Xã hội

Câu chuyện đằng sau bức ảnh cưới đặc biệt của vợ chồng miền Tây

Tấm ảnh cưới vẫn để dưới nền nhà, chưa được treo lên. Anh ngồi bên cạnh, vừa nhìn chị đang lo bữa ăn tối vừa nhìn vào ảnh. Anh nở nụ cười mãn nguyện.

Anh Cao Minh Quều 27 tuổi, quê Đức Huệ (Long An) bị nhiễm chất độc da cam. Hai chân anh bị teo, phải di chuyển bằng xe lăn. Không may anh lại bị tai nạn nên phải cưa một chân, việc đi lại càng khó khăn hơn.

Chị Võ Kim Trúc 35 tuổi, quê ở Long Hồ (Vĩnh Long). Chị bị teo một chân do sốt bại liệt lúc mới lên 1 tuổi. Gia đình nghèo, sau khi học xong cấp 3, chị cố gắng theo học lớp kế toán tại Trung tâm dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP.HCM).

Anh Quều, chị Trúc bên tấm hình cưới

Thời gian học ở trung tâm, chị luôn vui vẻ, dễ gần nên được nhiều học viên quý mến. Trong số đó có một học viên nam của lớp tranh ghép gỗ, vào trung tâm trước chị một năm. Anh luôn theo dõi, để ý sẵn sàng giúp chị những khi chị cần. Người ấy chính là anh Quều.

Cũng có vài lần anh bộc lộ tình cảm nhưng chị làm ngơ. Sau mỗi lần như vậy, anh Quều chỉ biết khóc. Nhiều người bạn của chị thấy vậy đã vun vào khiến chị dần xiêu lòng...

Chị kể cho chúng tôi nghe thuở hai người mới gặp nhau, chị bảo: "Sao mà tôi ghét ảnh đến thế. Anh là thanh niên mà ăn mặc luộm thuộm đã vậy tuổi còn nhỏ hơn mình... ".

Chị kể tiếp: "Nhưng rồi nhờ cái "lì" của anh ấy mà chinh phục được tôi. Bây giờ thương nhau lắm rồi. Anh ra trường trước tôi một năm. Anh tìm việc làm gần đó để có điều kiện qua lại. Tình cảm hai đứa nặng dần... ".

Sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán, chị tất tả khắp nơi xin việc nhưng không nơi nào nhận cả. Có nơi họ tìm cách từ chối khéo chị nhưng cũng có nơi họ nói thẳng thừng, không nhận người khuyết tật. Cuối cùng, chị vào làm thợ may

Ảnh cưới của cặp đôi trong đám cưới tập thể do Thành đoàn tổ chức vào ngày 2/9/2017 tại nhà Văn hóa Thanh niên. Trước đó, họ từng mơ có một đám cưới mà chưa có điều kiện.

Sau bao sóng gió, họ cũng thành đôi và về trọ trong căn phòng ở phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TP.HCM).

Họ thuê một phòng trọ chung sống với nhau. Anh Quều về quê thưa chuyện với cha mẹ để xin làm đám cưới nhưng nhà trai không đồng ý vì sự cách biệt về tuổi tác. Cuối cùng, anh phải nói dối là chị đã có bầu nhà trai mới mang trầu, rượu sang cưới vợ cho con trai.

Chị kể tiếp: "Chúng em không có đám cưới mà chỉ là buổi ra mắt hai họ diễn ra vào tháng 3/2013. Dù vậy nhưng em nghĩ, miễn sao 2 đứa sống có hạnh phúc là đủ.

Năm sau, bé trai đầu lòng chào đời bình thường, khỏe mạnh trong niềm vui vô hạn của vợ chồng và gia đình hai bên. Cuộc sống của chúng em tuy không đầy đủ, trọn vẹn nhưng tràn ngập niềm vui. Em đi làm, anh ở nhà vừa chăm con vừa lấy đồ về làm việc tại nhà nên cũng đủ sống".

Tuy nhiên hạnh phúc không kéo dài bởi khi cháu bé vừa biết đi thì anh Quều đổ bệnh.

Vết loét ở mông lan rộng mặc dù đã đi chữa trị nhiều nơi. Quều không ngồi lâu được một chỗ nên không nhận hàng về làm được. Chi tiêu trong gia đình giờ đây chỉ trông vào số lương khoảng 5 triệu/tháng của người vợ.

Cuối cùng họ phải gửi con về ngoại. Anh Quều về nhà nội, thỉnh thoảng lại xuống thăm vợ. Chị cố gắng làm và tăng ca để có thu nhập gửi về nuôi con.

Chị chuẩn bị bữa ăn tối

Trong những lần về thăm vợ, trên đường đi gặp đám cưới, anh Quều suy nghĩ rất nhiều. Anh nói với chị: "Ước gì vợ chồng mình cũng có được đám cưới như bao người khác".

Cuối cùng điều ước đã trở thành hiện thực khi vợ chồng họ là đôi uyên ương thứ 62 trong 100 cặp cô dâu chú rể tại đám cưới tập thể do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày lễ 2/9 vừa qua.

Chị nói: "Vợ chồng em vui và mãn nguyện lắm. Con trai nhìn thấy tấm hình cưới đã nói: "Ba Quều, mẹ Trúc phải đưa tấm hình này về ngoại. Mỗi lần nhớ ba mẹ, con lại ra đứng trước hình nói chuyện". Em nghe mà ứa nước mắt".

Hiện nay sức khỏe của anh Quều rất yếu. Chị chỉ mong, anh là chỗ dựa vững chắc suốt đời bên mẹ con chị. "Nghĩ đến có một lúc nào đó phải bôn ba một mình em sợ lắm... ", chị nghẹn ngào cho biết.

Tác giả: Trần Chánh Nghĩa

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP