Thế giới

Bi hài chuyện môi giới hôn nhân ở Trung Quốc

Gần đây thông tin “một người đàn ông ở ngay thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đăng ký tìm vợ từ khi 29 tuổi, nay đã 65 vẫn không lấy được ai” đã gây xôn xao dư luận.

Phụ nữ học cao, thu nhập tốt ở Trung Quốc ngày càng khó lấy chồng.

Phóng viên báo Thanh niên Bắc Kinh đã cất công tìm hiểu và gặp được “Ông mối đệ nhất kinh thành” Chu Phương - người đã 47 năm làm nghề chắp mối xe duyên -và được Chu Phương xác nhận: đúng là có người ấy, ông ta họ Triệu, bắt đầu đến nhờ tìm người yêu từ hồi thập kỷ 1980 khi mới 29 tuổi, năm nay đã 65 tuổi mà vẫn chưa lấy được vợ; ông cũng đã ra tay giúp nhưng không xong; nguyên nhân chủ yếu gây thất bại là do đặt ra yêu cầu quá cao, sống chết không chịu hạ thấp tiêu chuẩn về đối tượng.

Ông Phương nói: “Ông ta đặt yêu cầu cao lắm: phải xinh đẹp, trẻ trung; lại còn ngây thơ và biết làm thơ nữa, yêu cầu kỹ tính, tỉ mỉ như thế thì khó lắm, Tuổi ngày càng cao, mà Triệu tiên sinh nhất quyết không hạ tiêu chuẩn. Cơ hội tìm bạn đời ngày thêm khó khăn, cuối cùng vẫn không thể tìm được người lý tưởng. 30 tuổi không tìm được thì 60 tuổi càng khó khăn, cuối cùng tôi bỏ không giúp nữa”.

Chuyện cha mẹ đi tim bạn đời cho con đã trở nên phổ biến.

Chu Phương - chủ của “Chu Phương hôn giới sở” (Trung tâm môi giới hôn nhân Chu Phương) ở khu Hải Điện nói, làm nghề mai mối đã 47 năm, đã gặp phải đủ loại nam nữ đi tìm bạn đời. Ông rút ra một điều: những phụ nữ đi tìm chồng thường có điều kiện tốt hơn, nhưng số lượng đàn ông đến tìm vợ lại ít hơn nhiều phái đẹp tìm chồng.

Trên thực tế, những trường hợp như ông Triệu không hiếm. Chu Phương năm nay đã 74 tuổi, ông làm nghề mai mối hôn nhân từ khi 27 tuổi, trong 47 năm đó ông đã tác thành cho hơn 1.600 cặp nên vợ chồng. Ông kể nhớ nhất trường hợp Tiểu Trương – một chàng trai “sáng suốt”: “Cậu ta tìm vợ từ khi 25 tuổi cho đến khi 33, tôi đã giới thiệu cho hơn 150 cô gái mà không xong, cuối cùng kêu hoa cả mắt, loạn cả đầu. Sau nghe lời tôi khuyên, ở tuổi 33, Tiểu Trương đã từ bỏ tiêu chuẩn đặt ra khi 25 tuổi, chọn một cô gái “nom vừa mắt” để cưới và sống với nhau hạnh phúc.

Chu Phương mở văn phòng môi giới hôn nhân lấy tên ông ở tiểu khu Bắc Lý, Thường Thanh Viên, quận Hải Điện. Gọi là văn phòng môi giới hôn nhân, nhưng thực tế đó là 2 căn phòng 80 mét vuông thông với nhau, trên tường dán mấy chữ “Chu Phương hôn giới” viết bằng bút lông làm biển hiệu. Tuy đơn giản như thế, nhưng những bức ảnh các chàng trai, cô gái dán kín tường đã làm nên thương hiệu “Kinh thành đệ nhất nam hồng nương” (Ông mối đệ nhất kinh thành) của Chu Phương. Ông giới thiệu với phóng viên: mấy trăm bức ảnh dán chi chít đó đều là những người đăng ký tìm vợ, kiếm chống. “Những người tìm đến nhờ tôi thường mang theo 2 ảnh, 1 treo trên tường, 1 dán vào hồ sơ”.

Trong phòng khách có một chiếc giường liền giá sách. Trên giá sách 2 tầng xếp gần trăm cặp hồ sơ đánh số bên trong chứa tư liệu về những khách hàng đi tìm nửa bên kia. Chu Phương cho rằng: điều quyết định thành bại của công cuộc tìm kiếm này nằm trong mục “yêu cầu” của hồ sơ mỗi cá nhân. Như trường hợp ông Triệu, chính vì trước sau không thay đổi mục “yêu cầu” này nên đã thất bại.

Chu Phương nói: nhiều trường hợp khách hàng phụ nữ đến đăng ký tìm bạn đời có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ; nhưng đàn ông thì phần lớn chỉ là cử nhân đại học chính quy hoặc tốt nghiệp cao đẳng, vì thế hai bên rất khó kết hợp được với nhau. Học lực cao, chiều cao hay trọng lượng cơ thể khó có thể giấu được; để tăng thêm cơ hội thành công, nhiều cô gái liền nghĩ ra cách giấu thu nhập thật. “Có cô thu nhập mỗi tháng 30 ngàn tệ, nhưng trong hồ sơ chỉ ghi 10 ngàn. Mặc dù vậy, những anh chàng có mức thu nhập tương đương đi tìm vợ cũng không nhiều. Nếu khai thật mức thu nhập thì các cô nàng rất khó tìm được chồng vì các chàng tự ti, mặc cảm, không dám với lên”.

Tuy điều kiện “phần cứng” bình quân của các nữ khách hàng cao hơn các khách nam nhiều, nhưng tỷ lệ phụ nữ đến đăng ký vẫn nhiều hơn cánh mày râu. “Trong số những hồ sơ trên giá này, hồ sơ khách nữ có 61 cặp, khách nam chỉ 21, chưa tới một nửa”. Ông nói thêm: 2 hôm nay, có gần 40 phụ nữ đến đăng ký tìm chồng, trong khi khách đàn ông chỉ mỗi 4 người.

Một thực tế nữa là các bậc phụ huynh ngày càng can dự sâu vào chuyện hôn nhân của con cái. Chu Phương nói: “Từ năm 2000 trở về trước, khách hàng tìm đến chỗ tôi chủ yếu là bản thân tự đến, sau đó số tự đến ít dần. Hiện nay thì đại đa số là bố mẹ đến đăng ký tìm bạn đời thay cho con”. Chu Phương tiếc nuối: “Thực ra bản thân tự đến đăng ký thì hiệu quả tốt hơn vì tiêu chuẩn tìm bạn đời của cha mẹ và con cái thường khác biệt, thậm chí không nhất trí với nhau nên cơ hội thành công vì thế mà giảm đi”.

Tác giả: Thu Thủy

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

  Từ khóa: tìm chồng ,Trung quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP