Kinh tế

Bí quyết 30 năm nuôi gà chọi của lão nông

Làm thế nào để chọn và nuôi gà chọi trở thành một “võ sỹ” thực thụ trên trường đấu, lão nông Nguyễn Đăng Ba năm nay 76 tuổi đã chia sẻ bí quyết sau 30 năm làm nghề nuôi gà chọi.

Phục viên trở về sau khi đất nước thống nhất, là nạn nhân chất độc da cam, ông Nguyễn Đăng Ba ở xóm Yên Thế- Yên Sơn- Đô Lương quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác:“Tàn nhưng không phế” – bản thân ông đã cùng vợ vượt lên chính mình để có kinh tế nuôi con ăn học. Không chịu bó tay, không trông chờ ỷ lại, gia đình ông đã bươn chải, tích cực làm kinh tế theo các hướng: Làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi…

Do sức khỏe giảm, ông đã chú trọng phát triển mô hình kinh tế gọn nhẹ và cho thu nhập cao, phù hợp với điều kiện sức khỏe, đó là mô hình nuôi gà chọi. Từ đó ước mơ nuôi con ăn học nên người đã thành hiện thực: 4 con đã tốt nghiệp Đại học, có công ăn việc làm ổn định.

nuoi ga choi 1(1)
Ông Ba phát triển mô hình nuôi gà chọi để nâng cao thu nhập

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà chọi ông Ba cho biết:

Bí quyết nuôi gà chọi trước hết giống gà phải tốt, mà giống tốt chủ yếu là dòng mái, dòng mái phải lì lợm, gân guốc, đá hay, đá tin, lối hay. Chọn con trống cũng phải tốt, con trống đã qua trường rồi, mình đã thấy nó đá hay, dáng đi phải thanh thoát như một người võ sỹ.

nuoi ga choi 2(1)
Ngoại hình của gà chọi phải giống như một "võ sỹ"

Ngoại hình của gà phải: “mình cốc, trốc cuông, cánh vẹm trai, quản ngắn, đùi dài đếch sợ ai”, đó là câu ca dao chân truyền mà bậc tiền bối truyền lại cho tôi, nhưng thực tế là như vậy- ông Ba chia sẻ.

Phải nhìn kỹ vào các bộ phận: đầu, mình, cách, ức, đuôi, lườn, chân cẳng. Sau đó mới đi sâu vào các vảy ở trên chân như: Án thiên, phụ địa, huyền trâm…Riêng đuôi phải dày xoè, khi gà nhảy lên đá, có đuôi dày xoè thì tiếp đất xuống mới vững.

nuoi ga choi 6
Một đặc điểm khi chọn gà chọi phải là “mặt già, gà non”

Còn mặt gà phải “mặt già, gà non”. Nghĩa là con gà tuy còn non tuổi nhưng mặt phải già dặn. Ngoài ra còn phải “khô chân, gân mặt”. Chân khô biểu hiện gân cốt cứng, nó sẽ đứng bền và ít có thịt mỡ, mà chỉ có chả và xương khung. Tất cả các điểm trên đạt thì con gà đó đá hay.

Nhờ lão luyện trong nghề nuôi gà chọi nên nguồn thu từ gà chọi của ông khá cao, nếu con nào đá hay có thể bán từ 1,2 triệu đồng/con đến 1,5 đồng/con. Những con nào không đá được thì bán gà thịt, cứ 3kg được 500 ngàn đồng, hoặc gà mái khoảng 2-2,5kg bình quân 400 ngàn đồng.

Ngoài ra, ông còn bán gà con theo yêu cầu của khách hàng 1 đôi 100 ngàn đồng khi gà mới nở 15 ngày, hoặc để đến trọng lượng 1-1,5kg sẽ có giá 200-300 ngàn đồng/con. Riêng trứng gà cho ấp bảo đảm hiệu quả 10 ngàn đồng/quả. Bán trứng gà thịt 1 quả giá 5 ngàn đồng, cao hơn giá trứng gà cỏ vì trứng gà chọi lớn và chất lượng hơn.

Ông Ba còn chia sẻ thêm kinh nghiệm trong nuôi gà chọi: Yếu tố quan trọng không thể thiếu được là khâu phòng và chữa bệnh cho gà. Trước hết chỉ có xuất, không mua gà ngoài vào nhà đề phòng mang dịch về. Thường xuyên có thuốc phòng trong nhà, kiểm tra tình trạng đàn gà sáng và tối xử lý kịp thời khi có gà ốm. Vệ sinh chuồng trại và sân chơi của gà sạch sẽ.

nuoi ga choi 3
Khi gà con mới nở phải có chuồng lưới nhỏ để chuột không vào ăn gà

Khi gà con mới nở phải có chuồng lưới nhỏ để chuột không vào ăn gà, máng ăn, máng nước phải sạch sẽ, phải thay đổi nước hàng ngày. Gà con còn nhỏ ban đầu mình cho ăn cám con cò để tăng sức dinh dưỡng cho nó. Đến 1 tháng tuổi, giảm lượng thức ăn con cò, tăng cám ngô, cám gạo. Khi 3 tháng thì gà đã thuần thục sẽ cho ăn ngô nghiền, thóc. Như vậy con gà sẽ chả nhiều, săn chắc, gân cốt rắn rỏi.

Nếu gà chuẩn bị đá phải cho ăn thêm thịt bò, thóc ngâm nước cho mềm để dễ tiêu hóa. Cứ 15 đến 20 ngày vần vỗ 1 lần, như vần hơi, có nghĩa là cho đá thử nhưng bịt mỏ để mỏ không bắt được nên đòn đánh không gây sát thương. Mỗi lần vần hơi như vậy độ 15 đến 20 phút. Nhờ vậy rèn cho gà khỏe, giảm mỡ, đuôi cánh đập khỏe, chân khỏe, bền vững. Sau vần hơi sẽ thả mỏ, đá 5 phút một lần. Cứ làm như thế đến khi thấy được độ chín của con gà đã bền rồi mới cho đi thi đấu theo hạng cân.

Bên cạnh đó phải thường xuyên “om bóp” cho gà, bằng cách lấy nghệ tươi giã nát chắt lấy nước trộn với nước chè, nước tiểu của người, để qua 1 đêm. Sau đó nhúng vào dẻ vải để bóp nắn cho gà. Cũng có thể dùng nước nóng vừa tay nhúng dẻ vải bóp nắn. Như vậy da thịt sẽ dày dặn, đẹp và đỏ.

nuoi ga choi 4(2)
Máng ăn phải sạch sẽ, phải thay đổi nước hàng ngày

Từ việc nuôi gà chọi 1 năm ông thu nhập được 70-80 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí. Đối với người khác, đây là một số tiền không lớn, nhưng với bản thân là một nạn nhân chất độc da cam/điôxin, thì đây là một kết quả đáng tự hào. Nguồn thu nhập này không chỉ cải thiện, nâng cao đời sống gia đình, mà còn là nguồn chu cấp cho các con hoàn thành ước mơ học Đại học, có công ăn việc làm ổn định sau khi ra trường: Trong số 5 người con thì có 4 người con tốt nghiệp Đại học. Tất cả các con hiện đang công tác tại miền Nam, 4 người đã có gia đình và con cái.
nuoi ga choi 5(1)
Nuôi gà chọi 1 năm ông thu nhập được 70-80 triệu đồng

Ông Nguyễn Đăng Ba là tấm gương tiêu biểu cho các nạn nhân chất độc da cam Dioxin huyện Đô Lương trong việc phát triển mô hình kinh tế phù hợp điều kiện và tình trạng sức khỏe. Là tấm gương của Bộ đội Cụ Hồ thực hiện tốt lời dạy của Bác:“Tàn nhưng không phế”. Ông được chọn là đại biểu ưu tú đi dự hội nghị điển hình Hội nạn nhân chất độc da cam toàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Ngọc Phương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP