Thể thao

Chuyện chưa kể về niềm hy vọng số 1 của bóng đá xứ Nghệ

Văn Lắm mới lên đội 1 SLNA từ đầu năm 2020 nhưng đã ghi bàn vào lưới Hà Nội FC và được HLV Park Hang-seo gọi tập trung cùng tuyển U22 Việt Nam.

Đặng Văn Lắm gây ấn tượng trong lần đầu tập trung cùng tuyển U22 Việt Nam

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống bóng đá, tiền vệ Đặng Văn Lắm luôn khao khát tiếp bước đàn anh, làm rạng danh thêm bóng đá xứ Nghệ và chàng trai sinh năm 1999 đang dần có được những thành quả bước đầu.

Mất ngủ cả đêm vì… ghi bàn vào lưới Hà Nội FC

Ngày 18/6/2020, SLNA tới làm khách trên sân Hàng Đẫy của Hà Nội FC mang theo hành trang 8 năm chưa biết mùi chiến thắng tại đây. Với lực lượng nhiều cầu thủ trẻ, đoàn quân dưới quyền HLV Ngô Quang Trường được dự đoán khó lòng phá dớp. Nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường, cộng thêm cú ra chân đẳng cấp của Đặng Văn Lắm, đội bóng áo vàng đã ca khúc khải hoàn.

Sau bàn thắng ấy, rất nhiều CĐV đã lục tung các trang báo để tìm hiểu xem cầu thủ này là ai mà lại có thể khiến dàn sao Hà Nội FC cúi đầu rời sân. Càng bất ngờ hơn khi biết rằng Văn Lắm mới lên đội 1 SLNA từ đầu năm 2020. Với bản thân mình, tiền vệ quê Đô Lương tiết lộ, cả đêm hôm ghi bàn vào lưới Hà Nội FC anh không thể ngủ được vì sung sướng.

Bàn thắng nói trên giống như bước ngoặt giúp Văn Lắm chơi ngày một tự tin rồi được HLV Park Hang-seo gọi lên tập trung cùng tuyển U22 Việt Nam. Hơn 10 ngày tập luyện dưới sự hướng dẫn của thầy Park và cộng sự, cầu thủ xứ Nghệ để lại ấn tượng nhờ khả năng chuyền bóng và điều tiết nơi tuyến giữa. Đáng chú ý, anh còn lập một siêu phẩm đá phạt trong trận đối kháng nội bộ. Tuy vậy, anh chàng này vẫn chưa nghĩ nhiều về suất chính thức ở U22 Việt Nam.

“Tôi đang ở năm đầu tiên chơi bóng chuyên nghiệp. Mục tiêu của tôi là được ra sân càng nhiều càng tốt trong màu áo CLB. Còn việc có được lên tuyển U22 các đợt tập trung tiếp theo tôi không đặt nặng”, Văn Lắm chia sẻ.

Cầu thủ sinh năm 1999 kể thêm, giống như hàng ngàn đứa trẻ ở các vùng quê Nghệ An, anh rất thích bóng đá và biết chơi bóng từ lúc mới 7 - 8 tuổi. Năm 2008, chứng kiến đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup với sự tỏa sáng đúng lúc của một người con xứ Nghệ - Công Vinh, Văn Lắm đã hạ quyết tâm theo đuổi con đường cầu thủ chuyên nghiệp. “Tôi muốn tiếp bước các thế hệ đàn anh, làm rạng danh bóng đá Nghệ An nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung”, Lắm quả quyết.

Năm 2010, cơ hội mở ra với Văn Lắm khi anh tham dự giải Thiếu niên Nhi đồng tranh cúp Báo Nghệ An. Tại giải này, anh chơi ấn tượng, giúp đội Đô Lương giành giải Nhì và lọt tầm ngắm của các thày lò đào tạo SLNA.

“Tôi vẫn còn nhớ, ngày nhận giấy gọi lên đội, khi đó đang bước vào vụ thu hoạch lúa, bố mẹ đều ở ngoài đồng. Thấy tôi xin đi đăng ký dự tuyển, bố nói: “Mi muốn đi thì ra đồng ôm hết lúa lên để trâu chở về rồi hãng đi”. Tôi lao ra đồng, ôm lúa xong rồi xách đôi giày leo lên chiếc xe đạp cà tàng để đi thi. Cũng may, khi ra ngõ thì chú biết chuyện nên chở tôi bằng xe máy chứ không thì đạp xe tới nơi chắc tôi chẳng còn sức thi thố gì nữa, gần 20km cơ mà. 50 cái tên được trao cơ hội thi tuyển vòng 2, tôi cùng 19 bạn vượt qua và bắt đầu cuộc sống ăn ngủ với trái bóng tròn”, chân chuyền SLNA kể.

Rồi chàng trai có gương mặt khá giống cựu tiền đạo lừng danh Lê Công Vinh nói tiếp: “Vào tập ở đội, khó khăn nhất với tôi là nỗi nhớ nhà, còn về chuyên môn tôi đều đáp ứng được yêu cầu của các thầy. Anh Công Vinh là tấm gương cho chúng tôi noi theo bởi tác phong chuyên nghiệp, chăm chỉ và cầu tiến. Tôi nghe thầy kể, anh Vinh từng suýt bị loại nhưng xin ở lại, dốc sức tập luyện và sau này có một sự nghiệp lừng lẫy”.

Vốn sở hữu tài năng thiên bẩm, lại có ý thức rèn luyện nên Văn Lắm tiến bộ không ngừng. Năm 16 tuổi anh đã góp mặt ở đội U19 SLNA. Đáng tiếc, những chấn thương liên tiếp khiến sự nghiệp của anh bị chững lại. Mãi tới năm 2020, tiền vệ quê Đô Lương mới được biên chế cho đội 1 SLNA thi đấu ở V-League. Trong bối cảnh bóng đá xứ Nghệ đang khá khan hiếm nhân tài, Văn Lắm nổi lên như là niềm hi vọng số 1.

Không còn phải xin tiền mẹ mua giày

Đồng đội ở CLB SLNA đánh giá Văn Lắm rất hiền lành. Tuy nhiên, khi đã vào sân, anh rất lì lợm và không e ngại bất cứ đối thủ nào.

“Có lẽ lì từ bé nên tôi tự đánh giá điểm mạnh nhất của mình là tinh thần chiến đấu. Hồi đang học lớp 4, có lần đá bóng cùng các bạn ở trường không may bóng bay vào vườn gia đình gần đó. Tôi trèo lên hàng rào để nhảy vào lấy bóng không may bị mảnh chai cứa rách chân. Về nhà bố mẹ bắt tôi đi khâu nhưng tôi nhất quyết không chịu, chỉ rửa vết thương rồi băng bó. Mấy hôm sau, dù chân còn đau tôi vẫn ra đá bóng, xung phong bắt gôn để đỡ phải chạy”, cầu thủ 20 tuổi cười nói.

Năm 2019, Văn Lắm bị chấn thương sụn chêm. Đây là loại chấn thương khá nguy hiểm với cầu thủ nên anh muốn ra nước ngoài phẫu thuật. Một số người khuyên anh nên sang Singapore nhưng chi phí tại đây phải hết khoảng 600 - 800 triệu đồng.

“Lúc đó, tôi chỉ là cầu thủ đội trẻ, CLB đương nhiên không bỏ ra số tiền lớn như vậy để chữa trị cho tôi. Không biết làm thế nào, tôi gọi điện về nhà thì bố nói chỉ cần tôi xác định rõ muốn theo nghiệp bóng đá đến cùng, bố mẹ sẽ cắm sổ đỏ vay tiền ngân hàng, còn thiếu sẽ bán đất để lo cho tôi. Nhưng số tôi vẫn may, sau khi thăm khám kỹ càng, bác sĩ nói trường hợp này không cần phẫu thuật, tập phục hồi và trị liệu theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi dứt điểm. Tới tháng 12/2019 tôi trở lại tập luyện bình thường và không lâu sau thì được nhấc lên đội 1”, Đặng Văn Lắm kể.

Lại nói về quá trình rèn luyện ở lò SLNA, đội bóng xứ Nghệ vốn không rủng rỉnh tiền bạc nên các lứa cầu thủ trẻ từ U21 trở xuống đều không có tiền lương, chỉ được nuôi ăn và ở tập trung cùng đội.

“Hàng tháng bố mẹ đều tích cóp gửi cho tôi chút tiền để tiêu vặt hoặc ăn uống thêm. Nửa năm hoặc một năm thì bố mẹ cho thêm tiền để mua đôi giày mới. Tôi ở đội, một vài tháng mới về nhà, bố mẹ thỉnh thoảng có lên chơi lại mang cho rất nhiều đồ ăn và sữa. Từ ngày lên đội 1, tôi có khoảng 8 triệu tiền lương/tháng nên không cần phải xin tiền bố mẹ nữa, giày cũng có thể tự mua được”, Lắm bộc bạch.

Nhắc chuyện giày, cầu thủ sinh năm 1999 nói anh vẫn nhớ về lần được anh Công Phượng tặng một đôi nhưng sau đó bị lấy mất: “Tôi và anh Công Phượng vốn cùng xã nên anh em có liên hệ với nhau. Năm 2013, tôi nhắn rằng anh trong đó sướng, nếu thừa giày thì gửi tặng em một đôi. Hơn tuần sau anh Phượng gửi cho tôi một đôi giày Nike mới cứng. Tôi quý lắm, không dám đi, chỉ để trong phòng. Tiếc là sau đó không biết ai lấy mất (cười)”.

Khi được hỏi về định hướng sự nghiệp trong tương lai, cầu thủ mang áo số 12 của SLNA đáp: “Tôi có quan điểm rất rõ ràng, tập luyện và thi đấu luôn phải hết mình. Những lúc khó khăn, tôi thường nghĩ về gia đình để có thêm động lực. Tôi cũng không muốn mình thua kém ai nên thấy người nào hơn mình là tôi sẽ cố gắng để bằng họ hoặc phải hơn họ”.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP