Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. |
Thực hiện công cuộc đổi mới, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An đã có bước phát triển khá nhanh và toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 8,0%, riêng năm 2018 đạt 8,77%; Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 115,67 nghìn tỷ, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt 79,50%; nông, lâm, ngư nghiệp còn 20,50%; Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 xếp thứ 19 cả nước, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp thứ 4 cả nước; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chăm lo; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Tình hình chính trị ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của tỉnh, thành phố Vinh nổi lên với vai trò là động lực tăng trưởng, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh Nghệ An.
Với lợi thế về vị trí địa lý, có lịch sử phát triển lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, Vinh luôn được xác định là một đô thị trung tâm không những đối với tỉnh Nghệ An, mà cả khu vực Bắc Trung bộ và có tầm quốc gia trên một số lĩnh vực. Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đây là một trong 5 thành phố công nghiệp lớn nhất của Miền Bắc XHCN chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Sau hơn 40 năm đổi mới, Thành phố Vinh đã trở thành đô thị loại 1 với quy mô dân số trên 500 ngàn người; tính năng động, đầu tàu phát triển của thành phố được khẳng định rõ nét.
Tốc độ tăng trưởng bình quân thành phố Vinh giai đoạn 2016-2018 đạt 8,54%; Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2018 đạt 84,5 triệu đồng, cao gấp 2,23 lần mức bình quân của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, dịch vụ và công nghiệp chiếm 99,68%, nông nghiệp còn 1,32%. Thu ngân sách tăng trưởng khá và tương đối ổn định, bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 2.338 tỷ đồng. Bộ mặt kiến trúc đô thị ngày càng khang trang, hiện đại với điểm nhấn là các công trình, dự án đã và đang hoàn thành của nhiều nhà đầu tư lớn, uy tín như: Vingroup; T&T; BRG; FLC; TH; Mường Thanh; VSIP; VNPT...
Tầm nhìn và tương lai phát triển của thành phố Vinh được xác định đó là: cùng với thị xã Cửa Lò sẽ trở thành một trong những đô thị biển của Việt Nam; là nơi giao thoa kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng với Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Nghệ An; là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực: Tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục - đào tạo; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cũng đã chỉ ra những bất cập, hạn chế của thành phố Vinh trong thực hiện Thông báo 55 của Bộ Chính trị: Thành phố Vinh phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu đề ra; chưa có bước đột phá vượt trội so với các đô thị lớn trong nước, nhất là khả năng kết nối vùng; hệ thống hạ tầng đô thị còn bất cập; thiếu các dự án lớn, trọng điểm tạo ra các yếu tố để xứng tầm với vai trò là trung tâm hội nhập và phát triển trên nhiều lĩnh vực của vùng Bắc Trung bộ.
Toàn cảnh hội nghị. |
Nhấn mạnh hội nghị là dịp để đánh giá lại kết quả thực hiện Quyết định số 2468 ngày 29/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý bày tỏ mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp, những sáng kiến của quý vị đại biểu để giúp thành phố Vinh phát triển ngày càng hiện đại, năng động và văn minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cũng đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà tỉnh sẽ đồng hành phát triển TP Vinh trong thời gian tới. Trong đó, tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển thành phố Vinh toàn diện, hiện đại, sớm trở thành đô thị thông minh, đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đối mới sáng tạo của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ;
Rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù một cách rõ ràng, thiết thực để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của thành phố Vinh. Phát huy lợi thế so sánh về vị trị địa kinh tế, lấy kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, kinh tế đối ngoại làm nền tảng để phát triển thành phố Vinh trở thành đô thị hiện đại, văn minh;
Tập trung triển khai xây dựng quy hoạch không gian đô thị theo tinh thần Quyết định số 52 và Quyết định số 2468 của Thủ tướng Chính phủ. Phát triển thành phố Vinh trong mối quan hệ tổng thể, đảm báo gắn kết chặt chẽ với các huyện, thị trong tỉnh, các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ;
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, minh bạch, công khai, rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ, đặc biệt các lĩnh vực: đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế tạo điều kiện cho Nhà đầu tư trong quá trình thực hiện. Triển khai đồng bộ chính quyền điện tử, liên thông văn bản điện tử, hiện đại hóa các thủ tục hành chính công các cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm có những cơ chế đặc thù, ưu tiên các nguồn lực để phát triển thành phố Vinh sớm trở thành trung tâm vùng trên các lĩnh vực đã được xác định; các Bộ, ngành TW quan tâm đầu tư, hỗ trợ các dự án động lực, tạo điểm nhấn cho thành phố Vinh phát triển xứng tầm.
*Tiêu đề do BBT đặt
Tác giả: Hiến Chương - Thùy Dương - Hữu Hoàng
Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An