1. Bao quanh khu vực trung tâm hành chính của thị trấn Diên Khánh, thành cổ Diên Khánh được coi là tòa thành nguyên vẹn nhất của nhà Nguyễn bên ngoài Cố đô Huế còn được gìn giữ đến nay. |
Thành được chúa Nguyễn Ánh (Gia Long) cho xây dựng năm 1793 theo kiểu Vauban phương Tây, và là tòa thành kiểu Vauban thứ hai được xây ở Việt Nam, sau thành Gia Định ở Nam Kỳ. Công trình có hình lục giác dài 2.693 mét, các góc được đắp nhô ra để tăng tầm quan sát. |
Khi xây dựng xong, thành có 6 cửa, hiện nay chỉ còn lại 4 cửa: Đông, Tây, Tiền (Nam), Hậu (Bắc). Phía trên các cổng thành xây lầu tứ giác. Không chỉ là công trình quân sự, thành cổ Diên Khánh còn là cơ quan hành chính của phủ Diên Khánh thời nhà Nguyễn. |
2. Tọa lạc ở khóm Phú Lộc Tây thuộc thị trấn Diên Khánh, Văn miếu Diên Khánh được xây dựng năm 1846 (đời vua Thiệu Trị), là di tích có giá trị nhiều mặt về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. |
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đây là nơi cất giấu vũ khí, lương thực, luyện tập quân sự chi viện cho mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa từ ngày 23/10/1945-2/2/1946. Công trình đã bị phá hủy do chiến tranh. |
Năm 1959, Văn miếu Diên Khánh được xây dựng lại trên nền cũ với quy mô nhỏ hơn, bao gồm: Nghi môn ngoại và tường bao, nghi môn nội, nhà bia, sân miếu, cột cờ, nhà Đông, nhà Tây, bái đường, chánh tẩm... Nơi đây hiện còn giữ được hai tấm bia đá thời vua Tự Đức. |
3. Nằm bên Tỉnh lộ 2, phía Tây thị trấn Diên Khánh, nhà thờ Hà Dừa là một nhà thờ cổ nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa. Công trình được xây dựng vào năm 1917, mở rộng vào năm 1924. |
Nhà thờ mang dáng vẻ cổ kính với kiến trúc độc đáo, là sự kết hợp của phong cách Gothic cổ điển với những hình khối vuông vức, được cho là lấy cảm hứng từ cổng Tây của thành cổ Diên Khánh - nằm cách đó hơn 200 mét. |
Không chỉ là điểm văn hóa tâm linh phục vụ bà con giáo dân địa phương, nhà thờ Hà Dừa còn thu hút nhiều cặp uyên ương trong và ngoài thị trấn Diên Khánh tìm đến để thực hiện những bộ ảnh cưới lãng mạn. |
4. Nằm cạnh chợ Thành ở thị trấn Diên Khánh, miếu Quan Thánh là một công trình kiến trúc độc đáo của người Hoa ở Khánh Hòa. Theo các tư liệu, miếu do cộng đồng Hoa kiều Quảng Đông sang sinh sống và làm ăn tại Diên Khánh xây năm 1876 làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. |
Trải qua thời gian tồn tại hơn một thế kỷ, miếu Quan Thánh ở Diên Khánh đã được trùng tu, gia cố vào các năm 1943, 1944, 1979 và 2007. Từ ngoài vào trong, di tích bao gồm tam quan, lầu vọng nguyệt, tiền tế, chính điện, nhà Đông. |
Chính điện của miếu là nơi thờ ngài Quan Thánh / Quan Công, tên thật là Quan Vân Trường sống vào đời nhà Hán – Trung Quốc. Hàng năm miếu tổ chức cúng vào hai dịp lớn nhất là ngày 13/1 Âm lịch và ngày 13/5 Âm lịch, thu hút đông đảo khách thập phương về tham dự... |
Tác giả: Quốc Lê
Nguồn tin:kienthuc.net.vn