Trong tỉnh

Cần điều tra làm rõ việc cán bộ xã lập sơ đồ 'lạ' khiến dân bức xúc tại Nghệ An

Khi người dân kiện ra tòa án nhân dân huyện, cán bộ xã lập một sơ đồ 'dắt' 3 thửa đất cách xa hàng chục km vào trong thửa đất tranh chấp. Đến khi Tòa án nhân dân tỉnh về thẩm định mới lòi ra 3 thửa đất 'biết đi'.

Khi người dân kiện ra tòa

Đó là câu chuyện xảy ra tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An).

Tháng 2/2021, ông Vi Văn Hảo, có đơn gửi Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu, khởi kiện việc gia đình ông được UBND huyện Quỳ Châu giao đất lâm nghiệp theo Quyết định số 494/QĐ-UB, ngày 18/12/2003, thửa đất số 47, tờ bản đồ số 03, diện tích 101.335m2, địa chỉ thửa đất Khu vực khe Bá-khe Tạnh, bản Thuận Lập, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An).

Do khi giao đất, gia đình không biết cụ thể ranh giới đất, nên một phần diện tích đất bị 3 gia đình ông Vi Văn Toan, bà Lương Thị Hóa và bà Vi Thị Hồng sử dụng.

Sau khi xã Châu Hạnh tiến hành hòa giải thì hai gia đình bà Lương Thị Hóa và bà Vi Thị Hồng đã trả lại đất cho gia đình ông Hảo, (dù không biết vì lí do gì?)

Ngày 23/7/2021, Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu có bản án số 14/2021/DSST, quyết định buộc ba gia đình ông Vi Văn Toan, trả lại phần đất tranh chấp trên cho gia đình ông Hảo. Gia đình ông Vi Văn Toan không đồng ý. Và đã có đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Sau đó Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, về xã Châu Hạnh xem xét và thẩm định lại.

Bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Quỳ Châu

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Toan bức xúc: “Khu đất này gia đình tôi khai hoang, canh tác từ năm 1980. Sau này được giao đúng với vị trí này. Thửa đất số 47 của nhà ông Hảo cách rất xa, không thể nói lấn lên được”.

Theo nhiều người dân trú bản Thuận Lập, thửa đất mà ba gia đình ông Toan, bà Hóa và Bà Hồng đã canh tác trên đó từ những năm 1980. Khi được nhà nước giao đất, nguyên trưởng bản đã đến giao ranh giới đất rất cụ thể cho từng gia đình. Và thửa đất mà họ đang sử dụng là đúng.

Theo tờ bản đồ số 3 đất lâm nghiệp xã Châu Hạnh, đo đạc năm 2003 thì 3 thửa đất của ba gia đình ông Toan, bà Hóa và bà Hồng (đánh dấu đỏ bên trên, nằm cách xa thửa 47 (đánh dấu đỏ bên dưới).

Bà Vi Thị Hồng, trú bản Thuận Lập, nói: “Đất do mẹ tui khai hoang và sản xuất từ năm 1980. Sau này mẹ giao lại cho tui. Khi nhà nước giao đất, trưởng bản đến cắm mốc giới cũng đúng như hiện trạng. Giờ tòa dựa vào sơ đồ hay hồ sơ chi không biết, mà lại tuyên trả lại đất cho nhà ông Hảo. Dân tui nghe tòa nói rứa thì phải chịu chứ biết làm răng”.

Thửa đất biết đi.

Theo tờ bản đồ số 3, đất lâm nghiệp xã Châu Hạnh, đo đạc năm 2003. Thì 3 thửa đất 199, 200, 204 của ba gia đình bà Hóa, bà Hồng và ông Toan, nằm liền kề nhau. Cách rất xa thửa đất sô 47 của gia đình ông Hảo. Thế nhưng ông Hảo lại kiện ra tòa là lấn chiếm một phần đất ở thửa 47 của gia đình ông. Chính điều này khiến ba gia đình cùng nhiều người dân trong bản hết sức bất bình. Họ cho rằng trước đây khi đang hoang sơ thì không ai đến nhận. Giờ làm đường sá đẹp đẽ thì nhiều hộ dân nơi khác đến tự nhận là đất của mình rồi tranh chấp.

Sơ đồ miêu tả thửa đất trranh chấp do ông Lang Trung Hiếu lập và ông Lang Văn Bình ký có đóng dấu.

Tuy nhiên khi cung cấp sơ đồ tranh chấp thửa đất thì cán bộ địa chính Lang Trung Hiếu và Phó chủ tịch xã Châu Hạnh Lang Văn Bình (Ký), đã vẽ ba thửa đất mà ba gia đình đang sử dụng là nằm trong thửa đất số 47, nên xảy ra tranh chấp.

Trao đổi với chúng tôi về sơ đồ thửa đất tranh chấp, ông Lang Trung Hiếu, cán bộ địa chính xã Châu Hạnh, khẳng định: “Tôi đã dùng máy đo rất kỹ và xác định ba thửa đất đang sử dụng là nằm trong thửa 47. Còn thực tế ba thửa mà họ được giao nằm phía trên đỉnh đồi, chứ không phải ở đó”.

So sánh bản đồ đất lâm nghiệp xã Châu Hạnh đo đạc năm 2003 với sơ đồ do Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm đinh này là hoàn toàn trùng khớp.

Khi phóng viên chất vấn, đất họ khai hoang canh tác từ những năm 1980 chứ không phải sau này thì ông Hiếu, cho rằng: “Cái đó thì tôi không biết, có thể khi giao họ đã giao sai”.

Khi phóng viên chất vấn, thế tại sao biên bản xem xét, thẩm định của Tòa án nhân dân tỉnh lại khẳng định 3 thửa đất mà họ đang canh tác là đúng với bản đồ được giao và đúng với thực địa họ đang canh tác, thì ông Hiếu không trả lời được.

Quyết định hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, cho biết: “Trước hết là cứ ghi nhận phản ánh của dân cái đã. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lí. Quan điểm là sai là sẽ xử lí, sai do cố tình làm sai hay chuyên môn yếu kém đều sẽ bị xử lí”.

Tác giả: Hoàng Tùng

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP