Xã hội

Bi hài chuyện “vỡ kế hoạch” sau sinh

Vượt cạn chưa được bao lâu, nhiều chị em lại tá hỏa khi phát hiện mình tiếp tục mang bầu dẫn đến tình trạng nuôi “con trong, con ngoài” từ quá sớm. Theo các bác sĩ sản khoa, điều này để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần của người mẹ cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh và thai nhi trong bụng mẹ.

Việc có thai sớm sau sinh có thể ảnh hưởng nhiều mặt tới cả mẹ và bé, đặc biệt là với sản phụ sinh mổ. Ảnh: T.L

Con hơn 7 tháng, phát hiện thai 13 tuần

Kể từ ngày cầm trên tay kết quả siêu âm thông báo đã có thai, vợ chồng chị Đặng Thị Thanh (quê ở Hà Nam) như ngồi trên đống lửa, bởi lẽ, cậu con trai đầu lòng của anh chị vừa mới bước sang tháng thứ 8 được vài ngày. Chị Thanh cho biết, sau sinh, nghĩ cho con bú hoàn toàn không thể có thai nên vợ chồng chị vô tư “hành sự” mà không sử dụng bất cứ phương pháp tránh thai nào. Đến khi thấy người mệt mỏi, thèm ăn chua như hồi mang bầu đứa con đầu, chị mới đi mua que thử thai để thử. Ai dè, ngay lần thử que đầu tiên, kết quả đã cho ra hai vạch rõ mồn một.

“Thử que đầu tiên, tôi như không tin vào mắt mình, tiếp tục chạy đi mua que thứ hai, vẫn kết quả như thế. Đến que thứ ba, kết quả tương tự thì tôi biết, que thử không hề bị hỏng như tôi mong muốn. Cả tuần sau đó, vợ chồng tôi căng như dây đàn vì tôi mới sinh mổ, sợ ảnh hưởng sức khỏe của cả mẹ và đứa bé trong bụng. Khóc lóc vật vã thương cả con trong lẫn con ngoài, cuối cùng chúng tôi cũng quyết định giữ lại đứa bé, nhưng vẫn nơm nớp lo sợ và cầu mong không có chuyện gì xấu xảy ra với mẹ con tôi”, chị Thanh tâm sự.

Còn với gia đình anh Nguyễn Trọng Tạo (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội), vợ chồng anh đang phải dở khóc dở cười vì “vỡ kế hoạch” sau sinh quá sớm. Anh Tạo cho biết, cả hai cậu con trai của gia đình anh đều bị viêm phổi nặng, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Nguyên nhân là do sau sinh cháu đầu, vợ chồng anh chủ quan, không kế hoạch nên chỉ sau 7 tháng, lại phát hiện có “tin vui” 13 tuần, nhưng lần này vợ chồng anh lại chẳng thể vui nổi.

Anh cho biết thêm, sau khi quyết định giữ con, đồng nghĩa với việc cháu lớn phải cai sữa mẹ hoàn toàn. Trong thời gian đó, người mẹ lại mệt mỏi không có thời gian chăm bẵm nên bé bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi. Còn với cháu thứ hai, ngay khi ở trong bụng mẹ, bác sĩ đã cảnh báo có thể bé phải sinh sớm do sợ mẹ bị nứt vết mổ cũ. Kết quả đúng như dự đoán, cháu chào đời khi mới được hơn 36 tuần tuổi, nhẹ cân và khò khè ngay từ khi mới sinh.

“Hai con đến nông nỗi này, lỗi lớn nhất là ở vợ chồng tôi. Nếu chúng tôi biết cách kế hoạch hợp lý sau sinh, các con tôi sẽ không phải thiệt thòi đến thế”, anh Tạo tự trách bản thân mình.

Không chủ quan và kế hoạch sau sinh đúng cách

BS sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Thái Hà, Hà Nội cho biết, trong suốt quá trình công tác trong lĩnh vực sản phụ khoa, bà đã gặp rất nhiều trường hợp chị em mang thai lại quá sớm sau khi sinh, trong đó nhiều ca là sinh mổ. Lý do thường gặp nhất là do nhiều cặp vợ chồng chủ quan vì nghĩ rằng khó có thai lại ngay sau sinh vì đang cho con bú, hoặc sử dụng các cách tránh thai không an toàn.

Theo BS Kim Dung, đúng là cho con bú có thể tạm thời “hoãn” việc rụng trứng, nhưng cho con bú không thể bảo đảm hiệu quả như một biện pháp tránh thai được. Thường xuyên cho con bú, sản phụ có thể vô kinh trong vòng 4-6 tháng đầu sau sinh, nhưng kể cả như vậy thì hiệu quả tránh thai của biện pháp này cũng chỉ đạt từ 95-98%.

BS Kim Dung cho biết thêm, việc có thai sớm sau sinh có thể ảnh hưởng nhiều mặt tới cả mẹ và bé. Nếu giữ thai lại để sinh, dễ khiến cả mẹ và thai bị thiếu chất do người phụ nữ còn phải chăm con đầu. Ngoài ra, một lúc vừa mang thai, vừa chăm con nhỏ sẽ khiến sức khỏe bà mẹ bị giảm sút chưa nói đến việc dễ bị trầm cảm, stress nặng nề. Còn nếu phá thai sau sinh chưa lâu, khi tử cung chưa phục hồi hoàn toàn thì nguy cơ gặp các biến chứng như nhiễm trùng, thủng tử cung càng cao.

Do đó, nếu người phụ nữ sinh thường ở lần đầu tiên, lần sinh thứ hai cách lần sau sinh đầu tiên 2 năm là tốt nhất. Khoảng thời gian này sẽ đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả người mẹ lẫn thai nhi. Với những phụ nữ sinh mổ trong lần mang thai đầu tiên, nếu muốn sinh con nữa, họ cần phải đợi thêm ít nhất hai năm trở lên. Vì với hầu hết những trường hợp sinh mổ, chỗ vết sẹo tử cung thường là nơi yếu nhất. Nếu mang thai sớm sau sinh mổ, dạ con, tử cung người mẹ chưa ổn định trở lại. Khi thai ngày càng phát triển, dạ con sẽ giãn to ra, rất dễ bị tác động trong quá trình mang thai cũng như lúc sản phụ chuyển dạ đẻ khi các cơn co tử cung tăng mạnh, khiến thai phụ dễ bị bục vết mổ, gây vỡ tử cung. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện mình mang thai trong vòng 1-2 năm sau khi sinh mổ, thai phụ cần đi khám bác sĩ định kỳ để được siêu âm, chẩn đoán sức khỏe thai nhi, tình trạng vết mổ cũ có đảm bảo an toàn.

Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con, các bác sĩ khuyến cáo, ngay sau sinh, các cặp vợ chồng cần nghĩ ngay đến các biện pháp tránh thai. Mỗi biện pháp tránh thai đều có những ưu và khuyết điểm, nhưng nói chung khá an toàn. Trong đó, bao cao su được đánh giá là phương pháp rẻ tiền và mang lại hiệu quả khá cao. Bên cạnh đó, chị em có thể đặt vòng tránh thai, tiêm hoặc cấy tránh thai sau sinh 3 tháng. Ngoài ra, thị trường có bán loại thuốc tránh thai dành cho con bú không ảnh hưởng đến nội tiết hay sự tiết sữa của mẹ. Tuy nhiên, cần lưu ý, trước khi sử dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng, phụ nữ cần thăm khám phụ khoa cẩn trọng và thực hiện dưới sự chỉ định của các nhân viên y tế để đảm bảo an toàn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, với rất nhiều biện pháp tránh thai ngày nay, mỗi người hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp với hoàn cảnh để có điều kiện học tập, công tác, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, giữ gìn sức khoẻ cho mẹ, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hạnh phúc gia đình, góp phần vào sự thành công của công tác DS-KHHGĐ và mục tiêu kiểm soát mức tăng dân số của thế giới.

Tác giả: Mai Thùy

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP