Ngày nhỏ, nhà bà tôi có một khu vườn trồng nhiều cây ăn quả và có những hàng dâu trồng làm hàng rào trổ lá xanh ngắt. Vào mùa quả chín, những đàn chim chào mào lại bay về đây ăn trái và hót véo von một góc vườn. Thế rồi, có những người đi hái lá dâu lưng đeo túi vải, họ chỉ đến khi cành dâu trổ lớp lá mới.
Vốn dĩ, bà tôi trồng hàng dâu xanh cũng chỉ để làm hàng rào. Thêm nữa là để lấy lá tắm cho mấy anh, em tôi khi người lên rôm sảy, lấy quả ngâm nước uống… Mỗi khi có người ở làng bên sang xin lá dâu về nuôi tằm, bà tôi lại ra trò chuyện với họ về chuyện tằm tang, về vụ kén này có được tơ, hay nhắc đến câu “tằm ăn rỗi” để thể hiện sự cảm thông đối với sự vất vả của họ. Nhiều khi, bà còn bảo tôi lấy bát nước vối ra mời họ uống cho đỡ khát.
Ngày đó còn nhỏ tuổi, tôi nghĩ đó chỉ là chuyện cậy nhờ bình thường ở chốn quê. Nhưng, giờ ngẫm lại chợt nhận ra những ân tình của người dân quê náu trong những điều bình dị như thế.
Món nhộng tằm rang lá chanh thơm ngon (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Bẵng đi một thời gian, một bữa đi học về, ngồi vào mâm cơm, tôi thấy có một đĩa rang những con nhộng vàng, béo ngậy với lá chanh trong vườn. Tưởng mẹ mua nhộng ngoài chợ, hỏi ra tôi mới biết có đứa trẻ ở làng bên mang nhộng sang biếu gia đình tôi và bảo cảm ơn nhà tôi rất nhiều. Kể từ đó, lâu lâu lại thấy người ta bên làng sang hái dâu, trò chuyện.
Năm tháng qua đi, chẳng biết đã qua bao vụ tằm, bà tôi đã già và khuất bóng. Hàng dâu vườn nhà cũng không còn nữa sau mấy lần chia thổ, xây dựng thêm nhà cửa. Thế mà, thi thoảng, vẫn có người làng bên mang biếu nhúm nhộng tằm trong gói lá sen mới thật cảm động. Phải chăng, khi cái tình, cái nghĩa đã sâu nặng thì con người sẽ sống với nhau chân thành như thế chứ không phải đơn thuần là những cuộc trao đổi thông thường.
Sau này lớn lên, cũng đôi lần tôi được thưởng thức món nhộng tằm rang lá chanh mua ở ngoài chợ nhưng có lẽ chẳng còn được cảm nhận vị béo ngậy, đậm đà cùng ân tình ấy nữa. Bởi đó chỉ có thể là hương vị ngọt ngào giữa những người dân quê thuần hậu dành cho nhau trong cuộc sống.
Tác giả bài viết: Bùi Việt Phương