Giáo dục

Vừa triển khai, vừa chờ cơ chế

Việc tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học ở vùng cao không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn giảm tình trạng quy mô trường lớp manh mún. Tuy nhiên, ở Nghệ An mô hình này còn gặp nhiều khó khăn.

Học sinh Trường Tiểu học Mường Ải (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)

Trường Tiểu học Nhôn Mai (huyện Tương Dương, Nghệ An) hiện tổ chức bán trú cho 70/426 học sinh. Cách đây 1 năm, nhà trường đã thí điểm cho học sinh lớp 4 - 5 về trường chính. Nhận thấy các em hòa nhập tốt, ổn định, năm học này trường quyết định đưa cả học sinh lớp 1, 2, 3 về ở bán trú tại điểm trường có giao thông thuận lợi hơn, sau khi xóa 2 điểm lẻ là Phá Mật và Thăm Thẩm. Hiện tại, học sinh ở các điểm trường lẻ đã làm quen với môi trường nội trú.

Mặc dù là một trong những huyện vùng cao khó khăn nhất tỉnh, nhưng Kỳ Sơn (Nghệ An) là địa phương đi đầu trong việc tổ chức và nhân rộng mô hình bán trú cho học sinh tiểu học. Trường Tiểu học Mường Ải từng có 5 điểm lẻ, nơi xa nhất cách trường 15km, địa hình xa xôi, cách biệt, nơi đây thường xảy ra sạt lở, lũ quét vào mùa mưa. Đây là một trong 5 đơn vị đầu tiên của huyện Kỳ Sơn tổ chức bán trú cho học sinh. Sau 4 năm triển khai, toàn huyện giảm được 28 điểm trường lẻ, 200 lớp tiểu học, tương đương với giảm 270 giáo viên, giúp tiết kiệm ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ngoài huyện rẻo cao Kỳ Sơn, các huyện Tương Dương, Con Cuông mô hình này cũng được nhân rộng. Tại Con Cuông đã triển khai thí điểm trường tiểu học bán trú tại 2 xã Cam Lâm và Đôn Phục. Tuy nhiên, tại Đôn Phục, nhà trường mới chỉ tổ chức bán trú được cho 51/113 em học sinh do cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng.

Nghệ An hiện còn hơn 1.000 điểm trường lẻ, riêng tiểu học có gần 500 điểm trường. Trước hiệu quả của mô hình trường tiểu học bán trú, Sở GD&ĐT Nghệ An khuyến khích các địa phương xây dựng đề án và sẽ nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là dù có chủ trương nhưng trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020 chưa có mô hình này. UBND tỉnh Nghệ An gần đây đã chỉ đạo việc sáp nhập các điểm trường lẻ. Theo đó, các huyện vùng cao cần phải rà soát chi tiết quy hoạch mạng lưới trường lớp căn cứ vào các cấp học cụ thể, xác định trường nào có thể xây dựng mô hình bán trú, bố trí đủ chỗ ở, chỗ sinh hoạt và học tập cho các em học sinh. Việc rà soát các điểm xây dựng trường bán trú, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu phải hoàn thành trước tháng 9/2021.

Tác giả: P.V

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP