Thể thao

Chuyên gia Đức & sự lừa gạt của giới lãnh đạo bóng đá Việt Nam

Những đường hướng phát triển của VFF lâu nay chỉ như một sự lừa bịp niềm tin, khi chẳng có điều gì tiến hành tốt đẹp và giải quyết được tận gốc rễ vấn đề. Lần này liệu có khác?

Những ai yêu túc cầu đều biết người Đức giỏi thế nào ở môn này. Từ khi người Việt Nam bắt đầu được xem bóng đá thường xuyên hơn ở thập niên 90, đại đa số đã biết tới Bayern Munich hay Borussia Dortmund...

World Cup 2014, chúng ta thấy ĐTQG Đức hủy diệt Brazil tới 7-1, đả bại Argentina trong trận Chung kết để lần thứ Tư bước lên đỉnh cao nhất thế giới.

Đấy chỉ là rất ít những điều về bóng đá Đức trong tâm trí NHM. Nhưng họ thì liên quan gì tới Việt Nam?

Mới đây, khi xem Euro 2016, HLV Lê Thụy Hải chia sẻ:

"Tôi thích đội tuyển Đức nhất và muốn họ vô địch. Thứ nhất, họ là tập thể rất mạnh từ con người cho đến lối chơi.

Thứ hai, phong cách của họ có thể áp dụng được vào bóng đá Việt Nam. Đó là sự kết hợp giữa tiqui-taca của Tây Ban Nha, nhưng cũng rất nhanh và dùng thêm cả bóng bổng, bóng dài".

ĐTQG Đức có lối chơi rất hay tại Euro 2016 nhưng tiếc là đã dừng lại ở Bán kết trước Pháp.

Khi mới lên cầm quân ở ĐTQG Việt Nam, HLV Hữu Thắng chia sẻ anh hâm mộ Pep Guardiola và muốn hướng tập thể mới của mình đi theo lối chơi tiqui-taca như Barcelona.

Tuy nhiên, cần lưu ý một điều rằng trước khi nhận lời của VFF, Hữu Thắng từng có ý định sang Đức học thêm về nghề HLV.

Vì thế dễ hiểu khi không phải các chuyên gia TBN, mà người Đức mới là nơi được Hữu Thắng cùng VFF đặt niềm tin.

HLV Hữu Thắng từng có ý định sang Đức học thêm về huấn luyện bóng đá.

Đã từ lâu, bóng đá Đức nổi tiếng bởi tính kỉ luật, đoàn kết và trong hơn chục năm qua, họ nổi bật ở khía cạnh khoa học.

Đến việc bắt penalty ở dịp Euro vừa rồi, người Đức cũng xây dựng phần mềm riêng hỗ trợ cho các cầu thủ.

Chế độ dinh dưỡng, thuốc thang, rèn luyện thể hình, thể lực... của người Đức khiến ngay cả những nền bóng đá mạnh nhất cũng phải thán phục.

Chính vì thế, hoàn toàn dễ hiểu khi VFF chọn một Giám đốc điều hành người Đức. Người Việt đến nay vẫn không thể tạo ra một giải đấu nghiêm túc, một ĐTQG nhất quán, thì hãy đi nhờ chuyên gia nước ngoài giỏi nhất, đó là một điều đúng đắn!

Ông Martin Forkel sẽ sang Việt Nam làm HLV thể lực ở tháng Tám tới.

Còn về chuyện thuê HLV thể lực thì sao? Về vấn đề này, ông Hải từng nói:

"Xem trận Italia đá với Đức, chúng ta thấy họ chơi rất nhuần nhuyễn về mặt chiến thuật, chuyền ban chuẩn xác theo ý đồ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề thể lực. Cả hai đội đều phòng ngự số đông, rồi khi tấn công thì cũng chẳng thiếu một ai cả.

Nếu không có thể lực tốt thì không thể làm được. Cầu thủ chạy cánh của Italia khi bị thay ra cũng đã chạy hơn 10km rồi..."

Thực tế vấn đề thể lực từ lâu đã được nói, nói rất nhiều ở bóng đá Việt Nam. Chúng ta cũng không ít lần có các vị HLV ngoại coi trọng và dồn ép cầu thủ phải tập nặng về thể lực, mới đây nhất là ông Miura.

Tuy nhiên khi kết quả thi đấu của một HLV không tốt, gần như mọi điều liên quan tới chiến lược gia đó lại bị đập đi, làm mới theo cách hoàn toàn khác.

Cũng chính vì thế, thể lực chưa bao giờ là vấn đề được duy trì, được coi trọng đúng mức và đầu tư liên tục ở bóng đá Việt Nam.

VFF ký hợp đồng với Giám đốc kĩ thuật Jurgen Gede.

"Câu chuyện thể lực nói ra thì khó lắm vì nó sẽ rất nan giải. Vẫn biết khi lựa chọn đầu vào, các CLB đã gọi tên những tài năng xuất chúng nhất rồi, nhưng khả năng của người Việt mình còn kém.

Rồi còn chế độ ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện nữa... không thể cải thiện trong một sớm một chiều được. Như chế độ ăn uống của các em nhỏ ở nhiều CLB thua kém đội một lắm".

Hợp tác với người Đức rõ ràng là chuyện "chuẩn không cần chỉnh" trong đường hướng phát triển của VFF.

Nhưng liệu những chuyên gia rất chuyên nghiệp đó có phát huy được khả năng, được sử dụng lâu dài ở bóng đá Việt Nam không mới là điều thật sự quan trọng.

Một nền bóng đá có 4 CLB V-League thuộc cùng một ông bầu, có ông Trưởng Ban trọng tài làm Phó ban tổ chức giải, kèm vô số bất hợp lý khác, liệu có sẵn lòng để Giám đốc kĩ thuật người Đức can thiệp, chỉnh sai cho đúng?

HAGL là CLB hiếm hoi lo tốt cho các cầu thủ trẻ từ ăn uống, ngủ nghỉ đến tập luyện.

Một loạt những CLB đến bữa ăn còn lo không chuẩn cho đội lớn, chưa nói đến đội nhỏ, đến trang thiết bị tập luyện chính thức còn sơ sài, liệu sẽ đào tạo thể lực tốt cho thế hệ tương lai?

Nhìn lại câu chuyện làm cách mạng của bóng đá Đức, sẽ thấy việc có 2 chuyên gia nước này tới Việt Nam tác nghiệp chỉ như muối bỏ bể.

Sau World Cup 1998 vô cùng tồi tệ, LĐBĐ Đức duyệt chi hơn 1 triệu bảng để xây dựng 121 trung tâm bóng đá địa phương.

Mỗi trung tâm này đều có HLV chuyên nghiệp tới hướng dẫn kĩ chiến thuật cho các tài năng trẻ 2h/ngày.

Một điều khá lạ và thú vị là trước khi lên làm HLV trưởng ĐTQG VN, Hữu Thắng định đi Đức du học còn VFF bấy giờ hợp tác với Nhật Bản. Hiện tại, VFF chuyển qua hợp tác với Đức, còn Hữu Thắng sắp tới sẽ sang... Nhật du học.

Tính ra, có 10.000 cậu bé 12 tuổi được các Hiệp hội bóng đá khu vực đào tạo. Chi phí cho các hoạt động này lên tới gần 2 triệu bảng/năm.

Từ mùa 2001/2002, LĐBĐ Đức đã yêu cầu 18 CLB thuộc Bundesliga phải có trung tâm đào tạo trẻ, và đi vào hoạt động thực chất chứ không mang tính đối phó...

Tất nhiên những kế hoạch tốn kém đó của LĐBĐ Đức đã gây ra nhiều tranh cãi.

Nhưng sau thêm một giải Euro 2000 thất bại, cả nước Đức đã đồng tâm, hợp lực xây dựng lại bóng đá, từ gốc rễ đào tạo trẻ.

Bóng đá Việt Nam đã trải qua bao nhiêu thất bại. Mỗi vòng V-League trôi qua, NHM lại phải đón đọc hàng loạt các tin tức không hay, về trận cầu "ma" nọ, ông trọng tài kia...

Biết bao giờ, cả nền bóng đá, cả đất nước mới cùng nhau xây dựng lại một thời đại mới, chứ không phải là nhờ vài chuyên gia, với mong muốn bất khả thi sẽ... chắp vá 1 vài trong hàng ty tỷ những lỗ hổng?

Tác giả bài viết: Đoàn Dự

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP