Giáo dục

Bị trưởng ban phụ huynh lườm chỉ vì thắc mắc chuyện quỹ lớp

Hiểu rõ quỹ lớp được dùng để phục vụ cho các hoạt động của con ở trường, nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy không yên tâm khi đóng tiền vì cảm thấy một số khoản chưa thực sự rõ ràng, minh bạch.

Chị Mai Hà từng thắc mắc chuyện quỹ lớp, nhưng sau đó không dám liên tiếng vì sợ con bị ghim. Ảnh minh họa: Pexels.

Nhắc lại chuyện chuyện thu quỹ lớp, chị Mai Hà, phụ huynh ở Hà Tĩnh, vẫn rùng mình nhớ lại lần chị bị trưởng ban phụ huynh lườm chỉ vì chị đặt câu hỏi liên quan đến các khoản thu.

Năm đó, khi họp phụ huynh cho con gái mới lên lớp 6, thấy ban phụ huynh đề xuất đóng 500.000 đồng/học sinh để sửa bàn ghế cho trẻ, chị Hà giơ tay ý kiến, nói rằng bàn ghế vẫn còn mới nên không cần đóng nhiều tiền như vậy vì sẽ rất lãng phí. Không ngờ, khi vừa ý kiến xong, người mẹ lại bị trưởng ban phụ huynh “tặng” cho một thái độ không mấy thiện cảm.

“Sau lần đó, tôi cũng không dám nêu ý kiến trước lớp nữa, ai nói đóng khoản gì thì tôi đóng đóng khoản đấy. Tôi chỉ là phụ huynh bình thường thôi, tôi cũng sợ con mình bị người ta ghét”, chị Hà chia sẻ.

Phụ huynh lăn tăn là chuyện dễ hiểu

Chưa đến mức bị trưởng ban cha mẹ học sinh lườm nguýt như chị Mai Hà, nhưng chị Nhật Linh, phụ huynh tại Hà Nội, cũng từng thắc mắc trước lớp về vấn đề đóng quỹ.

Năm ngoái, khi con trai út lên lớp 1, ban phụ huynh thông báo thu quỹ 800.000 đồng/học sinh để phục vụ cho các hoạt động của trẻ khi học ở trường. Đến năm nay, chị Linh lại nhận được thông báo thu quỹ lên một triệu đồng/học sinh.

Quỹ lớp bất ngờ tăng thêm 200.000 đồng, chị Linh quyết định hỏi cho bằng được và đề nghị ban phụ huynh nêu rõ lý do tăng quỹ. Đến khi được giải đáp rõ ràng, người mẹ mới yên tâm đóng tiền.

“Đối với tôi, tiền ít hay nhiều thì cũng là tiền, là sức lao động của cả gia đình nên tôi luôn kiểm tra thật kỹ các khoản thu trước khi đóng cho ban phụ huynh. Nhiều người có thể thấy tôi chi ly, tính toán, nhưng tôi vẫn thấy đó là điều nên làm”, chị Linh nói với Tri Thức - Znews.

Giải quyết xong các khoản thu ở lớp con út, chị Linh lại tiếp tục gặp “kiếp nạn” với việc đóng quỹ ở lớp con gái lớn. Hàng năm, ban phụ huynh ở lớp con gái luôn in danh sách khoản thu để phát cho phụ huynh kiểm tra trước khi đóng tiền. Nhưng năm nay, chị Linh không hiểu vì sao chi hội trưởng chỉ chiếu danh sách khoản thu lên màn hình tivi lớp.

Chị Linh nói danh sách khoản thu dày đặc, chữ lại nhỏ, vợ chồng chị ngồi ở dưới không thể đọc được nên quyết định chưa đóng tiền ngay. Sau khi về, chị chủ động nhắn tin cho chi hội trưởng để lấy file khoản thu. Chỉ khi được kiểm tra các khoản rõ ràng, người mẹ mới đồng ý đóng tiền.

Phụ huynh cần sự minh bạch trong việc thu quỹ lớp để yên tâm đóng tiền cho con. Ảnh: Quỳnh Trang.

Phụ huynh cần sự minh bạch

Những ngày đầu năm học, mạng xã hội, báo chí liên tục đưa tin về những vụ lạm thu ở trường học. Là phụ huynh, chị Mai Hà và chị Nhật Linh đều quan tâm những bài viết đó.

Hai người mẹ đều nói rằng phụ huynh “soi”, lăn tăn các khoản quỹ lớp là điều dễ hiểu vì số tiền đóng vào không hề nhỏ. Hơn nữa, phụ huynh đều có tâm lý muốn biết số tiền mình đóng sẽ đi về đâu, có thực sự phục vụ cho con em mình hay không.

Nói thêm về việc đóng quỹ lớp đầu năm, hai người mẹ nói rằng thật ra họ không hề cố ý gây khó dễ cho ban phụ huynh, chỉ là họ cần sự minh bạch, rõ ràng để yên tâm đóng tiền và gửi gắm con em.

Bên cạnh sự minh bạch, bản thân chị Mai Hà cũng mong các thành viên trong ban đại diện cha mẹ học sinh cần có sự tôn trọng dành cho những phụ huynh khác. Chị hiểu rằng làm việc trong ban phụ huynh sẽ rất vất vả và áp lực, nhưng họ không nên vì thế mà tỏ thái độ khó chịu hay coi thường mỗi khi phụ huynh khác có ý kiến.

Về phía chị Nhật Linh, bản thân chị cũng có những kỳ vọng nhất định dành cho ban phụ huynh và hoạt động thu quỹ.

Thứ nhất, người mẹ hy vọng trước khi thông báo thu tiền, ban đại diện cha mẹ học sinh ở các lớp nên thông báo trước để phụ huynh chuẩn bị tiền, cũng là một cách trưng cầu dân ý để các cha mẹ khác được đóng góp ý kiến về các khoản thu.

Thứ hai, chị Linh mong các khoản thu nên được “tối ưu hóa”, nghĩa là khoản nào không cần thiết thì không nên thu để tiết kiệm cho các gia đình. Vị phụ huynh lấy ví dụ các khoản trang trí lớp học hoặc tri ân thầy cô nên giảm bớt.

Thay vì mua đồ trang trí lớp, cha mẹ có thể khuyến khích con tự cắt dán, chuẩn bị các món đồ có sẵn tại nhà. Còn với hoạt động tri ân thầy cô, chị vẫn muốn ưu tiên việc cho trẻ viết thư tay, làm các món đồ handmade để tặng giáo viên thay vì tặng tiền mặt.

“20/11 là ngày tri ân thầy cô nên người lớn vẫn nên dạy cho con hiểu tri ân là như thế nào. Nếu phụ huynh cứ nhúng tay toàn bộ, thay con tặng tiền cho giáo viên thì các con sẽ không thể hiểu ngày nhà giáo có ý nghĩa như thế nào”, chị Linh nêu quan điểm.

Tác giả: Thái An

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP