Trong nước

'Có loại thuốc chào thầu rẻ giật mình, làm bằng bột mì cũng không có giá đó'

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề nghị cần xây dựng chương riêng cho đấu thầu thuốc, vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị nhưng phải đơn giản hơn và hướng đến vấn đề chất lượng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 7-11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) và Luật giá (sửa đổi) tại tổ.

Bệnh viện sẽ ngập trong rác nếu…

Xuất phát từ kinh nghiệm điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đại biểu Nguyễn Tri Thức nhắc lại nhiều lần yêu cầu xây dựng chương riêng trong Luật đấu thầu (sửa đổi) về đấu thầu trong lĩnh vực y tế để giải quyết kịp thời những khó khăn hiện nay.

Theo ông Thức, ngành y có ba hạng mục liên quan đến mua sắm, đấu thầu là thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị y tế. Bất cập hiện nay chưa có quy định rõ về mua sắm, đấu thầu vật tư y tế tiêu hao.

Hay có những mặt hàng vật tư, thiết bị y tế bắt buộc phải sử dụng nhưng mang tính độc quyền cao (chỉ một đơn vị cung cấp), cần có quy định rất rõ về việc mua sắm, đấu thầu.

"Trong giai đoạn này và sắp tới chưa nghĩ đến xây dựng luật riêng cho trang thiết bị y tế vì chưa cần thiết. Sẵn sửa đổi Luật đấu thầu nên thiết kế nội dung riêng cho y tế là thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế để giải quyết khó khăn cho ngành y tế vừa qua", ông Thức kiến nghị.

Ông cũng chỉ rõ về chỉ định thầu phải quy định càng chi tiết càng tốt bởi đây là hoạt động dễ phát sinh tiêu cực nhất.

"Dự thảo đã quy định những gói thầu tư vấn, dịch vụ… có thể được chỉ định thầu trong trường hợp cấp cứu, bất khả kháng. Nhưng cần bổ sung cả trường hợp "cấp bách" nữa, vì nếu không sẽ không xử lý được những vụ việc như đợt ngộ độc thực phẩm pate Minh Chay", ông Thức nói.

Ông Thức cũng nhấn mạnh bệnh viện sẽ ngập trong rác nếu không có đơn vị dọn dẹp chỉ một vài ngày, do đó cần quy định được chỉ định thầu tạm thời trong một thời gian nhất định.

"Bên cạnh đó trong một số trường hợp, dự thảo luật đã cho phép các đơn vị y tế được lựa chọn xuất xứ thương hiệu. Đây là một bước tiến bộ nhưng cần đi xa hơn nữa.

Không nên đánh đồng chỉ định thầu với tiêu cực. Phải có niềm tin với các hội đồng chuyên môn", ông Thức nói thêm.

Cần hướng đến chất lượng

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng đề nghị cần xây dựng chương riêng cho đấu thầu thuốc, vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị nhưng phải đơn giản hơn và hướng đến vấn đề chất lượng.

Theo bà, sở dĩ từ trước tới giờ cứ "cãi nhau" mãi về chuyện đấu thầu vì một túi hồ sơ, hai túi hồ sơ, quay đi quay lại vẫn quay về đấu thầu.

"Mà khi đấu thầu giá rẻ nhất sẽ thắng thầu. Mà giá rẻ nhất sẽ đi theo chất lượng. Trong hành chính nếu lỡ chọn mặt hàng rẻ nhất cũng chưa ảnh hưởng gì nhiều lắm. Nhưng trong lĩnh vực y tế là ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân, cả cộng đồng, xã hội. Nếu tính phục hồi thì chưa biết cái gì rẻ hơn cái gì.

Chúng ta tiết kiệm một đồng hôm nay nhưng tăng số ngày điều trị, mất niềm tin của người dân, bác sĩ cũng nản... Vậy cái nào thiệt hại hơn?", bà Lan nêu.

Bà cũng đề nghị quan tâm cả giá sàn trong đấu thầu, chứ không nên quá chú trọng đến tiêu chí "giá rẻ". "Có những loại thuốc chào thầu rẻ giật mình, tôi nghĩ có làm bằng bột mì cũng không có giá đó", bà nói.

Nữ đại biểu cũng thẳng thắn bình luận về dự thảo Luật giá (sửa đổi), cùng được Quốc hội cho ý kiến lần này.

"Các biện pháp quản lý trong dự thảo quay đi quay lại cũng là kê khai giá một số mặt hàng thiết yếu, bắt niêm yết giá… Khi xảy ra chuyện chúng ta kết tội doanh nghiệp ăn lời cắt cổ, ăn trên xương máu của người dân.

Nhưng căn cứ vào đâu để nói là quá cao để xử phạt?", bà Lan hết sức trăn trở về việc làm sao "đánh" được đầu cơ nhưng cũng phải tôn trọng quy luật thị trường, không xảy ra tình trạng khan hiếm. Bởi người có trách nhiệm duyệt giá sợ bị xử lý.

Bà Lan chỉ rõ bác sĩ chắc chắn biết chọn thuốc nào tốt nhất cho bệnh nhân, bao gồm tác dụng tốt và giá hợp lý. Nhưng khi các bệnh viện đấu thầu, thì thường phải lấy giá rẻ nhất.

Thậm chí, có nơi đã đấu thầu xong thuốc bảo hiểm y tế với mức giá rất rẻ. Nhưng một hai tháng sau, có nơi mua được thuốc giá rẻ hơn, thì bên bảo hiểm quay ngoắt, thanh toán giá rẻ nhất đó.

Vì vậy, bà đề nghị cơ quan soạn thảo khi sửa Luật đấu thầu cần quy định các cơ quan tôn trọng kết quả đấu thầu, không lấy giá trúng thầu thuốc của năm trước làm giá kế hoạch cho năm sau.

Chính phủ cũng cần làm rõ tại sao "đấu thầu đang là cơn ác mộng chung của các bệnh viện".

Tác giả: THÀNH CHUNG - TIẾN LONG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP