Nhớ về lần đầu tiên ngồi trên ghế lái, vị cơ trưởng kể lại, đó là chiếc máy bay nhỏ 4 chỗ. Ngày đó, anh mới sang Pháp học được 1-2 tuần, hầu như chưa biết gì về máy bay nhưng thầy đã cho lên máy bay ngồi, thầy ngồi bên.
Cơ trưởng Tô Ngọc Giang - Đoàn trưởng Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines. Ảnh: Nguyễn Thảo |
‘Cảm giác rất bỡ ngỡ, hồi hộp, có cả lo sợ, nhưng sau khi máy bay cất cánh thì thấy rằng có lẽ mình cũng làm được’ - anh cười khi nhớ lại.
Nhưng với các phi công, chuyến bay để lại cảm xúc nhiều hơn cả là lần đầu tiên bay một mình - hay còn gọi là bay solo. ‘Trước chuyến bay, giống như tất cả mọi người, tôi rất hồi hộp. Cảm giác lần đầu tiên được làm chủ máy bay, làm chủ bầu trời là một cảm giác không thể nào quên được’.
Anh chia sẻ, dù cảm xúc đó bây giờ không còn nữa, nhưng nghề bay có một điều đặc biệt là các chuyến bay tưởng chừng như rất giống nhau nhưng có rất nhiều thứ mà không ai biết trước được khi chưa cất cánh. Đó cũng chính là thách thức, là những tình huống cần một phi công phải xử lý.
‘Về cơ bản, 90% hình ảnh chuyến bay bạn có thể hình dung được, 10% còn lại là không ai biết trước và cần phi công phải quyết định’, cơ trưởng Tô Ngọc Giang nói.
'Cảm giác lần đầu tiên được làm chủ máy bay, làm chủ bầu trời là một cảm giác không thể nào quên được'. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Với anh, những thời điểm thách thức nhất là khi phải học chuyển từ loại máy bay này sang loại máy bay khác.
‘Lần học chuyển loại đầu tiên của tôi là ở bên Pháp. Đó cũng là chiếc máy bay chở khách đầu tiên mà tôi được cầm lái - một thử thách cực kỳ lớn. Trong lễ tốt nghiệp lái máy bay cơ bản, thầy tôi có nói rằng ngày mai các cậu sẽ không có thời gian ăn uống, tắm rửa đâu. Lúc đó không ai tin nhưng thực tế đúng như thế. Sau này, khi chuyển loại quen rồi thì cũng không vất vả như lần đầu tiên nữa’.
Trong suốt 20 năm cầm lái, cơ trưởng Tô Ngọc Giang đã phải xử lý rất nhiều tình huống khác nhau, bao gồm cả những yếu tố con người, thời tiết... Ví dụ như chuyến bay từ Pháp về Việt Nam dài 12 tiếng, có 1 hành khách người nước ngoài dùng thuốc kích thích gây rối trên máy bay. Tình huống này đòi hỏi phi hành đoàn phải xử lý rất khéo léo.
‘Trước mỗi tình huống đều có nhiều lựa chọn được đưa ra. Cái khó của người phi công là đánh giá tất cả lựa chọn đó để đưa ra lựa chọn tốt nhất’.
‘Cuối cùng, chúng tôi đã tìm được một bác sĩ tâm lý trên máy bay giúp trấn an hành khách đó. Nhưng được một lúc sau, anh ta lại tiếp tục quậy phá. Sau đó, có một cặp đôi cảnh sát người Pháp đã giúp chúng tôi khống chế anh ta. Rất may là chúng tôi đã không phải chọn giải pháp hạ cánh dọc đường, bởi vì phương án đó kéo theo rất nhiều vấn đề phức tạp khác’.
Hay những tình huống hành khách gặp vấn đề về sức khoẻ cũng khá phổ biến trong các chuyến bay. Mới đây, trên một chuyến bay của anh, có một hành khách có bầu kêu đau bụng. ‘Sau khi tìm được một hành khách là bác sĩ giúp đánh giá vấn đề không cần thiết phải hạ cánh khẩn cấp, chúng tôi lại đi tiếp. Nhưng trong suốt quá trình bay, chúng tôi luôn phải chuẩn bị phương án 2. Khoảng thời gian đó thực sự là căng thẳng’.
Công việc đặc thù mang lại cho cơ trưởng Tô Ngọc Giang những trải nghiệm đa dạng và khác biệt. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Trong 1.200 phi công của Vietnam Airlines, có một nhóm nhỏ phi công được chở chuyên cơ - tức là các chuyến công tác của các nguyên thủ quốc gia. Phi hành đoàn thực hiện những chuyến bay này đều phải trải qua rất nhiều vòng an ninh chặt chẽ.
‘Trước đây, tôi cũng may mắn được bay nhiều chuyến chuyên cơ. Một lần, tôi chở đoàn công tác của lãnh đạo cấp cao từ Hà Nội đi Huế trong thời tiết rất xấu. Chúng tôi phải bay chờ trên bầu trời khoảng 20-25 phút vì thời tiết không đủ tiêu chuẩn để hạ cánh. Sau đó, chúng tôi ‘chớp’ đúng lúc thời tiết tốt lên là hạ cánh ngay lập tức. Hạ cánh xong là mưa đổ xuống trắng trời, không nhìn thấy gì, anh em cũng thở phào nhẹ nhõm’.
‘Chuyến trở về Hà Nội cũng vất vả không kém. Nhưng 7-8 giờ tối chúng tôi hạ cánh xuống Nội Bài thì đến 9 giờ đã thấy vị lãnh đạo xuất hiện trên tivi đi chúc Tết ở đâu đó. Thế mới thấy các bác còn vất vả hơn mình’ - cơ trưởng Tô Ngọc Giang cười nói.
Có một kỷ niệm khác cũng để lại trong anh nhiều cảm xúc. Đó là lần giải cứu các lao động Việt Nam ở Thái Lan khi nước này xảy ra xung đột giữa các đảng phái.
‘Hôm đó tôi lái một chuyến bay đêm. Không như những chuyến bay thông thường, trên máy bay có đầy đủ các bộ phận công an, các tiếp viên nữ được thay thế bằng các tiếp viên nam to cao, khỏe mạnh, nhiều kinh nghiệm’.
Kể lại, anh vẫn còn nhớ không khí hỗn loạn lúc đó. ‘Sân bay quốc tế ở Bangkok bị phong tỏa. Chúng tôi phải hạ cánh ở sân bay quân sự gần đó. Máy bay đỗ ngược xuôi như chiến trường, ở nhà ga thì hành khách chen chúc, gây lộn ầm ĩ. Đó cũng là chuyến bay có nhiều biện pháp an ninh được áp dụng vì lo sợ khủng bố, hay hành khách mang chất cấm, chất nổ lên máy bay’.
Xử lý tất cả vấn đề đó, chuyến bay được hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài vào khoảng 3 giờ sáng. 150 hành khách khách vỗ tay trong không khí đầy xúc động.
Cơ trưởng Tô Ngọc Giang chia sẻ, bây giờ khi đã đảm nhận vị trí quản lý, công việc của anh rất bận nhưng vẫn sắp xếp đi bay vào cuối tuần.
‘Mỗi tháng tôi bay 2-3 chuyến, so với mọi người là rất ít’.
Anh nói: ‘Nghề bay là một nghề rất đặc biệt. Lâu ngày không bay là rất nhớ, bạn hỏi bất kỳ phi công nào cũng đều nói thế. Cái cảm giác ngồi trên buồng lái, trước mắt là bầu trời có gì đó rất đặc biệt…’.
Tác giả: Nguyễn Thảo - Ngọc Trang
Nguồn tin: Báo VietNamNet