Ngày 28/12, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi) cùng 4 bị cáo khác về hành vi Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Họ gồm: Phan Thị Dung (56 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước); Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi, ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông); Lê Thị Hồng Thơ (38 tuổi) và Trần Ngưỡng (42 tuổi), cùng ngụ huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông).
Nhóm bị cáo trên bị xét xử vì liên quan đến vụ án trộn hỗn hợp pin con Ó vào tiêu bán ra thị trường. Bước vào phần xét hỏi, HĐXX cho cách ly các bị cáo để đảm bảo tính khách quan.
Bị cáo khai bị cán bộ điều tra dọa khi hỏi cung
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Phan Thị Dung cho rằng, trong hợp đồng mua bán, hồ tiêu được phép có 2% tạp chất nên đã mua tạp chất của bị cáo Thơ để trộn vào hồ tiêu. Tuy nhiên, sau này bị cáo Dung mới biết Thơ mua của Loan - Bảo và do Ngưỡng vận chuyển.
Khi Ngưỡng chuyển hỗn hợp trộn tạp chất, Dung trả tiền vận chuyển, còn tiền hàng trả cho Thơ. Trong quá trình nhận tạp chất, Dung có trả lại 3 chuyến vì không đảm bảo yêu cầu.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Minh Lộc. |
"Khi bị bắt tạm giam và lấy lời khai, cán bộ điều tra dọa là tội của bị cáo có thể ngồi tù đến 90 tuổi. Do đó, bị cáo áp lực, hoảng loạn nên khai báo không chính xác", bị cáo Dung nói.
Tại phiên tòa sơ thẩm, nữ bị cáo 56 tuổi nhiều lần tỏ ra mất bình tĩnh, không trả lời được câu hỏi của HĐXX.
Lý giải việc cơ quan công an thu giữ tại cơ sở của bị cáo Dung 9 tấn hồ tiêu, bị cáo này phủ định việc mình chỉ đạo trộn tạp chất mà do người làm tự ý trộn.
Theo Dung, ngày 22/4, do đến ngày giao hàng cho đối tác nên người làm đã trộn 4 tấn tiêu tạp chất (còn dư trước đó) với 5 tấn tiêu sạch. Khi vừa trộn xong thì bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang.
Loan - Bảo không biết tạp chất dùng để trộn vào tiêu?
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết, việc tạo ra tạp chất cà phê nhuộm bột pin con Ó là làm theo đơn đặt hàng chứ không biết để làm gì. Trong quá trình điều tra, bị cáo Loan mới biết được việc bà Dung mua tạp chất về để trộn vào hồ tiêu bán ra thị trường.
Tương tự, bị cáo Bảo cho biết thời gian đầu để tạo màu đen cho phế phẩm cà phê đã lấy bột than để trộn nhưng thời gian lên màu lâu, không đen nên mới mua pin về làm.
Sau đó, Bảo pha nước bột pin, cho vào cối trộn bê tông trộn với vỏ cà phê rồi bỏ lên sấy, đóng bao để vào kho. Bị cáo này không biết việc trộn tạp chất trên để làm gì mà chỉ có Loan biết. "Bị cáo nghĩ là ủ phân", bị cáo Bảo khai.
Bị cáo Loan khai trộn hỗn hợp pin con Ó theo đơn đặt hàng. Ảnh: Minh Lộc. |
Tuy nhiên, HĐXX hỏi ngược lại, “làm phân thì có phải tạo màu, sấy khô và đóng bao, cầu kỳ và tốn kém như vậy không ?”, bị cáo Bảo không trả lời được câu hỏi này.
Trong khi đó, ông Ngô Ngọc Sơn (người làm cho Loan) khai được vợ chồng Loan thuê lấy lõi pin, pha trộn vỏ cà phê, đá, nước bột pin rồi sấy khô đóng bao. Tuy nhiên, Sơn không biết bà Loan trộn tạp chất trên để làm gì và bán cho ai.
Tại phiên tòa, tất cả các bị cáo cũng cho biết, không biết trong tạp chất cà phê với pin con ó có những thành phần gì. Chỉ đến khi nhận được kết luận của cơ quan chức năng, các bị cáo này mới biết.
Từ năm 2015 - 2018, Thơ và Ngưỡng nhiều lần mua vỏ cà phê trộn hạt đá nhỏ, nhuộm lõi pin của Loan và Bảo rồi bán tiếp cho Dung. Sau khi mua hỗn hợp này về, Dung trộn với hồ tiêu để bán cho khách hàng nhằm ăn gian. Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kết luận trong mẫu tiêu hạt gửi giám định có thành phần chính là tiêu hạt, tỷ lệ 81,66%; ngoài ra các tạp chất gồm: vụn vỏ cà phê, vụn đá, bột pin (có thành phần: mangan đioxít, kẽm clorua, amoni clorua), tỷ lệ 18,34%. Các chất mangan đioxít, kẽm clorua, amoni clorua không nằm trong danh mục hỗ trợ chế biến thực phẩm theo quy định. |
Tác giả: Tây Nguyên
Nguồn tin: zing.vn