Giáo dục

Cần chủ động phòng chống đuối nước cho học sinh trong mùa mưa lũ

Mặc dù luôn được cập nhật, cảnh báo về diễn biến thời tiết, thế nhưng cứ mỗi lần mưa lũ đi qua, trên địa bàn tỉnh lại có thêm những học sinh bị đuối nước thương tâm. Chủ quan, thiếu sự chủ động trong thông báo sớm để học sinh nghỉ học là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tai nạn đuối nước này.

4 ngày sau đợt mưa lũ lớn xảy ra cướp đi sinh mạng em Phạm Ngọc Hoàng - lớp 8B trường THCS Nam Kim - huyện Nam Đàn, dù mưa đã ngớt nhưng nước sông Lam và sông La vẫn tiếp tục dâng cao khiến nhiều tuyến đường của xã Nam Kim đang bị ngập sâu, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nên nhà trường vẫn chưa trở lại hoạt động dạy và học.

Ông Bùi Thế Đường - người dân xã Nam Kim- huyện Nam Đàn nói: Nằm ở vùng thấp, trũng, cho nên lượng nước Thiên Nhẫn tràn về nhiều. Hơn nữa đang thi công đường cản trở việc thoát nước.

Trường THCS Nam Kim vẫn chưa trở lại hoạt động dạy và học

Thầy giáo Trịnh Văn Sang - Giáo viên trường THCS Nam Kim - Nam Đàn thừa nhận: Trước đây, khi mưa lớn, nhà trường có thông báo cho giáo viên và học sinh để tránh những tai nạn. Lần này, nhà trường nghĩ con đường vừa mới làm xong, đã cao ráo, nên thông báo nghỉ và cũng không lường trước được hậu quả đáng tiếc này.

Do chưa kịp thời thông báo sớm cho học sinh nghỉ học khi có mưa lũ nên hàng trăm học sinh trường THCS Nam Kim sáng ngày 15/10 vẫn đến trường. Và trường hợp em Phạm Ngọc Hoàng ở xã Nam Kim bị đuối nước không phải là hy hữu xảy ra trên địa bàn tỉnh mỗi khi mùa mưa bão đến. Điều đáng nói ở đây, đó là huyện Nam Đàn – một huyện đồng bằng nhưng năm nào vào mùa mưa lũ cũng đều xảy ra những tai nạn thương tâm như thế này. Trong đó, vùng năm Nam như xã Nam Cường, Nam Trung, Nam Kim….hàng năm vào mùa này cũng có từ 2 đến 3 học sinh bị đuối nước.

Ông Phạm Quyết Thắng- Bí thư xã Nam Kim – huyện Nam Đàn cho biết: Sau vụ đuối nước của học sinh, chính quyền đã phân công trách nhiệm khắc phục hậu quả bão lụt. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, tăng cường tuyên truyền và có sự chỉ đạo sớm nhằm hạn chế tình trạng HS đuối nước.


Một số trường học ở xã Nam Cường - Nam Đàn vẫn phải cho học sinh nghỉ học do nhiều điểm vẫn đang ngập sâu

Nghệ An là tỉnh có địa hình phức tạp, nhiều ao hồ sông suối, Vùng đồng bằng thường ngập lụt. Vùng miền núi thường xảy ra lũ ống, lũ quét. Trong khi đó, học sinh ở các vùng này phần lớn đi học với quãng đường xa, học tại nhiều điểm lẻ. Bởi thế vào mùa mưa lũ các trường học cùng với địa phương cần có các phương án, chủ động đối phó với thời tiết diễn biến bất thường nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho các em:

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: Vào dịp mưa bão, Sở GD&ĐT luôn yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, chủ động các giải pháp để phòng chống bão lụt, giảm đến mức thấp nhất những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm cả nước có trên 3600 trẻ em bị đuối nước. Tại Nghệ An, từ đầu năm đến nay đã có 29 em. Cứ vào mùa hè hay mùa mưa lũ, nhiều gia đình lại lo lắng về sự an nguy của con trẻ. Vậy những giải pháp mà các cấp chính quyền, ngành giáo dục đưa ra đã đủ quyết liệt để giảm số lượng học sinh đuối nước?

Tác giả bài viết: Thanh Hà - Quốc Toàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP