Trong nước

Bộ trưởng Tô Lâm: Nhiều vấn đề nảy sinh trong cải tạo phạm nhân

“Có ý kiến nói giỗ bố, giỗ mẹ, hay cưới con, cháu thì phạm nhân có được về không? Đúng luật là không, nhưng người ta cải tạo tốt thì có được phép hay không?”, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, sáng 10/1.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trại giam thường xuyên có sự phân loại, đánh giá phạm nhân. Một là đối tượng thường xuyên chống đối, tìm mọi cách vi phạm pháp luật. Đây là loại phạm ngân nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, thậm chí còn “chỉ đạo ra bên ngoài”, có đối tượng chống đối, không chịu cải tạo. Thứ hai là loại phạm nhân lưng chừng. Còn loại ba là những người rất tích cực, chấp hành tốt, luôn mong mỏi được đánh giá, được tha tù trước thời hạn, số này rất đông.

Theo ông Tô Lâm, không thể đánh đồng được các loại phạm nhân được, có những phạm nhân không bao giờ được ra ngoài tham gia lao động. Vấn đề này rất phức tạo, vì đây là thi hành án hình sự chứ không phải vấn đề dân sự.

Đối với khu sản xuất, điểm lao động, trong trại giam thì quy định rồi, nhưng bây giờ sửa luật là ở ngoài phạm vi trại giam. Vấn đề này luật chưa quy định, nhưng thực tế đã làm rồi và giờ đưa vào luật. Lý giải về việc “có chuyện cưỡng bức không?”, ông Lâm khẳng định, phải chấp hành nghiêm các quy định, làm sao để cải tạo họ trở thành người tốt, các biện pháp khác chỉ là hỗ trợ tùy theo điều kiện KTXH của mình, phù hợp với thực tiễn của chúng ta.

“Dạy nghề cho lao động ngoài trại giam nhưng phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện đầy đủ việc giam giữ, công khai minh bạch việc phân phối kết quả lao động một cách hợp lý... Anh em ở đây cũng phải chịu trách nhiệm, nếu không đảm bảo an ninh trật tự thì không thể làm”, ông Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, những vấn đề như về giới tính, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động...tất cả đều phải quy định và nên giao cho Chính phủ quy định và phải tuân thủ các luật đang có, đang thực hiện.

Còn về quyền, nghĩa vụ phạm nhân, theo ông Lâm, họ đã bị cách li và hạn chế quyền tự do, nhất là quyền tự do đi lại, nên một số quyền công dân khó đảm bảo đầy đủ như công dân bình thường ngoài xã hội. Phạm nhân đi phải xin phép, ra ngoài phải có người chịu trách nhiệm.

“Có ý kiến giỗ bố, giỗ mẹ, hay cưới con, cháu thì phạm nhân có được về không? Đúng luật là không, nhưng người ta cải tạo tốt thì có được phép hay không?”, theo ông Lâm, đó là quyền nhưng vi phạm là không được được. Ông ví dụ quyền sinh con trong trại giam, quyền hiến tạng, giữ tinh trùng...trên thực tế rất khó khăn, không thể như bình thường được. Hay “phòng hạnh phúc”, phạm nhân được gặp vợ, gặp chồng nhưng phải cam kết không được sinh con, nhưng nếu họ vi phạm cam kết thì mình lại vi phạm luật, rất khó quản lý trên thực tế.

“Tôi nhận được thông tin từ cử tri, nói trong điều kiện KTXH hiện nay, quy định như này là cao quá. Quy định như vậy quá nhân đạo rồi, quốc tế đánh giá cao rồi, nhưng nhiều người nghèo nói lao động ở bên ngoài cần cù, cực khổ nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó người đi tù lại được chế độ như thế. Nên nhiều người nói thà đi tù còn hơn. Không thể tạo ra sự khuyến khích như vậy mà phải có bước đi phù hợp”, ông Lâm cho hay.

Tác giả: LUÂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP