Trong nước

Bộ Nội vụ đề xuất giải thể huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thuộc thành phố từ 1-7

Tại dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi đề xuất giải thể đơn vị huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố, thị xã, thị trấn kể từ 1-7-2025.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Dự luật sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 tới đây.

So với dự luật được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến hồi đầu tháng 4, dự luật mới đã có một số điều chỉnh, bổ sung.

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Về đơn vị hành chính cấp tỉnh, theo dự luật, giữ nguyên gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổ chức lại các đơn vị cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị cấp xã (mới) gồm: xã, phường, đặc khu tại hải đảo.

Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập. Đặc khu tại hải đảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo dự luật, chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, xã.

Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, phường. Chính quyền địa phương ở hải đảo là chính quyền địa phương ở đặc khu.

Chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.

Dự thảo luật quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ trung ương đến cấp xã.

Trong đó tại dự luật mới nhất, Bộ Nội vụ đã đề xuất quy định cụ thể về giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp (bỏ cấp huyện).

Cụ thể, dự luật quy định giải thể đơn vị hành chính huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thị trấn kể từ ngày 1-7-2025. Đây là nội dung mới so với dự luật trước đó.

HĐND, các cơ quan thuộc HĐND, UBND, chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động kể từ 1-7-2025, trừ một số trường hợp.

Theo thống kê, cả nước có 696 đơn vị cấp huyện, gồm 87 thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố. Trong số này, có 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là Thủ Đức (TP.HCM) và Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), 85 thành phố thuộc tỉnh, 53 thị xã, 49 quận và 508 huyện.

Lộ trình chấm dứt mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở 3 thành phố lớn

Dự luật cũng quy định chấm dứt việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và việc chuyển tiếp trong việc tổ chức chính quyền địa phương ở phường tại 3 thành phố này trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, đề xuất kể từ ngày 1-7- 2025, bãi bỏ nghị quyết 72/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk;

Bãi bỏ khoản 2 điều 6 nghị quyết 137/2024 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Bãi bỏ nghị quyết 169/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Cùng với đó, kể từ ngày 1-5-2026, bãi bỏ các điều 8, 11, 12, 13, điểm d khoản 4 điều 9, các khoản 2, 3, 4, 5, 6 điều 14 của Luật Thủ đô.

Nội dung liên quan đến chế độ trách nhiệm, việc bảo đảm điều kiện thực hiện, việc sử dụng hình thức văn bản, con dấu khi thực hiện phân cấp, ủy quyền thực hiện theo quy định của luật này.

Bãi bỏ nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Bãi bỏ khoản 2, khoản 3 điều 9 và điều 10 của nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Bãi bỏ điều 7, điều 8 của nghị quyết 136/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Dự luật quy định 11 nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp thành 2 cấp theo quy định tại luật này.

Trong đó để kịp thời thực hiện tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã theo mô hình mới, giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Địa phương có thể đề xuất giảm 60-70% xã nếu thấy quản lý được

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính - cấp tỉnh còn 34 tỉnh, thành phố; không tổ chức cấp huyện, giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã.

Cùng với đó là về mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với phân cấp, phân quyền, đặc biệt là cấp xã mới sau khi sáp nhập, làm thế nào để thực sự gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

"Bộ Chính trị gợi ý khoảng 50% chứ không phải ấn định 50%. Bố trí cấp xã như thế nào là hoàn toàn do cấp tỉnh xem xét đề xuất. Bộ Chính trị gợi ý giảm 50%, còn Trung ương thảo luận và quyết định như thế nào là hợp lý nhất, tùy các địa phương dựa vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế có thể đưa ra con số dao động trong khoảng này.

Chứ không phải Bộ Chính trị ấn định 50% thì các địa phương làm đúng theo con số này. Địa phương có thể giảm 60-70% nếu các đồng chí thấy quản lý được, đáp ứng được yêu cầu gần dân, sát dân.

Điều này hoàn toàn do Trung ương thảo luận, quyết định và sẽ tổ chức thực hiện", Tổng Bí thư nêu rõ.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP