Cụ Long sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn ở xã Hồng Long. Đến năm 1930, cụ lập gia đình với chàng trai cùng thôn là Bùi Ngọc Cu. Hai người có với nhau được 7 người con nhưng chỉ nuôi được 5 người. Do đông con nên cuộc sống gia đình cũng hết sức khó khăn và vất vả. Gia đình 7 người sống với nhau dưới ngôi nhà xây bằng đất ở ven sông Lam.
Tai ọa ập đến gia đình, khi chồng cụ Long đột ngột qua đời lúc người con út vừa mới sinh ra. Chồng mất, nén nỗi đau, cụ Long gồng gánh nuôi các con nên người. Cụ bươn chải đủ thứ nghề để có thu nhập nuôi con. Khi các con cụ đã lớn, kinh tế gia đình có phần khá giả hơn.
Thấy cuộc sống của gia đình cô bé Lê Thị Liên trú ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn khó khăn nên cụ thường xuyên giúp đỡ. Năm bà Liên lên 12 tuổi, cụ Long đã nhận về làm giúp việc ở trong nhà. Nói là ở đợ, nhưng cụ Long coi Liên như con cái ở trong nhà. Rồi số phận xe duyên, con trai cả là Bùi Ngọc Long đem lòng yêu thương cô bé giúp việc ở trong nhà. “Thời đó tôi coi mẹ Long như mẹ ruột của mình vậy. Xem các anh chị của mẹ như anh chị ruột ở trong nhà. Khi cụ Long có ý muốn tôi làm con dâu, tôi vui mừng lắm. Kể từ đó, tôi trở thành cô dâu cả trong nhà. Mới đó mà đã 74 năm trôi qua rồi. Bây giờ tôi và mẹ đã già”, bà Liên bùi hồi nhớ lại.
Về làm dâu cả, bà Liên chu tất mọi công việc trong gia đình chồng. Bà đã cùng mẹ chồng “dựng vợ gã chồng” cho mấy người em. Cuộc sống tuy khó khăn vất vả nhưng gia đình lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa. “Liên là một người phụ nữ chịu khó, đảm đang, đối xử với mọi người trong nhà rất tốt. Bây giờ mẹ con tôi cũng đã già. Chúng tôi đã trở thành “tri kỷ” của nhau. Hàng ngày, chúng tôi ở nhà giúp đỡ con cháu trong việc bếp núc và quét dọn nhà cửa. Tuổi này chúng tôi chỉ mong khỏe, không làm phiền con cháu là vui rồi”, cụ Long vui vẻ cho biết.
“Nhìn mẹ chồng và bà nội sống hòa thuận, thương yêu nhau như vậy con cháu cũng lấy đó làm gương. Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng chưa khi nào thành viên trong gia đình xảy ra mâu thuẫn. Gia đình sống rất nề nếp”, chị Nguyễn Thị Bảy (con dâu bà Liên) chia sẻ.
Ba lần "ế" quan tài
Hàng ngày, cụ Long và bà Liên thay nhau ở nhà cơm nước và quét dọn nhà cửa cho con cháu. Thậm chí, cụ Long sức khỏe còn dẻo dai hơn cả bà Liên. Nhiều lần, cụ còn xin con cháu ra ngoài đồng để cắt cỏ, lấy xe rùa đi chở ngô, rau. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, bà Liên và con cháu can ngăn nhưng cụ Long nhất quyết đòi đi.
“Có hôm con cháu giấu liềm không cho cụ đi cắt cỏ. Cụ liền chạy sang nhà tôi mượn liềm đi cắt cỏ. Cụ bảo ở nhà ngồi chỗ, chân tay bồn chồn không chịu được. Nhiều hôm cụ đi bộ 4km sang thăm nhà con cháu, rồi tự đi bộ về”, ông NguyễnViết Tân, trưởng xóm cho biết.
Anh Cảnh chia sẻ với PV, mặc dù đã bước sang tuổi 113 nhưng mọi công việc từ vệ sinh cá nhân và ăn uống cụ đều tự lo hết. “Mỗi lần tắm rửa xong là cụ tự giặt quần áo luôn. Chúng tôi bảo để đó, con cháu giặt cho nhưng cụ không chịu. Cụ bảo còn sức khỏe cụ sẽ tự làm lấy không phải phiền con cháu. Đặc biệt, bà và mẹ tôi chưa bao giờ cãi nói nhau to tiếng. Nếu có điều gì chưa vừa ý, cả hai nhẹ nhàng khuyên bảo, nhường nhịn nhau mà sống. Vì vậy, con cháu trong nhà cũng không ai dám to tiếng với nhau cả. Hơn thế nữa, cụ rất chịu khó lao động. Mặc dù bị con cháu cấm, nhưng cụ tham công tiếc việc, trốn con cháu để ra đồng. Vào mùa gặt, rơm thóc đều được cụ đưa ra sân phơi, đóng bao cất gọn gàng”, anh Cảnh cho biết thêm.
Chia sẻ về bí quyết sống lâu của mình, cụ Long cho biết: “Tôi không có bí quyết gì đặc biệt cả. Tôi quen lao động chân tay từ nhỏ, lúc nào cũng làm việc nên thấy khỏe lắm. Đến bữa ăn chỉ cần lọ muối vừng và cơm trắng là ngon rồi. Thi thoảng tôi mới ăn tý thịt luộc và rất ít khi ăn đồ xào nướng. Riêng về nước uống tôi chỉ uống nước chè xanh. Nhiều lần con cháu sợ tôi thiếu chất dinh dưỡng nên mua nhiều món bổ dưỡng nhưng tôi không ăn được”.
Người nhà cụ Long cho biết thêm, dù ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ rất ít khi bị ốm đau. Năm 1965, gia đình đi bói nghe thầy phán là có người già chết. Nghe vậy, ai cũng nghĩ người ra đi chính là cụ Long nên đã chuẩn bị sẵn cỗ quan tài. Thế nhưng 10 năm trôi qua, chiếc quan tài nay đã mục nát.
“Cụ Long là người cao tuổi nhất ở huyện Nam Đàn. Mặc dù đã bước sang tuổi 113 nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai lắm. Nói về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu giữa cụ Long và bà Liên, họ rất hòa thuận khiến nhiều người ngưỡng mộ”, ông Lê Văn Lan – Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hồng Long cho biết.
Gia đình cụ Long, được xem là gia đình đặc biệt nhất làng vì có 4 thế hệ chung sống hòa thuận. Con trai của cụ đều qua đời cả, chỉ có 3 người con gái còn sống. Mỗi năm tết đến hay giỗ chạp, nhà cụ Long lại tấp nập con cháu về quay quần. Đó là niềm hạnh phúc nhất của cụ Long cũng như với đại gia đình.
Tác giả bài viết: Hà Hằng
Nguồn tin: