Giáo dục

"Ai sẽ thay đổi nền giáo dục nếu không phải chúng ta?"

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã đặt câu hỏi như vậy trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương độc lập hạng nhất lần 2.

Mở đầu bài phát biểu của mình, GS Minh xin được nói tới 2 vấn đề: Lòng biết ơn, sự tôn trọng đối với những thế hệ đi trước cũng như trọng trách và trách nhiệm thời đại của thế hệ hiện tại và tương lai của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Hiệu trưởng trường đào tạo sư phạm lớn nhất cả nước đã dành khá nhiều thời gian để nhắc lại lịch sử hình thành, phát triển của trường cũng như tri ân những bậc tiền bối.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương độc lập hạng nhất lần thứ 2 cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Lê Văn.

"Thế hệ hôm nay ý thức rằng không có những viên gạch đầu tiên thì không có những bức tường thành vững chãi. Không có những người mở đường thì mãi mãi không có lối đi" - ông Minh nói.

Sau 65 năm phát triển, hiện tại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 23 khoa và 2 bộ môn trực thuộc, 2 trường phổ thông, 1 trường mầm non và 30 viện trung tâm nghiên cứu.

Trong số tám trăm giảng viên trên tổng số 1.200 nhân viên, có 17 giáo sư, 149 phó giáo sư, 273 tiến sĩ, số còn lại là thạc sĩ. Phần lớn được đào tạo ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, đảm bảo chất lượng đảm bảo công tác của nhà trường.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã làm được nhiều việc quan trọng: Cung cấp đội ngũ nhà giáo chất lượng cao cho hệ thống giáo dục quốc dân; Đã đang đóng góp hoàn thiện chương trình đào tạo đại học và sau đại học, chương trình phổ thông bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý nhất là trong các cuộc cải cách giáo dục…

"Đây là thành quả mà các thế hệ trước đây dày công chăm sóc và nuôi dưỡng" - ông Minh khẳng định.

Đối với trách nhiệm của thế hệ hiện tại, ông Minh khẳng định, giáo dục là động lực phát triển đất nước, cơ sở tường tồn dân tộc, sức bền đảm bảo chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, cầu nối để có tình bạn quốc tế cao cả.

Ông Minh cho rằng, mỗi thời đại có những đòi hỏi khắt khe của nó. Và hiện nay, nguy cơ nô dịch có thể không đơn thuần từ súng đạn nữa.

"Tụt hậu về giáo dục sẽ kéo theo nghèo nàn về kinh tế, phai nhạt về bản sắc văn hóa, về lý tưởng sống. Đó là nguy cơ, một nguy cơ tiềm ẩn và lạnh lùng" - ông Minh nói. "Thế hệ tiền bối thấm thía nỗi đau mất nước, lẽ nào ngày nay chúng ta lại không thấm thía nỗi đau tụt hậu và chậm phát triển".

Từ đó, ông Minh cho rằng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuy đã đạt được những thành tựu song trước yêu cầu mới của đất nước và thời đại, đặt trong hệ thống quy chiếu giáo dục quốc tế thì vẫn còn tụt hậu khá xa.

"Ai sẽ làm thay đổi nền giáo dục nước nhà nếu không phải là chúng ta?"- ông Minh đặt câu hỏi. "Không thể ngồi để than vãn tụt hậu, chờ thời cơ đến mà cốt tử là chủ động đón thời cơ, tìm giải pháp để hành động".

"Giáo dục đang chuyển mình, phía trước còn nhiều khó khăn trở ngại, nhưng cái đáng sợ hơn cả là có dám vượt qua chính mình hay không".

Ông Minh cũng nhắc lại trọng trách của những cán bộ, giảng viên nhà trường, những người sẽ đạo tạo ra những thầy cô giáo tương lai chính là giáo dục con người không chỉ kiến thức mà cả tâm hồn.

"Không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho thế hệ tương lai. Đừng thuần túy hướng con người chỉ tập trung vào bộ não mà phải dạy cho họ có trái tim rugn động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội".

"Giáo dục là tạo động lực, là cung cấp cách tư duy và hướng hành động. Giáo dục tạo ra sự thay đổi tiến bộ, chinh phục cái mới là bà đỡ cho nhưng ý tưởng mới. Nếu giáo dục chỉ hướng con người đến hành động giản đơn và lặp lại một cách cố định thì điểm cuối của cuộc đời đã hiện hữu trước mắt"

"Chúng ta có nghĩa vụ giáo dục con người sống chính cuộc đời của họ chứ không phải của người khác nhưng có trách nhiệm với người khác và trách nhiệm với cuộc đời".

GS Minh cũng cho rằng, trách nhiệm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không chỉ đơn thuần là trả lời câu hỏi mà phải hành động. "Chúng ta không chỉ có trách nhiệm trả lời vì sao chất lượng giáo dục đất nước còn chậm mà phải tìm ra cách để làm giáo dục phát triển nhanh hơn"

"Chúng ta phải làm cho mọi người thấy rằng đồng hành với tiến trình là hạnh phúc chứ không chỉ thuần túy hưởng thụ để cảm nhận đó là hạnh phúc. Hành trình này là núi cao đầy gian nan, không có con đường nhung lụa và không dành cho kẻ yếu hèn" - ông Minh khẳng định.

Từ đó, ông Minh cho rằng, nhiệm vụ của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong thời gian tới chính là tạo dựng môi trường cho sáng tạo bằng việc tạo dựng mô hình ĐH sáng tạo; sẵn sàng đội ngũ để hội nhập quốc tế thành công; đào tạo đội ngũ nhà giáo đảm bảo cho nền giáo dục tiến bộ, tiên phong giải quyết vấn đề của ngành đất nước.

"Chúng ta có nhiều thuận lợi, nhưng phía trước có nhiều gian nan, khắc nghiệt và có khi phải trả giá bằng thay đổi. Chúng ta không thể đất nước thấm máu đào này nghèo nàn mãi được" - ông Minh khẳng định.

Tác giả bài viết: Lê Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP