Rất đông người dân theo dõi lực lượng chức năng tìm kiếm thi thể 3 sinh viên tình nguyện gặp nạn tối 2/7
Câu chuyện đau xót về 3 sinh viên ĐH Ngoại thương tử vong lại một lần nữa dấy lên cảnh tỉnh tình trạng thiếu kỹ năng trong hoạt động tình nguyện hiện nay.
Chủ quan, không lường trước nguy hiểm
Rạng sáng 3/7, sau hơn 8 giờ mất tích dưới suối Pắc Hoóc (Bình Liêu, Quảng Ninh), thi thể ba sinh viên tình nguyện là Vũ Thị Xoa (20 tuổi, quê Hải Dương), Nguyễn Thị Hải (19 tuổi, quê Nghệ An) và Nguyễn Thị Ngân (19 tuổi, Hà Nội) mới được tìm thấy. Trước đó, chiều 2/7, trên đường về nơi tập trung sau khi hoàn thành hoạt động tình nguyện trong ngày, nhóm sinh viên trường ĐH Ngoại thương dừng lại bên suối gần đập tràn Pắc Hoóc để chơi đùa. 4 nữ sinh không may trượt chân và bị nước cuốn đi, chỉ duy nhất 1 em được cứu thoát.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Đoàn trường ĐH Ngoại thương cho biết, đây là sự cố hết sức đáng tiếc. Theo anh Triệu, trong suốt 10 năm thực hiện hoạt động tình nguyện, chưa bao giờ bản thân mình và nhà trường lại bị tổn thất, mất mát lớn như vậy. “Tôi rất đau xót, sự cố mất mát lớn như thế do điều kiện thời tiết, nước lũ thượng nguồn chảy xiết, các em cũng không có kinh nghiệm đi qua suối...”, Bí thư Đoàn trường chia sẻ. Được biết, ngay sau sự cố trên, đoàn trường ĐH Ngoại thương đã cho dừng hoạt động tình nguyện của tất cả các đội sinh viên tình nguyện của trường tại các tỉnh.
Trước sự việc đau lòng trên, dư luận chắc hẳn chưa thể quên 4 sinh viên thuộc đoàn tình nguyện “Chắp cánh ước mơ” cũng từng bị chết đuối tại huyện Võ Nhai, Thái Nguyên hồi tháng 6/2013. Hay tháng 7/2007, liên tiếp 3 sinh viên tình nguyện tại 3 tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh và Cần Thơ, đều bị tử vong vì đuối nước...
Cần siết chặt công tác tổ chức
Được biết, trước khi xuất quân, sinh viên tình nguyện được tập huấn khá bài bản, kỹ lưỡng về những kiến thức, kỹ năng cần thiết, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn. Các bạn cũng phải thực hiện cam kết cá nhân tuân thủ nghiêm ngặt quy định của chương trình tình nguyện và điều kiện ăn ở sinh hoạt. Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia, điều quan trọng là cần phải quán triệt kỷ luật với sinh viên tình nguyện. Các em hầu hết là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai, cậy sức trẻ thích chinh phục, khám phá song lại không lường trước nguy hiểm. Đây chính là điều khó khăn nhất trong công tác quản lý sinh viên tình nguyện nên năm nào cũng xảy ra sự cố mà vẫn không rút được kinh nghiệm”.
Từ những sự cố đau lòng đối với sinh viên tình nguyện, ông Vũ Minh Lý nhận định, bên cạnh nguyên nhân chủ quan do thiếu kỹ năng của các đội viên, công tác tổ chức cũng cần phải được siết chặt hơn nữa. “Trước khi diễn ra hoạt động tình nguyện, T.Ư Đoàn đã yêu cầu bắt buộc nhà trường có nhóm tiền trạm triển khai khảo sát để lên kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, nhiều trường đã không tiến hành, không nắm được đặc thù địa bàn để phổ biến cho đội viên của mình.
“Hơn tất cả, chúng tôi khuyến khích sinh viên tình nguyện thường xuyên, tình nguyện tại chỗ sao cho có những hoạt động phù hợp, mang lại lợi ích thiết thực đối với cộng đồng. Đâu có nhất thiết cứ phải “lên rừng xuống biển” nhiều khi lại không hiệu quả, lại mang tiếng phô trương, hình thức....”. Các đội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện khi hoạt động cần phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên địa phương. Đi lại cần có người dẫn đường để hoạt động được an toàn, hiệu quả hơn, nhất là các khu vực có địa hình phức tạp”, ông Lý lưu ý.
Không được đề xuất công nhận là liệt sĩ Chiều 3/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Đoàn Thanh niên huyện Bình Liêu, Quảng Ninh cho biết: Sự việc 3 thanh niên tình nguyện tử vong là điều đáng tiếc không ai mong muốn. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh 3 em sinh viên thiệt mạng do tách khỏi đoàn đi tắm suối, không phải lúc đang làm nhiệm vụ nên địa phương không thể làm hồ sơ đề xuất lên cơ quan chức năng công nhận là liệt sĩ. Phúc Tuấn |
Tác giả bài viết: Hoàng Ngân