Xã hội

Chi 60 triệu tiêm collagen tươi làm thẳng chân, người phụ nữ bị biến chứng

Sau khi tiêm chất được quảng cáo là tiêm collagen để làm thẳng chân, người phụ nữ ở Hà Nội xuất hiện tình trạng sưng đỏ, đau nhức và xuất hiện ổ áp xe bắp chân.

Bệnh viện Da liễu Trung ương ngày 6-5 cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 47 tuổi (Hà Nội) sưng đỏ, đau nhức và xuất hiện ổ áp xe bắp chân sau khi tiêm chất được quảng cáo là collagen tươi để làm thẳng chân.

Sáng 6-5, nữ bệnh nhân đã trở lại Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám và tiếp tục điều trị biến chứng sau sử dụng dịch vụ tiêm collagen tươi làm thẳng chân tại một thẩm mỹ viện ở quận Cầu Giấy.

Nữ bệnh nhân chia sẻ hình ảnh về bắp chân sưng tấy sau liệu trình làm đẹp

Nữ bệnh nhân nhân biết cách đây gần 1 tháng chị có thực hiện liệu pháp tiêm collagen tươi với mục đích trẻ hóa đôi chân và giúp chân thẳng và "nuột nà" hơn. Tại một cơ sở spa, chị được nhân viên tư vấn sẽ tiêm collagen tươi với thành phần HA (Hyaluronic acid) có nguồn gốc Thụy Sĩ để tạo mô vùng chân, giúp chân thẳng, đẹp hơn. Thời hạn bảo hành cho liệu trình này là 20 năm. Sau khi ký làm hợp đồng và thực hiện liệu trình tiêm, chị được nhân viên ủ tê vùng bắp chân trước khi tiêm.

"Khoảng 1 tiếng sau nhân viên có mang sản phẩm sẽ tiêm cho tôi đến và nói rằng đó là collagen tươi. Lúc đó tôi có kiểm tra thông tin sản phẩm và thấy đây là hộp filler (chất làm đầy) có xuất xứ từ Hàn Quốc. Thấy sản phẩm không đúng như cơ sở ký hợp đồng nên tôi đã yêu cầu cung cấp đúng sản phẩm như cam kết. Một lúc sau, nhân viên lại mang lên hộp sản phẩm và nói rằng "đây là collagen tươi" nhưng khi kiểm tra tôi thấy sản phẩm của Thụy Điển chứ không phải Thụy Sĩ như giới thiệu trước đó. Tuy nhiên, khi nhân viên spa giải thích tôi vẫn đồng ý thực hiện liều trình tiêm 3 ml sản phẩm vào hai bắp chân"- nữ bệnh nhân kể lại.

Cũng theo bệnh nhân này, ngay sau khi tiêm chị đã có cảm giác khó chịu, đau tức vùng bắp chân nhưng nhân viên nói là do tác dụng của thuốc tê và sẽ hết sau vài ngày. "Ngay đêm hôm đó tôi thấy bắp chân sưng to, đau nhức, đỏ tấy, căng tức vùng bắp chân đến mức không đi nổi. Những ngày sau đi tôi tiếp tục trở lại cơ sở này và có được hỗ trợ liệu pháp giảm đau nhưng tình trạng đau, sưng tấy vẫn không giảm" - nữ bệnh nhân nói.

Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết bệnh nhân vào viện sau hơn 10 ngày tiêm chất làm thẳng chân nhưng không rõ đó là chất liệu gì.

Khi thăm khám thấy tình trạng viêm mô dưới da rất rõ ràng, hình ảnh siêu âm bên chân có tiêm 2ml chất liệu làm thẳng chân thấy xuất hiện ổ áp xe ở bắp chân. Bệnh nhân được chỉ định dùng ngay kháng sinh chống viêm, giảm đau…. Đến sáng 6-5, sau 5 ngày điều trị tổn thương đã ổn định hơn nhưng tiếp tục cần theo dõi.

Bác sĩ Vũ Thái Hà cho biết vùng tiêm vẫn sờ thấy rõ cục cứng, lổn nhổn sau gần 1 tuần điều trị kháng viêm

Tại thời điểm này, vùng tiêm ở hai bắp chân bệnh nhân vẫn sờ thấy rõ cục cứng, lổn nhổn. "Chúng tôi nghi bệnh nhân được tiêm filler, nhưng để biết chắc chắn phải rạch vùng tiêm để xét nghiệm mô. Sáng 6-5, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm và tiêm thuốc giải filler (chất làm đầy). Hiện cũng chưa rõ bệnh nhân được tiêm chất liệu gì nhưng nếu đúng bệnh nhân được tiêm chất làm đầy thì thuốc giải mới có tác dụng"- bác sĩ Hà nói.

Cũng theo bác sĩ Hà trong y văn không có khái niệm về tiêm filler làm thẳng chân. Về cơ bản filler cũng không thể làm thẳng chân bằng các thủ thuật tiêm vì liên quan đến xương…

Thông thường tiêm filler được chỉ định trong trường hợp tiêu vùng mỡ gây teo lõm do bệnh lý hay các thủ thuật nào trước đó, như vậy sẽ tiêm vào để làm đầy các mô khuyết. Ngoài ra, có một số sản phẩm được tiêm với mục đích làm cơ đó yếu đi, giúp chân thon gọn hơn.

"Với trường hợp bệnh nhân nói trên việc phát hiện và điều trị kịp thời nên hiện chưa để lại hệ lụy. Tuy nhiên, với các ca điều trị muộn, khi ổ áp xe sẽ lan rộng, xơ hóa cơ, phá hủy mô gây sẹo lồi lõm trên chân cho bệnh nhân. Hoặc nếu muộn hơn nữa, có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong"- bác sĩ Hà cảnh báo.

Theo bác sĩ Hà, việc thực hiện các thủ thuật tiêm filler cần phải được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn, được đào tạo và tại các cơ sở y tế được cấp phép nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc.

Tác giả: N.Dung

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP