Sử cũ chép, Lam Kinh xưa vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi, cũng là nơi khởi nguồn và căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sau 10 năm (1418-1428) cuộc kháng chiến chống giặc Minh giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Hậu Lê - vương triều kéo dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 360 năm.
Năm 1430, vua Lê Thái Tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Tây Kinh (hay Lam Kinh). Từ đây Lam Kinh trở thành vùng đất được quan tâm đặc biệt của các vua nhà Hậu Lê. Tháng 8 nhuận năm Quý Sửu (1433), vua Lê Thái Tổ băng hà ở Đông Kinh - Thăng Long và được đưa về quê hương an táng, xây lăng, dựng bia tại Vĩnh Lăng. Cũng từ đây các vua kế nghiệp cho xây dựng Lam Kinh trở thành khu sơn lăng, nơi an táng nhiều vị vua và Thái Hoàng Thái Hậu triều đại Lê Sơ.
Trong số bia đá còn lại ở Lam Kinh, Vĩnh Lăng là tấm bia tiêu biểu nhất, điển hình cho kỹ thuật chế tác, điêu khắc, chạm trổ công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Bia Vĩnh Lăng được các nhà nghiên cứu văn hoá đánh giá là một trong những tấm bia thời Lê Sơ cổ, to và đẹp nhất Việt Nam hiện nay.
Văn bia gồm hai phần, bia phía trên và tượng rùa phía dưới được làm bằng đá trầm tích màu xám xanh có lẫn đốm trắng. Trên bề mặt rùa và bia còn nhìn thấy nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể. Bia rộng 1,94 m, cao 2,79 m, dày 0,27 m; rùa có chiều dài 3,46 m, rộng 1,94 m, dày 0,90 m. Tổng trọng lượng khoảng 18 tấn.
Phần văn bia là khối hình chữ nhật, được đặt trên lưng rùa, mặt trước chính giữa được khắc hình vuông. Trong hình vuông khắc một hình tròn, chính giữa hình tròn chạm rồng nổi 5 móng. Hai bên cạnh trán bia mỗi bên chạm nổi hình một con rồng và hình tròn bên trong có rồng cuộn đầu vươn cao.
Bia Vĩnh Lăng được tạc bằng đá xanh trầm tích nguyên khối, nặng khoảng 18 tấn. Trải qua gần 700 năm nhưng văn bia còn nguyên vẹn. Ảnh: Lê Hoàng.
Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi chạy song song với nhau nối từ đỉnh xuống đế bia, giữa hai đường chỉ bên trong trang trí 9 hoa văn hình nửa lá đề. Trong mỗi nửa lá đề được khắc một hình rồng nổi, có vẩy, thân uốn lượn mềm mại, đầu rồng hướng vươn lên đỉnh bia, miệng nhả ngọc. Khoảng cách giữa các hình lá đề được chạm khắc xen kẽ hình hoa cúc dây…
Mặt trước bia khắc khoảng 750 chữ Hán theo lối chữ Chân, do Nguyễn Trãi soạn. Mặt sau giữa trán khắc hình chữ nhật, hai bên mỗi bên khắc một hình rồng, thân dài, trơn, không có vảy, đang uốn lượn, đầu ngẩng cao, chầu vào. Dưới đế bia là một con rùa lớn, trong tư thế đang bơi, đầu vươn cao, lưng nhô, lộ rõ 4 chân và 6 móng to khoẻ, trong 6 móng có móng thứ 6 bị đục lõm vào. Đuôi rùa to, vắt ngược lên lưng uốn lượn mềm mại.
Toàn văn bia dù ngắn gọn, súc tích nhưng đã mô tả đầy đủ về thân thế sự nghiệp và công đức của vua Lê Thái Tổ, đúc kết đường lối đấu tranh khéo léo của nghĩa quân Lam Sơn trong suốt 10 năm trường kỳ kháng chiến đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập cho dân tộc.
Văn bia còn nói lên lòng khoan dung, độ lượng của Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi đối với quân giặc khi bại trận; cho thấy đường lối ngoại giao của ông đối với các nước lân bang. Bởi vậy, các sử gia đánh giá, bia Vĩnh Lăng có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử, là chứng cứ gốc phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học cũng như giáo dục truyền thống yêu nước.
Bia Vĩnh Lăng còn được xem là tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lê Sơ. Nghệ thuật điêu khắc bia thời này đã kế thừa được tinh hoa của nền điêu khắc Lý - Trần và nghệ thuật dân gian truyền thống.
Dưới triều Lê Sơ tư tưởng Nho giáo được đề cao. Hoàng đế Lê Lợi và các vị vua kế nghiệp đã dùng học thuyết Nho giáo làm công cụ tư tưởng để điều hành đất nước cũng như xây dựng nền văn hoá dân tộc. Trong quan niệm của Nho giáo, vua chính là con trời, thay trời hành đạo, rồng là biểu tượng về vua với quyền lực tối thượng. Bên cạnh hình rồng, bia Vĩnh Lăng còn trang trí các hoa văn như hoa cúc, lá đề, sóng nước… là loài cây gần gũi với đời sống người Việt bấy giờ.
Con rùa đội bia Vĩnh Lăng dáng rất khỏe, đầu vươn cao như đang bơi về phía trước. Ảnh: Lê Hoàng.
Theo ông Vũ Đình Sỹ, Phó trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh, đánh giá: “Bia Vĩnh Lăng là dấu nối giữa thời trước và thời sau, là điểm mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của nền nghệ thuật điêu khắc và trải qua những chuyển biến liên tục để đến bia vua Lê Thánh Tông, Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Giao đã tiến tới định hình cho một phong cách nghệ thuật mới hoàn chỉnh - nghệ thuật thời Lê Sơ”.
Đáp ứng các tiêu chí độc bản, hình thức độc đáo và có giá trị lịch sử đặc biệt, tháng 12/2013, bia Vĩnh Lăng (tức Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi hay bia Vĩnh Lăng Lam Sơn) được công nhận là bảo vật quốc gia.
Đại Việt sử ký toàn thư chép, Lam Kinh được xây dựng vào năm 1433, nhưng cũng cùng năm đó, điện Lam Kinh bị cháy. Năm 1448, vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho Thái úy Lê Khả và Cục bách tác làm lại điện miếu Lam Kinh. Lam Kinh được tiếp tục xây dựng chưa đầy một năm, đến tháng 2/1449 công việc hoàn thành.
Quy mô công trình kiến trúc Lam Kinh được ghi trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú như sau: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái Tông và các lăng của vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia. Sau điện lấy Tây hồ làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy cả vào đó. Có con sông phát nguyên từ hồ ấy, chạy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn trông rất thích mắt nhưng không ai dám lấy trộm. Lại có lạch nước nhỏ, chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung. Trên lạch có cầu giống như Bạch Kiều ở giảng đình điện Vạn Thọ Đông Kinh, đi qua cầu mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài cửa Nghi Môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ Công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên Tả, Hữu, cái nọ, cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp".
Tuy nhiên, trải qua gần 6 thế kỷ với nhiều thăng trầm lịch sử, cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, Lam Kinh chỉ còn 6 ngôi mộ và 5 tấm bia đá. Hiện tỉnh Thanh Hóa đầu tư hàng trăm tỷ đồng trùng tu tôn tạo khu di tích này nhằm phục vụ hoạt động du lịch và nhu cầu văn hóa tâm linh.
Tác giả bài viết: Lê Hoàng