Pháp luật

Vụ Hoàng Công Lương: Đề nghị bồi thường cho bệnh viện gần 2,5 tỷ

Luật sư bào chữa cho BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đề nghị HĐXX yêu cầu công ty Thiên Sơn bồi thường cho đơn vị này gần 2,5 tỷ đồng.

Phiên tòa xét xử vụ Hoàng Công Lương sáng nay, luật sư bào chữa cho BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình Nguyễn Danh Huế đề nghị HĐXX yêu cầu Thiên Sơn bồi thường thiệt hại cho bệnh viện.

LS Huế cáo buộc, công ty Thiên Sơn do bị cáo Đỗ Anh Tuấn làm GĐ đã vi phạm hợp đồng.

Công ty Thiên Sơn của bị cáo Đỗ Anh Tuấn bị yêu cầu bồi thường toàn bộ chi phí tổn thất cho gia đình các nạn nhân

Theo LS Huế, công ty Thiên Sơn là đơn vị được BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình tín nhiệm nên mới chỉ định gói thầu sửa chữa hệ thống lọc nước RO với giá trị gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đơn vị này đã tự ý chuyển giao (bán thầu) 100% gói thầu này cho bị cáo Quốc. Việc chuyển thầu này không được Thiên Sơn thông báo cho lãnh đạo bệnh viện.

Theo luật Đấu thầu, công ty Thiên Sơn đã vi phạm luật khi tự ý bán thầu cho nhà thầu thứ cấp không đủ năng lực. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự cố tai biến chạy thận vào tháng 5/2017.

Sự cố này, theo LS Huế, đã gây tổn thất nặng nề tới uy tín, danh dự và vật chất cho bệnh viện.

Khi phát hiện ra sự việc, bệnh viện đã xử lý hành chính đối với Thiên Sơn. Ngoài ra, kết luận của CQĐT, cáo trạng… đã khẳng định việc vi phạm trong thực hiện gói thầu theo HĐ ký kết giữa Thiên Sơn đối với bệnh viện.

Những tổn thất của bệnh viện được luật sư thống kê ở các chi phí phát sinh trong việc ứng cứu các nạn nhân bị tai biến chạy thận; chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và thăm hỏi, thắp hương… các nạn nhân.

Tổng số tiền trên được tính là gần 2,5 tỷ đồng, luật sư đề nghị HĐXX yêu cầu công ty Thiên Sơn phải có nghĩa vụ bồi hoàn cho bệnh viện.

Ngoài ra, LS Huế cũng đề nghị HĐXX yêu cầu công ty này chịu trách nhiệm hoàn toàn trong vụ việc, buộc bồi thường toàn bộ những chi phí cho các gia đình bị hại.

Phiên tòa xét xử vụ chạy thận kéo dài gần 2 tuần với những tranh tụng trái ngược của các luật sư bào chữa cho các nguyên đơn - bị đơn

Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Đỗ Anh Tuấn - GĐ công ty Thiên Sơn cho biết, thời điểm gần 10 năm trước, rất nhiều tỉnh muốn mời làm đối tác trong việc liên danh lắp đặt máy chạy thận theo chủ trương xã hội hóa, bởi công ty là một trong những đơn vị uy tín, có thâm niên trong việc cung cấp máy chạy thận.

Cũng theo bị cáo này, khi về gặp gỡ với lãnh đạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình, bị cáo Tuấn có ấn tượng rất tốt với bị cáo Trương Quý Dương.

“Ông ta là người rất có tâm với các bệnh nhân. Khi đó, có tới hơn 100 bệnh nhân sinh sống tại Hòa Bình có nhu cầu chạy thận nhân tạo. Những bệnh nhân này hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không có điều kiện lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị.

Tôi cứ trăn trở mãi trước đề nghị của ông Dương, sau đó quyết định liên danh liên kết. Công ty Thiên Sơn đã hỗ trợ tối đa về thiết bị, chuyển giao công nghệ và đào tạo cả nhân lực cho cán bộ, bác sĩ. Diễn biến xảy ra tại phiên tòa, tôi thấy phía BVĐK tỉnh Hòa Bình đã quá phụ công chúng tôi” - bị cáo Đỗ Anh Tuấn nói.

Đáp lại, đại diện VKS cho biết, những yêu cầu của luật sư bào chữa cần xem xét trong một vụ án khác do đây đang là vụ xét xử vụ án hình sự.

VKS cũng bác yêu cầu của luật sư khi cho rằng, tổng số tiền tính đến thời điểm hiện tại, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã chi phí 370 triệu đồng, trong đó có cả số tiền 10 triệu đồng thắp hương đối với mỗi bệnh nhân tử vong.

“Phía người nhà nạn nhân không đồng ý số tiền 10 triệu đồng này nằm trong tiền bồi thường sau sự cố, nó cũng không có trong thỏa thuận của BV với các gia đình có bệnh nhân bị tử vong do sự cố ngày 29/5” - đại diện kiểm sát viên nói.

Tác giả: Thái Bình

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP