Sự việc khiến Tô Thụy Diễm Quyên - cô giáo được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - nhớ câu chuyện cách đây đã rất lâu, khi cô chủ nhiệm lớp 8 tại một trung tâm dạy nghề. Đây là giai đoạn mà học sinh nổi loạn nhất, khó dạy và các giá trị, phẩm chất cũng chông chênh nhất.
Nữ sinh 17 tuổi quỳ gối, bị hành hung ở shop quần áo tại Thanh Hóa (Ảnh cắt từ clip). |
Lần ấy, một nam sinh trong lớp, mà cô Quyên nhắc lại với cụm từ "nam sinh của tôi" ăn cắp một chiếc đồng hồ của bạn học. Giáo viên dạy nghề đã gọi điện và đề nghị cô Quyên là giáo viên chủ nhiệm phải xử lý thật nghiêm. Khi đó, cô Quyên đã thuyết phục đồng nghiệp hãy để mình được tự xử lý học sinh do mình chủ nhiệm.
Cô đã ngồi trò chuyện với em học sinh ấy khoảng một giờ và lấy lại được chiếc đồng hồ. Đồng thời, cô cũng trò chuyện và thuyết phục em học sinh bị mất đồng hồ, cô trò cùng đi đến một "quyết định bí mật": Thông báo lại mình để quên trong cặp. Như là một cách cho bạn cơ hội và bảo vệ danh dự cho bạn mình. Và em học sinh đồng ý.
Sự việc được giải quyết trong bí mật nhưng cô giáo chủ nhiệm tin rằng, cậu học trò sẽ nỗ lực kiểm soát lòng ham muốn của mình để không bị rơi vào tình huống có thể bị làm nhục trước đông người. Ngoài ra, một em học trò khác là người bị mất đồ cũng có thêm cơ hội giúp bạn tốt hơn.
Kể lại câu chuyện trên vào thời điểm này, cô Tô Thụy Diễm Quyên bày tỏ, không phải để bênh vực "kẻ cắp". Có những người biết rõ mình là ăn cắp nhưng vẫn cố tình tiếp tục thực hiện hoặc kéo dài thì không thể chấp nhận. Cô muốn đề cập một kiểu "kẻ cắp" là kiểu không khống chế được lòng tham nhất thời và chưa trở thành bản chất, chủ yếu là hành vi của trẻ vị thành niên.
Theo nhà giáo dục này, cô có niềm tin mãnh liệt rằng những hành vi xấu của bọn trẻ trong giai đoạn trưởng thành của các em chưa thể khẳng định phẩm chất sau này nếu đứa trẻ ấy có điều kiện và cơ hội được dạy dỗ thận trọng và tôn trọng. Ai cũng có những khoảnh khắc thiếu kiểm soát. Phẩm chất của một con người không phải do bẩm sinh mà do quá trình giáo dục và tự rèn luyện.
"Bạn nghĩ đứa trẻ là ai chúng sẽ ứng xử như cách bạn nghĩ. Bạn cho rằng hành vi ấy sửa được thì đứa trẻ sẽ sửa được. Bạn làm nhục nó, dồn nó vào chân tường thì bạn đang cố biến đứa trẻ thành một kẻ đáng bỏ đi", cô giáo tâm tư.
Cô Tô Thụy Diễm Quyên nhắc đến ngạn ngữ Châu Phi: "Cần có cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ" - điều mà tất cả chúng ta vẫn đang nỗ lực để nói với nhau hàng ngày.
Để làm được điều này cần đến luật pháp thấu tình đạt lý, cần chế tài để mỗi người hiểu về trách nhiệm của mình. Và đặc biệt, cần lắm tấm lòng bao dung, tính thiện trong chính mỗi người lớn...
Bởi có ai trong chúng ta, tôi, bạn, người thân, con cháu mình... mà không cần những cơ hội để trưởng thành, để trở nên tốt đẹp hơn?
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí