Xã hội

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cứu sống 8 người từ 2 ca hiến tạng chết não

Trong 2 ngày 3-4/1 vừa qua, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công 2 ca lấy đa mô, tạng từ người cho chết não trong vòng 24 giờ, giúp hồi sinh sự sống cho 8 người, trong đó, có 2 bệnh nhận được ghép tim, 2 bệnh nhân được ghép gan và 4 bệnh nhân được ghép thận.

Hai trường hợp hiến tạng quê ở Thái Nguyên và Phú Thọ trước đó đều bị tai nạn giao thông và được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm. Thấu hiểu việc hiến tạng có thể cứu sống nhiều cuộc đời khác nên gia đình 2 bệnh nhân đã quyết định đồng ý hiến mô, tạng sau khi bệnh nhân chết não qua đời.

Trong 24h, từ tối 3/1 đến 9h30 ngày 4/1, hai cuộc đại phẫu được tiến hành liên tiếp trong vòng 24 giờ (vào 20h40 ngày 3/1 và 9h30 ngày 4/1). Tạng và mô hiến của 2 bệnh nhân bao gồm: 2 tim, 2 gan, 4 thận, 2 tĩnh mạch chủ chậu, 2 khí quản, 4 giác mạc, 11 đoạn gân. Cùng lúc đó, bệnh nhân nhận cũng được chuẩn bị để tiến hành ghép tạng. Tất cả những diễn biến trong khi phẫu thuật đều được thực hiện đúng theo quy trình. Hiện, 8 bệnh nhân được nhận tạng, tim, gan và thận đều đang hồi phục sức khỏe sau 1 tuần ghép. Đặc biệt, trong số này có 1 bệnh nhân 8 tuổi được ghép tim, trước đó, năm 2021, người anh trai của bệnh nhi này cũng đã được ghép tim thành công tại BV Hữu nghị Việt Đức .

E kip bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cứu sống 8 người từ 2 ca hiến tạng chết não

TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, để thực hiện việc lấy - ghép tạng này, phòng mổ của Bệnh viện Việt Đức “như trẩy hội” vì các kíp mổ sẵn sàng thực hiện việc lấy-ghép. 6 bàn mổ trong phòng mổ liên tục sáng đèn, hàng trăm y bác sĩ, chuyên gia, người lao động gián tiếp đã tham gia vào các ca hiến - ghép đa tạng này.

“Có thể nói, hoạt động ghép là hoạt động quan trọng của BV, tất cả các bác sỹ như bác sỹ khoa gan mật, ghép tạng đều đã được đào tạo và làm, các bác sỹ khoa thận cũng tham gia các công đoạn ghép. Như vậy, kỹ thuật ghép này bệnh viện đã phổ cập thường quy cho các bác sỹ, không chỉ tập trung vào 1 - 2 bác sỹ. Các lứa sau như, các bác sỹ nội trú 3 - 4 năm cũng được đưa vào thực hiện các công đoạn, các đàn anh đi trước chuyển giao dần cho các em”, TS.BS Dương Đức Hùng nói.

Ekip thực hiện ca ghép tạng

Là đơn vị đi đầu trong thực hiện ghép tạng, nhu cầu của người cần ghép rất lớn, tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm thế nào để vận động được gia đình một người chết não thực hiện hiến tạng để cứu giúp nhiều người khác hồi sinh sự sống. Bệnh viện đã thực hiện việc tư vấn cho gia đình các trường hợp bệnh nhân nặng, đang nằm hồi sức để họ hiểu thêm về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô tạng để hồi sinh sự sống cho những bệnh nhân đang cận kề cái chết.

TS Dương Đức Hùng chia sẻ: “Khi bệnh nhân ra viện, đó là phần thưởng lớn nhất cho người làm nghề y. Qua trường hợp ghép này có thể thấy nhận thức của người dân dần thay đổi, Đây là quá trình vất vả thay đổi nhận thức, tôi tin rằng, khi cả xã hội nhận thức ra thì số người hiến sẽ nhiều lên, cái đích cuối cùng là càng nhiều bệnh nhân được cứu càng tốt”.

Từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện được 6 ca ghép phổi, 59 ca ghép tim, 88 ca ghép gan, 185 ca ghép thận và nhiều ca ghép mô khác. Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt, đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mãn, gan, tim, tuỷ, hỏng giác mạc... Hiện, đang có gần 3.000 người chờ ghép theo danh sách đăng ký, con số thực tế có mong muốn được ghép mô tạng có thể cao hơn gấp nhiều lần. Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y khoa Việt Nam.

Tác giả: Chu Thúy Ngà

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP