Chiều 5-6, theo đúng dự kiến, TAND TP Hòa Bình tuyên án đối với VS Hoàng Công Lương cùng hai bị cáo khác trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án.
BS Hoàng Công Lương chiều 5-6 |
Cụ thể, Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh đọc bản án, cho thấy nhận định của HĐXX rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, làm 9 người tử vong.
Quá trình xét xử, HĐXX nhận thấy có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, các chưng cứ buộc tội chưa thu thập đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều tính tiết mới xuất hiện.
Để không làm oan, bỏ lọt tội phạm, đồng thời chấn chỉnh hoạt động y tế, đề cao kỉ cương trách nhiệm đội ngũ y bác sĩ; đồng thời căn cứ tranh tụng tại tòa, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKSND TP Hòa Bình để làm rõ các điểm sau:
Điều tra làm rõ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội đối với BS Lương: xác định lỗi trong việc ra y lệnh ngày 29-5, trước khi ra y lệnh có báo cáo với lãnh đạo khoa hay không, có ai báo cáo bị cáo việc hệ thống RO đã đảm bảo hay chưa; làm rõ việc thay đổi lời khai của BS Lương và người liên quan đến việc có được phân công; làm rõ vai trò trong việc kí y lệnh của các BS khác trong đơn nguyên.
Kiến nghị khởi tố điều tra đối với ông Hoàng Đình Khiếu, phó giám đốc BV, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình sửa chữa hệ thống RO số 2; ông Trần Văn Thắng, nguyên trưởng phòng vật tư, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Kiến nghị điều tra, làm rõ trách nhiệm với ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc BV và ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc công ty Thiên Sơn trong việc kí hợp đồng, có hay không thỏa thuận giữa hai bên về số tiền chạy thận,…
Điều tra, làm rõ trách nhiệm các BS Linh, Huyền, điều dưỡng Hằng, Điệp, Hậu liên quan đến việc cho chạy hệ thống; đối với ông Khiếu, Công, Tình trong việc ghi thêm vào sổ giao ban
Xem xét trách nhiệm Bô Y tế trong việc ban hành hai văn bản gửi CQĐT và các LS có nội dung mâu huẫn về quy trình xét nghiệm mẫu ước RO theo tiêu chuẩn AAMI; chủ trương xã hội hóa có đúng hay không; chậm ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình chạy thận nhân tạo.
Xem xét trách nhiệm Sở Y tế Hòa Bình trong việc thanh tra kiểm tra hoạt động của BV, trong đó có việc chạy thận nhân tạo.
Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện VKS đã đề nghị tuyên bị cáo Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Trần Văn Sơn 4-5 năm tù cùng về tội danh; Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị mức án 5-6 năm tù tội vô ý làm chết người.
VKS cho rằng Lương được đào tạo kỹ thuật lọc máu chạy thận tại BV Bạch Mai, do đó được ông Hoàng Đình Khiếu giao phụ trách chuyên môn tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Với vị trí và nhiệm vụ của mình, bị cáo phải biết rõ tình trạng nguồn nước dùng để chạy máy lọc thận. Tuy nhiên, sáng 29-5-2017, Lương mới chỉ nghe đồng nghiệp báo đã sửa xong máy lọc, đã ra y lệnh chạy máy khiến sự cố xảy ra làm 9 người tử vong.
Bị cáo Lương là người ra y lệnh cuối cùng. Y lệnh này thể hiện trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ. Hành vi của bị cáo thuộc trường hợp vô ý phạm tội, làm giảm uy tín của bệnh viện, gây hoang mang cho quần chúng và gây thiệt hại cho bệnh viện.
Nói nói lời sau cùng trước khi tòa bước vào phần nghị án, bị cáo Hoàng Công Lương cho biết trong vụ tai biến chạy thận, điều bị cáo và nhân viên y tế tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình đau đớn nhất là không thể cứu được tất cả bệnh nhân.
"Sau 12 ngày phiên toà sơ thẩm diễn ra, bị cáo khẳng định mình hoàn toàn vô tội, kính mong HĐXX xem xét bản án vụ án công tâm, khách quan, tránh oan sai, tuyên bị cáo không phạm tội để bị cáo có cơ hội tiếp tục công việc khám chữa bệnh của mình và để cho các nhân viên y tế trên cả nước luôn tin tưởng vào pháp luật, yên tâm khám và cứu chữa người bệnh" - bị cáo Lương nói.
Tác giả: TUYẾN PHAN - HÀ PHƯỢNG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM