Mỗi nhân khẩu tại khu tái định cư thủy điện Hủa Na chỉ được cấp 200m2 đất lúa, nhưng đất xấu, năng suất thấp. Ảnh: Quang Đại |
Hai lần xin ý kiến Bộ
Như Lao Động đã thông tin, sau khi thống nhất với Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na, UBND huyện Quế Phong đã phê duyệt chi tiết đối trừ đất trồng lúa cho 261 hộ của 5/13 điểm tái định cư, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ chênh lệch sau đối trừ gần 7,4 tỉ đồng, đã chi trả 4,582 tỉ đồng cho 58 hộ.
Bản tái định cư dự án thủy điện Hủa Na tại huyện Quế Phong. Ảnh: Q. Đại |
Tuy nhiên, bất ngờ Công ty CP Thủy điện Hủa Na dừng chuyển tiền bồi thường, có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An áp dụng phương án khác, mà tổng chi phí thực hiện ít hơn vài chục tỉ đồng so với phương án huyện Quế Phong đang thực hiện.
Ngày 23.7.2019, Sở TNMT tỉnh Nghệ An có văn bản số 4021 gửi Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT) xin ý kiến về phương án tính toán đối trừ đất giữa nơi đi và nơi đến cho người dân nhường đất thực hiện dự án thủy điện Hủa Na.
Ngày 14.8.2019, Tổng Cục Quản lý đất đai đã có văn bản số 1549 phúc đáp văn bản của Sở TNMT Nghệ An, nêu rõ: Bồi thường được thực hiện bằng giao đất có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất thì trả bằng tiền.
Việc xử lý chênh lệch giá trị đất nơi đi và nơi đến: “Giá trị đất nông nghiệp được giao thấp hơn giá trị đất bị thu hồi thì hộ tái định cư được bồi thường phần giá trị chênh lệch…”.
Nội dung văn bản nói trên hướng dẫn đúng với phương án mà huyện Quế Phong đã phê duyệt, chi trả cho dân.
Tuy nhiên, cho rằng hướng dẫn nói trên “chưa sát với nội dung xin ý kiến xử lý vướng mắc”, ngày 30.9.2019, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có công văn số 6905 gửi Bộ TNMT, đề xuất áp dụng phương án đối trừ chênh lệch cho tổng giá trị các loại đất sản xuất nông nghiệp (cũng là phương án của Công ty CP Thủy điện Hủa Na đề xuất).
Ngày 7.4.2020, Tổng Cục Quản lý đất đai đã có văn bản số 708 phúc đáp văn bản của tỉnh Nghệ An, có nội dung đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An.
Huyện “mắc kẹt” giữa hai luồng ý kiến
Ngày 14.4.2020, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 2215 truyền đạt ý kiến ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo: “UBND huyện Quế Phong căn cứ các quy định của pháp luật và ý kiến của Tổng Cục Quản lý đất đai tại Công văn số 708 ngày 7.4.2020 để triển khai thực hiện”.
Nhường đất cho dự án thủy điện đã 8 năm, hộ ông Lang Văn Thái (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) vẫn chưa được nhận tiền đối trừ đất nông nghiệp. Ảnh: Q.Đại |
Ông Vi Văn Thắng – Phó Phòng TNMT huyện Quế Phong cho biết: Văn bản của Tổng cục Quản lý đất đai chỉ là văn bản cá biệt, không thể thay thế nội dung Quyết định 64/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung hướng dẫn tại văn bản số 708 nói trên là không đúng với quy định của Luật Đất đai.
Ông Thắng dẫn chứng: Nhóm đất nông nghiệp có nhiều loại đất khác nhau về mục đích sử dụng đã được nêu cụ thể trong Luật Đất đai 2013: đất trồng lúa, đất làm muối, nuôi trồng thủy sản, đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm… Các loại đất đó không thể thay thế, bù trừ cho nhau được.
“Nếu áp dụng phương án văn bản 708 hướng dẫn, chúng tôi làm trái luật đất đai, và gây ra thiệt thòi cho người dân” – ông Vi Văn Thắng nói.
Ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong trăn trở: “Chúng tôi hiện ở vào thế khó. Nếu thực hiện theo hướng dẫn của công văn 708 thì trái luật, mà thực hiện đúng các quy định của luật thì lại không đúng với công văn 708”.
Phóng viên trao đổi công văn 708 của Tổng Cục Quản lý đất đai là văn bản cá biệt, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên chỉ có giá trị tham khảo, ông Lê Văn Giáp cho biết theo quy định cấp dưới phải thực hiện chỉ đạo cấp trên, nên huyện tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND tỉnh xem xét lại toàn bộ nội dung sự việc.
Tác giả: QUANG ĐẠI
Nguồn tin: Báo Lao Động