Cơ hội đã đến...
TP Vinh nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam, có đường sắt, đường bộ, đường không và đường biển; có cửa khẩu quốc tế thông thương với Lào, cảng biển và cảng hàng không... Đến nay, Vinh đã trở thành đô thị loại I với khoảng 500 ngàn dân, trong đó lực lượng lao động chiếm khoảng 60%. Hàng năm, TP Vinh đóng góp khoảng 33,52% ngân sách của tỉnh Nghệ An.
Năm 2018, tổng thu nội địa của TP Vinh đạt gần 2,5 ngàn tỷ đồng. Toàn TP hiện có 22 ngàn hộ kinh doanh và hơn 6 ngàn DN, 6 trường ĐH, 13 trường cao đẳng, nhiều phân hiệu và trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề với quy mô đào tạo hằng năm cho khoảng 90 ngàn học viên, sinh viên.
Thành phố Vinh sẽ trở thành Trung tâm phát triển vùng Bắc Trung bộ |
Ngày 21/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng kinh tế tổng hợp “Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh” với tổng diện tích khoảng 3.648km2 gồm: TP Vinh, Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương (Nghệ An) và Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn (Hà Tĩnh). Đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung bộ.
Theo đó, ngày 14/01/2015 Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch TP Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với quy mô khoảng 250km2 mở rộng về hướng thị xã Cửa Lò, thị trấn Quán Hành và một số xã thuộc huyện Hưng Nguyên. Đây là nền tảng quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của TP Vinh và Nghệ An. Trên cơ sở này, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo TP Vinh triển khai quy hoạch, phân khu tỷ lệ 1/2000 các phường, xã, nhằm cụ thể hoá định hướng quy hoạch chung. Nâng cấp các phường trung tâm.
Hội nghị triển khai nội dung thông báo số 55-TB/TW của Bộ Chính trị đang diễn ra tại TP Vinh, phấn đấu đưa TP Vinh về đích đúng hẹn |
Mục tiêu là đưa TP Vinh trở thành trung tâm thương mại của vùng Bắc Trung bộ, là điểm bán buôn, bán lẻ hàng hoá lớn thu hút các nhà sản xuất, đồng thời cũng là địa chỉ hấp dẫn cho du lịch, vui chơi, giải trí.
Từ quy hoạch tổng thể, đường cao tốc Bắc - Nam đã được triển khai, QL1 đoạn tránh Vinh sẽ mở rộng 100m, nâng cấp QL46, tỉnh lộ 535 Vinh - Cửa Hội, QL ven biển đoạn đi qua Cửa Lò sẽ mở rộng 60m, triển khai xây dựng cầu Cửa Hội, cầu Hưng Hoà nối đôi bờ sông Lam. Xây dựng cảng Cửa Lò thành cảng tổng hợp, đáp ứng cho tàu 30 ngàn DWT cập bến. Mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Vinh... Đầu tư TP Vinh là điểm đến hấp dẫn về du lịch với các địa danh nổi tiếng đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Những tín hiệu lạc quan
Với sự quan tâm của Trung ương, từ nhiều năm qua, UBND tỉnh Nghệ An và TP Vinh đã có những nỗ lực trong triển khai thực hiện Nghị quyết, tập trung đầu tư và khai thác các nguồn lực. Bởi vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2016 đến 2018 đã đạt 8,54%, giá trị gia tăng theo giá hiện hành tăng 12,31%; giá trị gia tăng bình quân đầu người đã đạt 84,5 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng: dịch vụ chiếm 66,61%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32,07%, nông nghiệp chiếm 1,32%...
Trên địa bàn thành phố Vinh, còn nhiều dự án chậm tiến độ, đang gáy cản trở cho mục tiêu phát triển của tỉnh Nghệ An. |
Năm 2018 lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đã đạt 22.450 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 18.700 tỷ đồng. Các hoạt động du lịch diễn ra rất sôi động với 1,98 triệu lượt khách đã đến Nghệ An mỗi năm. Các cơ sở lưu trú được đầu tư mạnh mẽ. Chất lượng dịch vụ du lịch không ngừng được quan tâm, chăm sóc. Các dịch vụ về tài chính, viễn thông không ngừng tăng tốc.
Nhờ vậy, thu ngân sách đã có bước tăng trưởng tốt, ổn định với mức bình quân 2.367,1 tỷ đồng/năm 2016 đến nay. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt dưới 1%, chỉ còn 8,4% trẻ em suy dinh dưỡng, 0,41% hộ nghèo, lao động đã qua đào tạo đạt 66%, đạt 45 bác sỹ/ 1 vạn dân, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, TP đã đạt chuẩn Nông thôn mới...
Hạ tầng giao thông còn chậm phát triển nên nạn kẹt xe, tắc đường đã diễn ra thường xuyên ở TP Vinh |
Lĩnh vực giáo dục cũng đã đạt mục tiêu đặt ra với 78,6% trường đạt chuẩn quốc gia, 100% trường tiểu học và THCS đã đưa môn ngoại ngữ vào chương trình chính khoá. Số lượng học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế liên tục tăng. Lĩnh vực y tế cũng được quan tâm đầu tư với 285 cơ sở y tế trên địa bàn, trong đó có 10 bệnh viện tư nhân, 1 trường đại học Y khoa.
Lĩnh vực CNTT - truyền thông đã có bước phát triển tốt với hạ tầng hiện đại. Có 6 doanh nghiệp viễn thông và 2 doanh nghiệp truyền hình cáp ở tp Vinh được cấp phép hoạt động. Mạng internet, các dịch vụ truyền hình phủ sóng khắp thành phố và các vùng lân cận.
Tuy nhiên, một số tồn tại cần phải được lãnh đạo tỉnh Nghệ An và lãnh đạo TP Vinh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đó là: thủ tục hành chính còn tồn tại những nhiêu khê, nhũng nhiễu; một số loại tội phạm chưa giảm. Các dự án còn triển khai manh mún, không đúng cam kết ban đầu, không được giám sát chặt chẽ. Hạ tầng giao thông nội đô phát triển còn chậm nên nạn kẹt xe vào giờ cao điểm đã liên tục diễn ra. Hệ thống cấp thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu nên úng ngập thường xuyên khi có mưa lớn, mất nước sinh hoạt ngay trong mùa lũ. Thủ tục bán điện sinh hoạt cho một số khu vực dân cư chung cư còn nhiêu khê. Nạn nhũng nhiều trong thủ tục cấp giấy chứng nhận QSD đất vẫn còn tồn tại...
Sân bay Vinh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP Vinh và tỉnh Nghệ An. |
Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, nhiều vấn đề nổi cộm đã được các phóng viên đặt ra trước mục tiêu về đích năm 2020 của TP Vinh và đã được lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo TP Vinh giải đáp khá rõ với quyết tâm cao. Sáng nay, tại TP Vinh, một Hội nghị lớn về vấn đề này đã được tổ chức với sự có mặt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành. Dư luận đang rất mong chờ những kết quả tốt đẹp từ Hội nghị này để TP Vinh và Nghệ An sẽ về đích đúng hẹn.
Tác giả: Trần Cường
Nguồn tin: hoanhap.vn