Kinh tế

Chân dung CEO TiKi Trần Ngọc Thái Sơn bị đồn đệ đơn xin từ chức

Trần Ngọc Thái Sơn, CEO của sàn thương mại điện tử TiKi, từng là cái tên đình đám trong giới startup và được đánh giá cao về sự thành công.

Trần Ngọc Thái Sơn sinh năm 1981, quê ở Tân Bình, TP.HCM. Ông tốt nghiệp thạc sĩ ngành thương mại điện tử tại Đại học New South Wales, Úc năm 2007.

CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn bị nghi bất ngờ từ chức.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Úc, ông Sơn đã có một thời gian làm thiết kế website cho Impaq Interactive tại Thái Lan. Về Việt Nam, ông đã làm ở các vị trí như Giám đốc Marketing cho Vinabook và Quản lý điều hành ở Vega.

Năm 2010 (thời điểm 30 tuổi), nhận thấy nhu cầu lớn mua sách và đọc sách của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là với các đầu sách ngoại ngữ, ông Sơn đã nghĩ đến công cụ để giúp mọi người có thể mua sách dễ dàng hơn. Tiki ra đời với vốn khởi điểm chỉ 5.000 USD tiền tiết kiệm của chính ông. Cái tên Tiki mang ý nghĩa là Tìm kiếm và Tiết kiệm.

Thời điểm này, Tiki chỉ bán các sách Tiếng Anh với hơn 100 đầu sách, nhà kho tại gara xe và văn phòng ở ngay trong phòng ngủ của ông Sơn. Có đơn hàng thì người đóng gói và giao hàng cũng chính là ông. Đây là những ngày tháng vô cùng khó khăn bởi vốn ít và lại không tìm thêm được người đồng sáng lập để có thêm sự hỗ trợ, thế nhưng ông Sơn không hề bỏ cuộc. Liên tiếp trong 2 năm, Tiki đứng vị trí “Dịch vụ chăm sóc khách hàng được ưa thích nhất”, “Giao hàng được ưa thích nhất” và “Website thương mại điện tử mô hình B2C chuyên ngành sách được yêu thích nhất” do người tiêu dùng bình chọn.

Trần Ngọc Thái Sơn từng gắn liền với việc thành lập nên thương hiệu Tiki.

Tháng 3/2012, Tiki đã nhận được sự đầu tư của Soichi Tajima – Chủ tịch và CEO của Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures Inc. Nhờ vậy, tới tháng 8/2012, Tiki của ông đã có 80 nhân viên, văn phòng, kho chứa và phát triển thành nhà sách trực tuyến số 1 tại Việt Nam.

Dấu mốc lịch sử chính là năm 2016, khi Tiki nhận được 384 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần VNG. Nhờ khoản đầu tư này, Tiki có nhiều điều kiện hơn để phát triển hệ thống phần mềm, công nghệ.

Năm 2018, Tiki tiếp tục nhận được sự đầu tư của Công ty JDar Inc (Trung Quốc) và Công ty STIC Investment (Hàn Quốc) đã nhằm giúp củng cố sự hiện diện trên thị trường.

Tuy nhiên mới đây, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập và CEO của nền tảng thương mại điện tử Tiki, được cho là đã gửi đơn từ chức lên hội đồng quản trị công ty. Thời điểm này, Tiki đang dần tụt dốc so với các đối thủ lớn như Shopee và Lazada. Thậm chí, ngay cả đối thủ mới trên thị trường TMĐT Việt Nam là TikTok Shop cũng đang bắt kịp và vượt qua Tiki.

Theo dữ liệu từ Metric, trong quý I, doanh thu của Shopee đạt mức 24.700 tỷ đồng, chiếm thị phần lớn nhất (63,1%) tổng doanh thu của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam.

Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Lazada (7.500 tỷ đồng - chiếm 19,1% thị phần), TikTok Shop (6.000 tỷ đồng - chiếm 15,5% thị phần), Tiki (846,5 tỷ đồng - chiếm 2,2% thị phần) và Sendo (55 tỷ đồng).

Shopee cũng là sàn thương mại điện tử có sản lượng sản phẩm bán ra nhiều nhất giai đoạn ba tháng đầu năm với 289,7 triệu sản phẩm. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Lazada (55,2 triệu sản phẩm), TikTok Shop (42,1 triệu sản phẩm), Tiki (2,8 triệu sản phẩm) và Sendo (290.000 sản phẩm).

Trước đó, vào năm 2022, những dấu hiệu cho thấy Tiki đang dần tụt lại trong cuộc đua TMĐT đã bắt đầu xuất hiện. Chỉ tính riêng trong tháng 11/2022, trong khi doanh thu của Tiki chỉ đạt 396 tỷ đồng, doanh thu của TikTok Shop đã lên tới 1.698 tỷ đồng, dù đơn vị này chỉ mới gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 4/2022.

Doanh thu trong cùng tháng của Tiki cũng kém xa so với hai sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam là Shopee (8.761 tỷ đồng) và Lazada (2.603 tỷ đồng).

Tác giả: ĐÀO BÍCH (tổng hợp)

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP