qua thời gian đã han rỉ.
Không tủ kính, không vải che, hộp đựng, 8 phòng kho được xây dựng từ năm 1993, giữ trọng trách bảo quản hơn 25.000 tư liệu, hiện vật quý cùng chung một thực trạng như vậy.
Thậm chí, chị Hoàng Thị Minh - Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản cho biết, kho bảo quản đã quá tải nên bảo tàng phải sử dụng gara ô tô và phòng họp của nhà trưng bày để bảo quản các tiêu bản, mẫu ngâm. Cơ sở vật chất phòng kho thiếu thốn đến mức, 3 bảo vật quốc gia quý hiếm đến vậy, nhưng cũng chỉ cất giữ sơ sài trong bao ni lông, hộp giấy mỏng, sau đó bỏ vào tủ nhôm khóa lại!
Hơn 25.000 hiện vật đang lưu giữ ở Bảo tàng Nghệ An gồm nhiều chất liệu: đá, đồng, sắt, đất nung, gốm sứ, xương, giấy, vải, mây, tre, nứa, lá, gỗ…
Theo đúng quy định của công tác bảo quản, các phòng kho chuyên biệt cho từng chất liệu hiện vật phải được trang bị đầy đủ thiết bị hút ẩm, điều hòa nhiệt độ, thông gió, máy đo tia cực tím, máy đánh gỉ, máy sấy khô, máy báo cháy… nhưng ở Bảo tàng Nghệ An, các loại máy móc kể trên đều thiếu.
Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản chia sẻ: Các phòng kho có máy báo cháy nhưng đến nay đều đã hỏng, không hoạt động được; có máy hút ẩm nhưng loại công suất nhỏ, dung tích ít, không đáp ứng chất lượng bảo quản. Thời tiết ở Nghệ An khắc nghiệt, nóng nực, nồm ẩm khiến nhiều loại nấm mốc, côn trùng phát triển gây hại cho hiện vật.
Cùng với đó, hiện nay, hệ thống nhà kho của bảo tàng đã xuống cấp nghiêm trọng, về mùa mưa, nước ngấm vào kho gây độ ẩm cao, mùa hè ánh nắng mặt trời chiếu xuyên thấu làm phai màu, nứt nẻ, bong tróc, bụi bặm lên hiện vật.
Thiếu chuyên gia, “nghèo” kinh phí
Cùng với công tác bảo quản, việc tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật cũng đang là thách thức lớn với Bảo tàng Nghệ An. Quan sát tại một số phòng kho, dễ dàng nhận thấy nhiều hiện vật đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, nhất là với các hiện vật bằng chất liệu đồng, vải… Hàng trăm chiếc dao găm, mũi tên, lưỡi cày, xẻng… đã bị mủn, ô xy hóa, đặc biệt là những hiện vật dao găm có cán hình người, hình động vật rất giá trị của nền văn hóa Đông Sơn bị gãy, mủn đồng, không còn nguyên dạng. Nhiều hiện vật chất liệu giấy cũng bị ngả màu, ố mốc; hiện vật mây tre đan bị mối mọt xâm nhập…
Nhiều hiện vật quý hiếm ở Bảo tàng Nghệ An chỉ được đặt trên những kệ sắt thô sơ. Ảnh: Phước Anh |
Chứng kiến quá trình “chết dần, chết mòn” của những tư liệu, hiện vật quý hiếm, là minh chứng cho một thời đoạn lịch sử ấy, những người yêu văn hóa quê hương không tránh khỏi ngậm ngùi, xót xa!
Hiện vật xuống cấp, hư hỏng là thế, nhưng công tác phục chế ở bảo tàng vẫn “lực bất tòng tâm”. Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết, để phục chế hiệu quả đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho một hiện vật, nhưng hiện nay công tác bảo tàng chưa được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư đúng mức, vì vậy nguồn kinh phí được cấp hàng năm rất hạn hẹp.
Bên cạnh đó, hiện bảo tàng không có cán bộ, chuyên gia giỏi về phục chế tài liệu, hiện vật. Ở Việt Nam chưa có trường học nào đào tạo ngành phục chế hiện vật mà chỉ có các cơ sở đào tạo phục chế bằng kỹ năng, kinh nghiệm của các nghệ nhân nên đội ngũ cán bộ làm công tác phục chế rất thiếu và yếu.
Bên cạnh đó, cũng cần nhìn thẳng vào thực tế rằng mức lương hàng tháng theo quy định của Nhà nước còn chưa đủ hấp dẫn những người giỏi nghề và giàu kinh nghiệm; trong khi đó, cử nhân mới ra trường dẫu có say mê và chuyên tâm, cũng nhất thời chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trước thực trạng khó khăn này, từ đầu năm 2016, Bảo tàng Nghệ An đã xây dựng Đề án nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế tài liệu, hiện vật giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó, đặt mục tiêu cụ thể là lưu giữ, sưu tầm đạt đến 30.000 tài liệu, hiện vật; 100% tài liệu, hiện vật được bảo quản, trưng bày bằng phương tiện, trang thiết bị hiện đại; tu sửa, phục chế 315 tài liệu, hiện vật có nguy cơ hư hỏng, xuống cấp…
Thế nhưng, đến nay, sau 2 năm xây dựng đề án, những mục tiêu này vẫn còn nằm trên giấy!
Kinh phí là yếu tố quan trọng, nhưng thiết nghĩ, cái cần trước hết ở đây là yếu tố con người. Trình độ, tư duy, sự quan tâm và cái nhìn chiến lược sẽ hoạch định và triển khai được những giải pháp thiết thực, rốt ráo, nâng chất lượng hoạt động của bảo tàng xứng với tiềm năng.
Liệu có còn kịp nữa không, khi trong lúc chúng ta đang loay hoay kêu khó trăm bề thì hàng vạn cổ vật, bảo vật hàng trăm năm tuổi vẫn đang mỏi mòn chờ được “cứu”?
Tác giả: Phước Anh
Nguồn tin: Báo Nghệ An