Nhập viện vì yêu nghề
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, anh Trương Xuân Tuấn (biệt danh Tuấn Kọt, quê ở Nghệ An, có 6 năm làm nghề cắt tóc) chia sẻ: “Để trở thành chủ tiệm cắt tóc có tiếng như hiện tại, tôi cũng đã trải qua không ít thăng trầm, biến cố. Có những lúc mệt mỏi, tưởng chừng như bỏ nghề, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, đam mê, tôi đành gắng gượng”.
“Ngày đầu làm thợ phụ, tôi chủ yếu gội đầu cho khách, rồi chuẩn bị kéo, dầu gội, dầu hấp, thuốc nhuộm... và hỗ trợ thợ chính. Có những lúc mình làm chậm, còn bị thợ chính mắng tới tấp, thậm chí than phiền trước mặt khách hàng. Nhiều hôm, hoảng hốt lóng ngóng, còn làm đổ cả thuốc nhuộm... khi đó, chỉ biết đứng nhìn và xin lỗi”, anh Tuấn nhớ lại.
Sau 6 năm theo nghề, hiện anh Tuấn đã có salon tóc riêng, uy tín. |
Một thợ phụ lên thợ chính cũng cần có thời gian học việc. Khi được tin tưởng, anh mới bắt đầu được cầm kéo. Anh Tuấn kể: “Chưa kể, làm nghề cắt tóc, mình cũng phải tuân thủ giờ giấc của khách. Thường nhiều người chỉ làm được sau giờ hành chính, hoặc tranh thủ vào buổi tối. Có những hôm, chúng tôi làm thông tầm bỏ cả bữa trưa, bữa tối... Việc ăn tối quá bữa, cũng khiến cho không ít người mắc các bệnh liên quan tới dạ dày”.
Không chỉ là nghề chịu áp lực lớn từ khách hàng, nghề cắt tóc gội đầu còn được xếp vào một trong những nghề độc hại nhất do hàng ngày phải tiếp xúc với hóa chất độc hại. Chị Phan Linh (Hà Nội, có 10 năm kinh nghiệm trong nghề cắt tóc) chia sẻ: “Làm nghề cắt tóc tuy không phải đi lại, nhưng phải thường xuyên tiếp xúc với nước, chất độc hóa học nên dễ bị viêm da, nhức đầu. Thậm chí mắc những bệnh về đường hô hấp. Chính bản thân tôi cũng không ít lần khốn đốn khi bị viêm da, thậm chí, bác sĩ còn chẩn đoán tôi bị viêm da cơ địa, có thêm một số biểu hiện của bệnh hen suyễn. Nguyên nhân chủ yếu là do muối persulfat- một hóa chất được dùng như chất tẩy trong thuốc làm tóc, số còn lại liên quan đến thuốc nhuộm tóc vĩnh viễn, nhựa mủ”.
Cũng theo chị Linh, dù đã đeo khẩu trang bảo vệ nhưng chị vẫn không tránh khỏi việc hít phải hóa chất gây kích ứng đường hô hấp. “Sau nhiều lần phải nhập viện, chồng tôi cũng năn nỉ vợ nên cân nhắc tìm việc khác, nhưng không thể nói bỏ nghề là bỏ ngay được. Tôi làm nghề đã hơn 10 năm, có một khối lượng khách quen khá lớn, công việc này thành nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi, giờ bỏ nghề, tôi không biết sẽ làm gì”, chị Linh chia sẻ.
Theo nghề cắt tóc được 12 năm nay, chị Phương Thảo (Nam Định) vẫn kiên trì bỏ qua mọi lời dị nghị để theo nghề. Cũng theo chị Thảo, ở quê phụ nữ làm nghề cắt tóc gội đầu thường bị nhìn với ánh mắt không mấy thiện cảm, thậm chí nhiều người hiểu theo nghĩa không đứng đắn.
Chị Thảo chia sẻ: “Ở quê tôi mọi người có cái nhìn chưa đúng về những cô gái làm nghề cắt tóc gội đầu. Đặc biệt, khi làm nghề này, cần chăm chút cho hình thức, kiểu tóc,... nên càng gây hiểu lầm cắt tóc chỉ là cái cớ, thực chất là làm nghề bán thân nuôi miệng. Vì thế, ngày đầu theo nghề, bố mẹ tôi một mực cấm cản. Thậm chí còn không cho tôi lên Hà Nội tiếp tục công việc”.
Buồn bã, ủ rũ vì không được theo đuổi đam mê, cuối cùng chị Thảo phải cầu cứu anh trai giải thích, trò chuyện để bố mẹ đồng ý. Nhờ tài thuyết phục của anh, dù chưa vui vẻ nhưng bố mẹ cũng để chị Thảo được tiếp tục công việc.
Bình thản vượt qua cám dỗ
Theo chị Thảo, cám dỗ của nhân viên cắt tóc là không ít nếu mình không vững vàng, có thể không vượt qua được. Chị Thảo dẫn chứng: “Ngày trước tôi có học nghề tại một học viện tóc ở Hà Nội. Chỗ tôi học việc, có cắt tóc cho cả nam và nữ. Không ít khách hàng nam luống tuổi, lợi dụng khi thợ đứng gần, giở trò sàm sỡ. Có người còn xin số điện thoại và nhắn tin gạ gẫm nếu tôi làm bạn gái của họ thì mỗi tháng sẽ chu cấp một khoản tiền hậu hĩnh. Tuy nhiên, tôi nhất mực từ chối”.
Chị Thảo chia sẻ thêm, nhiều cô gái trẻ ở quê lên Hà Nội làm nghề cắt tóc, có hoàn cảnh khó khăn. Họ thiếu kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin nên dễ trở thành đối tượng để những người xấu lợi dụng.
“Đợt đó, chỗ tôi làm có 3 cô bé từ vùng cao xuống học việc. Sau hơn một tháng làm việc, các em ấy đồng loạt xin nghỉ việc. Chỉ sau này chúng tôi mới hay tin, các em ấy bị bắt vì đập đá, bán dâm cho khách... tại một nhà nghỉ trên địa bàn”, chị Thảo cho biết.
Cũng nhờ có ý chí, lại quyết tâm theo đuổi nghề anh Tuấn sớm khắc phục được những khó khăn ban đầu và trở thành một thợ chính xuất sắc. Gần 6 năm theo nghề, trải qua bao biến cố, hiện anh đã có một salon làm tóc của riêng mình.
Anh Tuấn chia sẻ: “Giai đoạn mới mở salon có không ít khó khăn về vốn, cũng như sự phản đối từ gia đình khi theo nghề mà bố mẹ tôi cho rằng của phụ nữ. Nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi và học tập hết mình. Nhờ đó, hiện tại, salon của tôi đã có một lượng khách quen đáng tin cậy. Trong đó, có cả những người mẫu, hotgirl, họ tìm đến để nhờ tôi tư vấn”.
|
Còn chị Thảo, ngoài công việc quản lý, chị cũng nhận dạy và đào tạo thêm thợ mới. Chị quan niệm, không chỉ nghề cắt tóc, gội đầu mà những nghề khác cũng đòi hỏi người theo nghề phải có cái tâm, vững tin với công việc mình theo đuổi. Khi nhìn thấy khách hàng nở nụ cười, những người thợ cắt tóc luôn cảm thấy tự hào vì mình đã nỗ lực hết mình. Với họ, để có được thành công đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ suốt một thời gian dài.
Tác giả: Thanh Lam - Thanh Bình
Nguồn tin: Báo Người đưa tin