Nguyễn Văn Hà yêu thích nghề chế tác gỗ từ năm đầu cấp 3. Do vậy, ngoài giờ học ở trường, Hà thường xuyên vào rừng về tự mày mò, sáng tạo, chế tác ra những bức tượng ... Niềm đam mê này được Hà ấp ủ và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Qua quá trình tìm hiểu nhận thấy việc khai thác gỗ ngày một nhiều nhưng gốc cây thì họ đều bỏ lại ở rừng, rất lãng phí nên Hà đã trở về quê hương quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ còn dang dở.
Bước đầu, Hà gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm các gốc cây đã chết lâu năm những cánh rừng sâu thuộc các huyện miền núi của Nghệ An. Nhờ biết nhìn ra được dáng, thế gỗ và với ý tưởng mới, Hà đã tìm được nhiều gỗ lũa và đem về chế tác thành nhiều sản phẩm tinh tế, bắt mắt.
Từ những gốc cây, anh Hà cùng những người thợ chế tác thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về thẩm mỹ . Ảnh: Hồng Diện |
Theo Nguyễn Văn Hà, nghề này được ví là "dọn rác cho rừng", bởi nhiều người có quan điểm gốc gỗ, gỗ lũa là thứ bỏ đi...
Từ những gốc cây xù xì với dấu vết của thời gian, Hà cùng với những người thợ của mình thổi hồn, chế tác thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao như bức tượng thần tài, tùng lộc, các con vật rồng, rắn, rùa, … và cả những đồ dùng là bàn, ghế được khách hàng ưa chuộng. Mỗi một sản phẩm, Hà phải mất từ 10 - 15 ngày lao động, sáng tạo, tỉ mỉ đến từng mũi khoan. Tuy nhiên, cũng có những bức tượng phải đầu tư thời gian, dành cả tâm huyết gần một năm trời mới hoàn thiện.
Bức tượng cụ rùa với tên gọi "Việt Nam trường tồn" có dáng hình đất nước cụ gánh trên lưng thu hút nhiều khách hàng đến xem. Ảnh: Hồng Diện |
Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng với tài năng, Hà đã có nhiều sản phẩm được tiêu thụ, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và thu về hàng trăm triệu đồng/năm.
Tới đây, Hà sẽ đưa 6 tác phẩm là những bức tượng đặc sắc, tinh tế với những tên gọi gắn với những sự tích khác nhau để đi triển lãm tại Sơn Tây, Hà Nội nhân Kỷ niệm ngày đại đoàn kết dân tộc. Điển hình như bức tượng cụ rùa với tên gọi "Việt Nam trường tồn" có dáng hình đất nước sắc nét cụ gánh trên lưng; tượng con rồng cháu tiên; nhất tâm hướng phật...
Một bức tượng phật được Hà làm từ gỗ lũa. Ảnh: H.D |
Anh Hồ Văn Thiết - Bí thư Đoàn xã Quỳnh Lâm nhận xét: Chế tác gỗ lũa của Nguyễn Văn Hà là mô hình mới, thành công ở xã Quỳnh Lâm. Đoàn xã sẽ đưa mô hình này vào những mô hình thanh niên phát triển kinh tế của xã, tổ chức cho đoàn viên thanh niên ở chi đoàn khác đến tham quan, học hỏi nhân rộng mô hình nếu có đủ điều kiện.
Tác giả: Hồng Diện
Nguồn tin: Báo Nghệ An