Pháp luật

Xử lý hàng giả... nửa vời

Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2016 cả nước phát hiện, xử lý khoảng 30.000 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng số tiền xử phạt trên 93 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 1.000 tỷ đồng.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục QLTT xử phạt khoảng 1.400 vụ vi phạm với số tiền trên 55 tỷ đồng. Các doanh nghiệp (DN) cho rằng, số vụ vi phạm nhiều như trên là hậu quả của việc xử lý nửa vời của cơ quan chức năng...

Trong kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), khẳng định: “Dấu hiệu “Vinamix và hình” gắn trên bao gói sản phẩm bột bánh xèo Hương Quê của Công ty Liên doanh bột Sài Gòn xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Intermix và hình” đã được bảo hộ của Công ty Liên doanh bột quốc tế Intermix”.

Ông Nguyễn Minh Trí – Đại diện Công ty Liên doanh bột quốc tế Intermix bức xúc: “Sản phẩm nhái được rải khắp thị trường với giá rẻ khiến doanh thu của công ty chúng tôi bị giảm đến 50%, niềm tin của người tiêu dùng (NTD) cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đối với sản của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhưng điều khó hiểu nữa là mặc dù đã có kết luận sai phạm rõ ràng như vậy từ Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, nhưng Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long vẫn ra văn bản cho Công ty Liên doanh bột Sài Gòn (Vĩnh Long) tiếp tục lưu hành sản phẩm, khắc phục bằng cách che dấu hiệu vi phạm trên bao bì. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho DN. DN đã gửi đơn “kêu cứu” nhiều nơi nhưng sự việc vẫn chưa xử lý triệt để”.

Lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện cơ sở sản xuất hàng giả.

Ông Nguyễn Công Suất - Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam cũng cho rằng: “Sản phẩm dầu thực vật hiệu Vinaga của công ty khi “cắm rễ” trên thị trường được khoảng 3-4 năm và cũng đã được tiêu thụ mạnh thì ngay sau đó liền bị làm nhái thương hiệu. Mặc dù DN đã kiên trì đấu tranh, nhưng đến nay hàng nhái chẳng những không giảm còn phát triển mạnh, có đến hơn 30 loại sản phẩm na ná nhau trên thị trường”.

Ông Nguyễn Ngọc Tý – Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn cho biết, sản phẩm giả Nón Sơn bán trên thị trường với giá gần bằng giá hàng chính hãng nên NTD khó phân biệt. Sau một thời gian sử dụng, thấy chất lượng sản phẩm xuống cấp, NTD khiếu nại thì công ty mới biết là họ mua nhầm hàng giả. Trong ba đợt ra quân dẹp hàng giả gần đây, công ty đã phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk, Tây Ninh, Sóc Trăng thu giữ gần 5.500 chiếc mũ bảo hiểm giả hàng chính hãng. Đáng nói, hầu hết hàng giả được đưa từ TP Hồ Chí Minh, nhưng chỉ bắt phần ngọn mà không xử lý được tận gốc.

“Cần tăng biện pháp chế tài như rút giấy phép, buộc cơ sở vi phạm phải cam kết chứ phạt hành chính không ăn thua. Bởi, sản xuất hàng nhái thu siêu lợi nhuận nên các đối tượng chấp nhận phạt rồi lại tái phạm. Bằng chứng là chúng tôi đã từng phối hợp lực lượng chức năng phát hiện hai cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm giả của công ty, hai đơn vị này bị phạt hành chính nhưng sau một thời gian, họ tiếp tục làm hàng giả tinh vi hơn”.

Ông Cao Tiến Vị - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn cho rằng: “Khi phát hiện điểm đang sản xuất hàng giả hoặc xe đang vận chuyển hàng giả, công ty phải làm hồ sơ trình báo đến Chi cục QLTT. Phải mất mấy ngày thì Chi cục mới chỉ đạo xuống Đội QLTT địa phương kiểm tra, xác minh. Xong mới có phương án kiểm tra xử lý. Trong khi chờ đợi các thủ tục này thì hàng giả đã kịp thời tẩu tán hết. Đó là chưa kể, nhiều trường hợp phát sinh chi phí giám định sản phẩm thật – giả, nếu DN không hợp tác hỗ trợ thì cơ quan chức năng cũng ngại khoản phí này, nên không xử lý rốt ráo”.

Trước tình DN kêu ca, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn không giảm? Luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh chỉ ra nguyên nhân: Đó là pháp luật có nhiều nhưng chưa đủ, quy định xử lý hàng nhái, hàng giả thì chưa rõ ràng đồng bộ giữa các văn bản pháp luật. Vì vậy, cần rà soát lại các quy định pháp luật về hàng nhái, hàng giả, để sửa đổi.

Cơ quan chức năng cần hướng dẫn cụ thể các thủ tục cho DN và hỗ trợ pháp lý cho DN vì có rất nhiều DN không đủ trình độ, kinh phí. Ngoài ra, cần phải có đường dây nóng chống hàng nhái, hàng giả, để DN phản ánh và cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin để tập trung xử lý, giải quyết.

Tác giả bài viết: T.Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP