Theo bác sĩ Samer Samer, một bệnh nhân là y tá mắc Covid-19 đã nhảy ra khỏi cửa sổ tầng hai khi cả cơ thể đang bốc cháy. Thi thể của người này bị cháy thành than và được tìm thấy trong sân của bệnh viện sau đó, AP cho biết hôm 27/4.
Sabah Samer là bác sĩ tại Bệnh viện Ibn al-Khatib ở Baghdad, Iraq, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn thảm khốc xuất phát từ một chiếc máy thở trong phòng chăm sóc đặc biệt phát nổ. Ông cũng là một trong những người đầu tiên lao vào biển lửa để cứu các bệnh nhân.
Hôm 24/4, ngọn lửa bùng lên và nhấn chìm Bệnh viện Ibn al-Khatib. Các nhân chứng nói rằng đêm kinh hoàng này sẽ ám ảnh họ mãi mãi. Ngoài 82 người thiệt mạng, 110 người khác bị thương trong thảm kịch.
"Ngọn lửa lan rất nhanh do các bình oxy dễ bắt lửa. Tường phòng lại được đệm bằng nhựa, khiến cho ngọn lửa càng bùng dữ dội", bác sĩ Samer kể lại.
Khung cảnh hoang tàn sau vụ cháy tại Bệnh viện Ibn al-Khatib, Baghdad, Iraq. Ảnh: Reuters. |
Bác sĩ Samer cho biết thêm rằng cứ mỗi một phút lại có một bình oxy phát nổ, và ông đếm được ít nhất 20 tiếng nổ. Lửa lan nhanh qua khắp bệnh viện, khiến cho ông và những nhân viên cứu hộ khác không thể tiếp cận các bệnh nhân, mặc dù họ có thể nghe tiếng thét cầu cứu từ tầng hai của bệnh viện.
Vị bác sĩ mô tả lại rằng lúc ông lao đến cứu một bệnh nhân đang phải thở máy, căn phòng bệnh đã chìm trong biển lửa. Mỗi giây trôi qua đều là một giây kinh hoàng, khi "bình dưỡng khí có thể nổ bất cứ lúc nào".
Bác sĩ Kamal al-Rubaie, 28 tuổi, làm việc ở khu hồi sức tích cực tầng hai của bệnh viện, cho biết có rất nhiều bệnh nhân đang thở oxy khi đám cháy xảy ra. Anh nói bản thân mình cảm thấy rất sợ khi nhìn thấy lượng lớn bình oxy trong phòng bệnh.
Mỗi người bệnh cần khoảng 2-3 bình oxy mỗi ngày, và tại thời điểm vụ cháy xảy ra, có khoảng 30 bệnh nhân tại khu hồi sức tích cực. Điều đáng lo ngại nhất là việc người nhà bệnh nhân - những người không hề qua đào tạo - lại chính là người kiểm tra các bình oxy vì quá thiếu nhân viên y tế.
Vụ cháy trên là hậu quả của một hệ thống y tế thiếu an toàn, khi các bệnh viện tại Iraq thiếu hệ thống báo cháy, còn người nhà bệnh nhân lại hút thuốc cạnh các bình oxy và đem bếp điện vào để nấu nướng.
Các bác sĩ đều tin rằng nếu có hệ thống phòng cháy chữa cháy hiệu quả, vụ cháy đã có thể được ngăn chặn, và số người thiệt mạng sẽ thấp hơn nhiều so với con số 82.
Tuy nhiên, thảm kịch đã xảy ra vào đêm 24/4. Đối với những nhân chứng và những người sống sót, tiếng khóc và tiếng hét kinh hoàng của các nạn nhân sẽ mãi hằn sâu trong tâm trí họ.
Tác giả: Quốc Tuệ
Nguồn tin: zingnews.vn