Thực trạng các bé gái bị bán vào những nhà hàng, quán xá kích dục không còn lạ gì. Lảng vảng ở các vùng ngoại thành, âm thầm trong các nhà hàng sang trọng tại những thành phố lớn, khuất lấp trên các cung đường liên tỉnh, che đậy sau các thương vụ làm ăn..., những bé gái bị xâm hại hằng ngày dù muốn hay không. Từ chiều chuộng đến vui vẻ với khách ở khách sạn chỉ là một bước nhỏ. Nhỏ đến mức chẳng còn ranh giới dưới những cuộc ngã giá bằng tiền.
Nguyên nhân của thực trạng này nào phải đơn giản là do cả tin, thiếu kiểm soát của gia đình như lời bao biện của không ít cơ quan chức năng. Bé gái bị xâm hại như cách trên là hậu quả của cả một chuỗi vấn đề bất trắc, thất bại của các chính sách xã hội liên quan. Gia cảnh nghèo khó đã đẩy các em vào con đường mưu sinh khi còn nhỏ, trong khi không tiếp cận được các dịch vụ tư vấn xã hội kịp thời. Bỏ học sớm, thiếu kỹ năng sống nên dễ dàng sập bẫy những kẻ lừa đảo. Sự nhẫn tâm của các ông chủ làm phần việc đốn mạt còn lại nhưng thường không bị nghiêm trị. Ở lứa tuổi các em, rơi vào hoàn cảnh đó quả là khó có đường thoát. Nguy cơ tiếp tục trượt dài, sa ngã vào guồng máy bán thân nào có xa xôi gì. Dù không muốn thừa nhận nhưng đây là những gì đang diễn ra.
Khó mà nói rằng các cơ quan chức năng không biết, không nghe bởi nó nào có xa xôi, kín đáo gì. Trong mắt nhiều người, việc này cũng trở nên bình thường một cách bất thường. Sự dửng dưng này rất đau đớn bởi từng cá nhân nhìn vụ việc như tệ nạn giống bao tệ nạn khác không liên quan đến mình, nên tránh xa. Trong nhiều vụ việc, chính các bé gái bất hạnh bị khinh rẻ trong ánh mắt đổ tội như là hư hỏng và đồng lõa chứ không hề đáng thương như một nạn nhân. Những ai không chạnh lòng thì hãy một lần thử nghĩ, nếu đó là người thân, con cháu của mình...
Bao nhiêu năm qua, cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn, hội hô hào dấy lên nhiều phong trào bảo vệ các bé gái khỏi nạn bạo hành và xâm hại tình dục; luật pháp cũng đã có quy định và từng chương trình cụ thể được phát động thường xuyên nhưng sao vấn nạn này vẫn không dẹp được? Không có cách lý giải nào thuyết phục hơn, chính là cách nhìn về vấn đề không đúng tầm nghiêm trọng của nó. Các chính sách cho người nghèo chưa đủ tác dụng, công tác hướng nghiệp, tạo việc làm kém hiệu quả. Cộng hưởng với sự thiếu quyết tâm của các cơ quan công lực, những bé gái kém may mắn khó thoát bàn tay nhớp nhúa của các gã ma cô làm tiền trên thân xác các em.
Bảo vệ trẻ em, nhất là các bé gái, là câu chuyện lương tâm xã hội chứ đừng để dừng lại ở các khẩu hiệu và chỉ hiển hiện trong các báo cáo.
Tác giả: Phạm Hồ
Nguồn tin: Báo Người lao động