Giáo dục

Chất lượng giáo dục phổ thông: Vẫn là “ông nói gà, bà nói vịt”?

Có quá nhiều đánh giá về thành tích giáo dục, nhưng tại sao trên bảo tốt, dưới bảo không tốt? Và làm sao để nền giáo dục ứng thí không trở thành lối mòn cố đế là những câu hỏi được đặt ra về chất lượng giáo dục phổ thông…

Bao giờ hết cảnh thành tích ảo?Ảnh minh họa.

Học sinh chạy theo điểm số

Đánh giá về chất lượng giáo dục phổ thông, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, kết quả học tập của học sinh đã được cải thiện và nâng cao. Trừ cấp tiểu học (chỉ đánh giá theo 2 tiêu chí hoàn thành và chưa hoàn thành), ở cấp THCS và THPT, học sinh khá giỏi chiếm tỷ lệ áp đảo, còn học sinh yếu kém là rất ít. Thế nhưng, không ít thông tin từ chính những thầy cô trong cuộc lại cho rằng đánh giá này chưa thực chất.

Ông Nguyễn Đình Anh nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, nếu đánh giá thực chất, tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu từ trung bình trở lên chỉ đạt khoảng 60%. Ông Nguyễn Đình Anh chia sẻ: “Tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi mà Bộ GD&ĐT đánh giá là chưa thực chất. Bởi đánh giá cho đúng thì chất lượng học tập của học sinh phải đạt cả hai mặt: nắm chắc kiến thức văn hóa và phải thực hành thí nghiệm thành công kiến thức đã học”.

Nhiều thầy cô cho rằng, học sinh giỏi xuất sắc trước đây chỉ là con số nhỏ, nhưng bây giờ thì em nào cũng điểm cao chót vót. Ngay tại Hà Nội, mỗi mùa tuyển sinh, PGS Văn Như Cương đã phải lên tiếng vì có quá nhiều hồ sơ, học bạ giỏi toàn diện (toàn điểm 9, 10) nhưng khi nhận vào trường thì thực tế học tập lại không tương xứng. Chính vì vậy, khi công bố những giải thưởng, thành tích của học sinh Việt Nam, hay những đổi mới về chính sách, phương pháp dạy và học, ngành giáo dục thường hay vấp phải phản ứng trái chiều. TS Lê Thống Nhất - Tổng Giám đốc Công ty Trường học lớn cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta có quá nhiều đánh giá về thành tích, nhưng tại sao trên bảo tốt, dưới bảo không tốt. Đến khi nào chúng ta đồng nhất được chất lượng để lãnh đạo Bộ GD&ĐT và địa phương, giáo viên cùng chung nhận định?”.

Lý giải về sự trái ngược trong đánh giá các vấn đề giáo dục, TS Lê Quang Minh - Trung tâm đào tạo quản lý tiên tiến, Viện Quản trị Đại học, Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, sự khác biệt xuất phát từ mục tiêu và nhận thức khác nhau về tầm quan trọng của các yếu tố cấu thành chất lượng đầu vào, đầu ra của giáo dục.

Chẳng hạn, kết quả PISA của Việt Nam những năm gần đây xếp thứ hạng cao, thậm chí “vượt mặt” các nước tiên tiến trên thế giới nhưng đa phần người dân Việt Nam, thậm chí các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo không tin đó là sự thật. Ông cho biết, lúc bắt đầu nghiên cứu về kết quả PISA, bản thân ông cũng không thể tin vị trí xếp hạng của Việt Nam.

“Tôi cũng như rất nhiều người Việt, dường như không tin về chất lượng giáo dục của nước mình. Tôi từng nghĩ rằng, hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ giỏi đào tạo “gà nòi” để đi thi. Tuy nhiên khi nghiên cứu rất kỹ về PISA, tôi hiểu rằng, PISA đo năng lực học sinh chứ không phải khả năng thi cử”, TS Lê Quang Minh chia sẻ.

Trước những tréo ngoe trên, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie, Hà Nội nhấn mạnh: “Chỉ khi có một đánh giá đúng thực trạng, trên cơ sở khoa học về giáo dục Việt Nam nói chung và phổ thông nói riêng thì mới có giải pháp đúng để đổi mới giáo dục được”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM bày tỏ: “Chúng tôi rất mong muốn làm rõ đổi mới đánh giá, thi cử như thế nào để đánh giá được năng lực của người học. Thực tế đã chứng minh học sinh thi gì học nấy chứ không phải học gì thi nấy. Học sinh vẫn chạy theo cái đích là vào đại học. Bởi vậy, chúng ta cần làm rõ vấn đề: Đổi mới đánh giá thi cử thế nào để đánh giá được năng lực người học? Và đánh giá có phải chỉ là qua điểm số như hiện nay?”.

Có giải quyết được nền giáo dục ứng thí?

TS.Minh cho rằng, các bên liên quan có cách nhìn nhận rất khác nhau về chất lượng giáo dục. Phụ huynh chỉ cần con điểm cao, đậu đại học, nhà trường cần đạt chỉ tiêu địa phương giao, học sinh thi có giải cao… Chính vì thế, chúng ta cần làm giảm khoảng cách về chuẩn chất lượng giữa các bên. Tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT thành lập một nhóm để soạn lại các khái niệm của giáo dục. Nếu không chúng ta cứ trên một nền hiểu sai các khái niệm, chúng ta sẽ tiếp tục sai.

Ở góc độ khác, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới khẳng định, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Chương trình mới sẽ tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn môn học, học phần, chủ đề phù hợp với sở thích, sở trường và định hướng nghề nghiệp của mình. Học sinh được hoạt động để khám phá kiến thức, khám phá năng lực của bản thân và rèn luyện các năng lực chung như tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Các em được nói lên suy nghĩ và nguyện vọng của mình”.

“Ở Việt Nam, phương pháp đánh giá học sinh nói chung còn lạc hậu. Kết quả đánh giá chưa đạt được mục tiêu cung cấp thông tin cho nhà quản lý và giáo viên để hướng dẫn và điều chỉnh các hoạt động dạy học. Giáo viên và học sinh có xu hướng dạy và học để ứng phó với kỳ thi, chạy theo thành tích, thay vì hướng đến việc đạt được mục tiêu giáo dục. Do đó, các kỳ thi đã tạo ra nhiều áp lực cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và xã hội nói chung”.

Để giải quyết tình trạng này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Chương trình Khoa học giáo dục đã đặt hàng các chuyên gia giáo dục nghiên cứu một cách căn cơ về phương pháp đánh giá kết quả giáo dục. Qua xét tuyển, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giao nhiệm vụ này cho Trung tâm đo lường và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học Việt Nam. “Tôi hy vọng là kết quả nghiên cứu sẽ đề xuất được giải pháp đánh giá kết quả giáo dục phù hợp, nhằm chuyển đổi nền giáo dục ứng thí thâm căn cố đế ở Việt Nam sang một nền giáo dục học để phát triển. Đó sẽ là một điều kiện bảo đảm cho Chương trình giáo dục phổ thông mới thành công”, Giáo sư Thuyết bày tỏ.

Tác giả: Nguyễn Mỹ

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP