Pháp luật

Vụ án ném đá trúng đầu

Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung vấn đề mấu chốt của vụ án là trước khi ném đá vào đầu bị hại thì bị cáo có bị đấm vào mặt hay không.

Ông Lê Mỹ Sinh (sinh năm 1945, ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng) có mảnh vườn giáp ranh với vườn nhà bà Đặng Thị Cẩm Tú. Tháng 8-2015, ông Sinh cuốc đất tại bờ ta luy đang có tranh chấp với nhà bà Tú. Lúc này bà Tú chửi ông Sinh nên hai bên xảy ra tranh cãi. Bà Tú đứng trên phần đất nhà mình, dùng đá ném về phía ông Sinh nhưng không trúng. Thấy vậy, ông Sinh trèo qua phần ranh đất giữa hai nhà và cũng từ đây sự việc trở nên phức tạp.

Cáo trạng “giảm tông” chi tiết quan trọng

Kết quả là sau khi bị ngã xuống đất, bà Tú với tay lấy cục đá (10 x 5 cm) ném trúng vào chẩm đầu của ông Sinh gây thương tật 3%. Với hành vi này, bà Tú bị khởi tố và truy tố về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS do dùng hung khí nguy hiểm.

Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Lạt cho rằng trước khi bị ném đá, ông Sinh đấm vào mặt bà Tú chứ không phải là xô xát và đẩy bà té xuống đất. Cụ thể, khi thấy ông Sinh đang cuốc đất ở khu vực bờ ta luy đang có tranh chấp, bà Tú dùng máy ảnh chụp và nói: “Mày moi đất nhà tao chưa đã hay sao, đã bị sụp 4-5 m mà mày còn moi”. Ông Sinh liền leo lên bờ ta luy đất bị sạt lở của nhà bà Tú và giữa hai bên xảy ra giằng co, ông Sinh đấm vào mặt bà Tú, chửi tục: “ĐM mày, mày làm càn à?”. Bà Tú té xuống đất và do bức xúc có lượm một hòn đá ném vào đầu ông Sinh…

Bị cáo Đặng Thị Cẩm Tú sau phiên tòa. Ảnh: NGÂN NGA

Tuy nhiên, tại bản cáo trạng của VKSND cùng cấp sau đó đã không mô tả tình tiết bà Tú bị đánh. Theo cáo trạng, sau khi bị bà Tú ném đá nhưng không trúng thì ông Sinh trèo qua phần đất nhà bà Tú để đánh nhau với bà. Trong lúc ông Sinh xô xát thì có đẩy bà Tú ngã xuống đất nên bà Tú nhặt cục đá ném trúng đầu ông Sinh. Cáo trạng này được chuyển đến tòa án để xét xử bà Tú.

Mới đây, TAND TP Đà Lạt đã xử sơ thẩm vụ án. Tại tòa, bị cáo Tú thừa nhận có ném đá vào đầu ông Sinh nhưng không phạm tội cố ý gây thương tích. Bởi “Ông Sinh đã có hành vi đấm vào mặt bị cáo trước, bị cáo chưa kịp đứng dậy lại tiếp tục bị ông Sinh đấm tiếp cái thứ hai” - bà Tú nói. Tại tòa, các nhân chứng cũng khai có thấy ông Sinh đấm vào mặt bà Tú khiến bị cáo té xuống đất rồi ông tiếp tục đấm cái nữa.

Ông Sinh thì không thừa nhận có đấm vào mặt bị cáo: “Bị cáo ném đá nhưng bị trật nên tôi mới trèo lên để phân bua phải trái, chỉ nói qua nói lại, không có xô xát gì. Tôi chỉ là người bị động thôi…”. Thấy vậy, chủ tọa công bố lời khai của ông Sinh tại CQĐT: “Khi tôi với bà Tú có giằng co nhau thì bà Tú có dùng cục đá ném vào đầu tôi bị thương…”.

Phạm tội hay phòng vệ chính đáng?

Đại diện VKSND TP Đà Lạt luận tội cho rằng hành vi của bà Tú đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích như đã truy tố nên đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo 6-9 tháng tù.

Luật sư (LS) bảo vệ cho bị hại Sinh cho rằng lúc đầu bị cáo khai dùng đất hay đá ném thì không nhớ nhưng sau đó khai dùng đá. “Chúng tôi thấy bị cáo quanh co, chối tội nên đề nghị HĐXX cách ly bị cáo một thời gian dài hơn so với VKS đề nghị thì mới đủ sức răn đe”.

LS bào chữa cho bị cáo Tú thì cho rằng cáo trạng không ghi nhận phần lỗi của bị hại là có lời lẽ nặng nề chửi và đấm vào mặt bị cáo trước là không khách quan. “Trong quá trình phúc tra VKSND có thể thay đổi quan điểm của mình nhưng phải dựa trên nền tảng kết luận điều tra. Nếu có gì chưa rõ thì trả hồ sơ điều tra bổ sung vì điều này ảnh hưởng rất lớn trong luận tội”.

Theo LS, bà Tú không phạm tội cố ý gây thương tích vì bị cáo là phụ nữ chân yếu tay mềm. Khi bị người khác hành hung trong tư thế té ngã, theo phản xạ tự nhiên thì bà phải có hành động để đáp trả. Hành vi với tay ném đá chỉ là phòng vệ chính đáng hoặc gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (trong khi tội này phải gây thương tích từ 31% trở lên mới bị khởi tố).

Đối đáp lại, kiểm sát viên nói: “Cứ cho rằng ông Sinh có đấm bị cáo Tú một cái nhưng ông Sinh đã 70 tuổi, bị cáo có thể phản kháng bằng cách đẩy ông Sinh ra chứ việc cầm đá ném như vậy là nguy hiểm, phòng vệ chính đáng chỉ là đáp trả tương xứng…”.

Cuối cùng, sau khi nghị án HĐXX đã quyết định tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ nhiều vấn đề. Cụ thể, tòa yêu cầu làm rõ có hay không hành vi cố ý gây thương tích của bị cáo Tú với bị hại Sinh. Tòa cũng yêu cầu làm rõ hành vi của bị cáo có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không. Làm rõ việc ông Sinh có đấm hai cái vào mặt bị cáo như bị cáo trình bày tại tòa hay không. Theo biên bản hiện trường của CQĐT thì bị cáo Tú bị ngã xuống đất vì lý do gì.

Tòa thận trọng là cần thiết

Theo LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Khánh Hòa, nếu có chuyện bị hại chửi và đấm vào mặt thì đây là việc bị cáo chống trả khi bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của bị hại. Lúc này tính chất gây nguy hiểm của hành vi ném đá là không đáng kể, chưa đến mức xử lý hình sự. Việc tòa án trả hồ sơ là thận trọng, khách quan.

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, tình tiết bị hại đấm vào mặt bị cáo trong kết luận điều tra đề cập trong khi cáo trạng chỉ nói chung chung là xô xát sẽ ảnh hưởng đến bản chất của vụ án. Việc tòa yêu cầu làm rõ có hành vi này hay không là chính xác và cần thiết. Giả sử điều tra lại mà sự thật đúng như kết luận điều tra thì phải xem xét lại tội danh đã truy tố với bị cáo Tú...

Tác giả bài viết: NGÂN NGA

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP