Pháp luật

Vụ án mạo danh cán bộ cấp cao Nhà nước lừa đảo hàng tỷ đồng: Một bị cáo cũng chính là nạn nhân

Bị cáo Trịnh Phi Long đã dùng thủ đoạn mạo danh cán bộ cao cấp của Nhà nước, con nuôi của lãnh đạo để lừa đảo hàng tỷ đồng của các doanh nghiệp, cá nhân. Một bị cáo khác trong vụ án cũng chính là nạn nhân của Long.

Ngày 9-10/5/2018, tòa án cấp cao TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 139, Bộ luật hình sự với bị cáo Trịnh Phi Long (SN 1982, ở Từ Liêm, Hà Nội) và Nguyễn Thị Kim Cúc (SN 1958, ở Nghệ An).

Trước đó, ngày 21/3/2017, Tòa án Hà Nội đã tuyên phạt Trịnh Phi Long 14 năm tù. Nguyễn Thị Kim Cúc 4 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cả 2 bị cáo cùng có đơn kháng cáo.

Theo cáo trạng, bằng thủ đoạn giả mạo giấy tờ, giả mạo mối quan hệ thân quen với lãnh đạo Nhà nước, mạo nhận là cán bộ cấp cao của Nhà nước, bị can Trịnh Phi Long đã chiếm đoạt tổng cộng 1.408.720 đồng của bị hại, gồm các ông: Hồ Viết Lộc, Ngô Quang Việt, Ngô Công Ký, Phạm Xuân Khai, Lương Duy Từ, Trần Hoài Nam, Nguyễn Văn Trí và Trần Hồng Việt.

Trước đó, năm 2007, Trịnh Phi Long bị TAND huyện Thanh Oai, Hà Nội xử phạt 18 tháng tù treo về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Bị cáo Trịnh Phi Long

Từ năm 2009- 2014, Long làm việc tại công ty bảo hiểm nhân thọ AIA. Khi tham gia một số hội thảo, Long biết các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư dự án nên chủ động liên hệ, nhận hồ sơ năng lực để xin dự án.

Từ tháng 11/2013 đến 7/2015, Long dùng thủ đoạn gian dối mạo nhận là cán bộ cấp cao của Nhà nước, người thân của cán bộ Đảng, Nhà nước, tự nhận có khả năng xin được các dự án xây dựng, vay được vốn Chính phủ cho doanh nghiệp. Long còn tự chế ra các văn bản, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để lừa dối Doanh nghiệp.

Long tự chế ra cardvisit đề tên TS Nguyễn Trí Đức, Trợ lý Thủ tướng Chính phủ, Cục trưởng Cục Quản trị, Tài vụ và Ngân sách chính phủ, Trưởng ban dự án Chính phủ.

Bị cáo còn tự tạo ra các tài liệu, quyết định của Thủ tướng để lừa các cá nhân có nhu cầu vay vốn ngân hàng, xin việc làm, giải quyết khiếu nại đất đai nhằm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, đầu năm 2015, Long làm giả quyết định về việc giao kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ bổ sung giai đoạn 2015-2018, kèm theo danh sách dự án 23 tỉnh, thành và 2 bộ.

Phiên tòa xử ngày 9-10/5/2018

Còn bị cáo Nguyễn Thị Kim Cúc (hội viên CLB doanh nghiệp và CPB dân ca xứ Nghệ, Hội đồng hương TP Vinh và các vùng phụ cận tại Hà Nội) quen biết Long qua Nguyễn Kiến Quốc, người cùng tham gia câu lạc bộ trên.

Tháng 5/2015, ông Hồ Việt Lộc (ở Nghệ An), giám đốc một công ty xây dựng đến gặp Cúc tìm hiểu các dự án xây dựng. Bị cáo Cúc với vai trò là Phó Chủ nhiệm CLB doanh nghiệp, Hội đồng hương TP Vinh và các vùng phụ cận tại Hà Nội đã đưa ông Lộc ra Hà Nội gặp Long tìm kiếm việc làm cho doanh nghiệp.

Ông Lộc đã nộp 3 bộ hồ sơ năng lực công ty. Sau đó, Long đưa ra danh sách dự án của 23 tỉnh, thành mà anh ta làm giả trước đó để ông Lộc lựa chọn gói thầu phù hợp.

Sau cuộc gặp đó, Long tự chế ra quyết định chỉ định thầu cho công ty của ông Lộc thực hiện dự án cải tạo nâng cấp đường Yên Tĩnh - Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An). Chữ ký, hình dấu đều do Long sao chép từ quyết định lấy trên mạng Internet. Sau đó, Long hối thúc Cúc giục ông Lộc chuyển 100 triệu đồng để xin dự án. Số tiền này sau đó được chuyển cho Long.

Trong một diễn biến khác, ông Ngô Quang Việt – Giám đốc một công ty cấp thoát nước và môi trường ở Nghệ An cùng anh là ông Ngô Công Ký có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án Nhà máy nước Hoàng Mai. Hai ông này đến nhờ bà Cúc để xin được vay vốn. Bị cáo Cúc dẫn ông Việt và ông Ký ra Hà Nội gặp Trịnh Phi Long. Long hứa sẽ lo được việc vay vốn vào cuối tháng 9/2015.

Trong thời gian chờ vay vốn, ông Việt và ông Ký được gợi ý tham gia dự án thực hiện gói thầu nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long và dự án nạo vét, xây bờ kè, bảo tồn sông Đào Khê ở Ninh Bình. Long tự chế các quyết định của Thủ tướng về việc chỉ định thầu công ty thực hiện dự án nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long và dự án nạo vét, xây bờ kè, bảo tồn sông Đào Khê ở Ninh Bình.

Long yêu cầu ông Việt và ông Ký chuyển 800 triệu đồng để làm lệ phí cho Ban pháp chế Chính phủ. Ông Việt đã chuyển 500 triệu đồng cho Long.

Ngoài ra, Long còn yêu cầu đưa 10 ngàn USD để làm quà tặng cho vợ của lãnh đạo cao cấp.

Ngoài 2 vụ việc trên, Long còn giả mạo hồ sơ, giấy tờ để lừa đảo các doanh nghiệp, cá nhân khác ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM.

Về phía bị cáo Cúc, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ngày 24/8/2016, bị cáo Cúc nói với ông Việt và ông Ký đưa 10 ngàn USD để Cúc đưa Long làm quà tặng cho vợ lãnh đạo cao cấp trên. Cáo trạng cho rằng, bị cáo Cúc đã chiếm đoạt số tiền trên và phạm tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi tòa tuyên án, bà Cúc ngã quỵ

Tại phiên tòa ngày 9/5/2018, tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Kim Cúc là luật sư Nguyễn Đà, Công ty luật TNHH thực hành luật Nguyễn Chiến, bào chữa cho bị cáo Trịnh Phi Long là LS Trần Đình Triển.

Bị cáo Trịnh Phi Long đề nghị xem xét lại tội danh dù Long thừa nhận đã làm cardvisit giả mạo, tự chế các quyết định của Thủ tướng và có tiếp xúc nhiều lần với ông Ký, ông Lộc, vợ chồng bà Cúc. Long phủ nhận không nhận số tiền 10 ngàn USD do ông Việt và ông Ký gửi qua bà Cúc.

Còn bị cáo Cúc khẳng định tại tòa: “Ngày 19/7/2015, Trịnh Phi Long nhờ tôi nhận hộ số tiền 10 ngàn USD của ông Ngô Quang Việt, rồi cầm ra Hà Nội đưa cho Long.

Sau đó, hai ông Việt và Ký đến nhà tôi nhờ chuyển hộ số tiền trên. Khi cầm hộ tiền, tôi có viết giấy biên nhận chuyển hộ . Số tiền đã được tôi đưa cho Long. Long đưa lại cho tôi 5 ngàn USD nhờ tôi giữ hộ để cùng hùn vốn vào dự án nhà máy nước Hoàng Mai. Long nói vợ chồng tôi về gom thêm 20 ngàn USD để cùng góp vốn với Long tham gia cổ phần tại nhà máy nước.

Như vậy, tôi đã bị Long lừa, nếu cơ quan điều tra không kịp thời phát hiện thì vợ chồng tôi còn bị lừa thêm 20 ngàn USD góp vốn này. Tôi kêu oan vì tôi không lừa đảo. Những bằng chứng tin nhắn, ghi âm cho thấy tôi là nạn nhân. Tôi mong xét xử công minh. Tôi vô tội.”.

Luật sư Nguyễn Đà tranh luận: “Trong bản trích dịch nội dung ghi âm mẫu cần giám định từ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho thấy cuộc nói chuyện giữa bị cáo Trịnh Phi Long và ông Ký thể hiện rõ Long đã nhận đủ 10 ngàn USD do ông Ký và ông Việt nhờ bà Cúc chuyển. Trong đó, ông Ký nói: “Tôi cũng đưa cho chị Cúc 10 ngàn USD, chị Cúc có báo cáo anh không?” Long trả lời: “Cái tiền anh đưa, chị Cúc báo cáo rồi. Chị Cúc đưa cho các anh, em rồi”. Như vậy có thể thấy, bà Cúc hoàn toàn không chiếm đoạt số tiền này.

Vì tin tưởng và ý thức chủ quan, bị cáo Cúc đã nhận tài liệu giả từ Long mà không biết. Chỉ khi bị bắt, bị cáo Cúc mới biết bị cáo Long thật sự là ai. Bị cáo Cúc cũng là nạn nhân. Bị cáo Long còn nói với bị cáo Cúc: Chuẩn bị 20 ngàn USD cộng với 5 ngàn USD em đưa chị để nộp vào làm cổ phần cho nhà máy nước Hoàng Mai. Bị cáo chỉ là nạn nhân của Phi Long như các nạn nhân khác. Bị cáo Cúc không có mục đích vụ lợi. Động cơ tìm kiếm công việc cho doanh nghiệp không bị luật cấm. Tôi đề nghị HĐXX tuyên thân chủ tôi vô tội”.

Sau 1 ngày xét xử, HĐXX đã tuyên án bị cáo Trịnh Phi Long 14 năm tù là phù hợp tính chất gây án. Kháng cáo kêu oan của Long không được HĐXX chấp thuận.

Đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim Cúc có vai trò giúp sức vì quá tin tưởng vào Long nhưng xét thấy có thời gian phục vụ cho cơ quan nhà nước nhiều năm, được tặng giấy khen, thành khẩn khai nhận, nhân thân tốt. Đây là các căn cứ xem xét để giảm hình phạt. Từ đó, HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thị Kim Cúc 3 năm tù nhưng được hưởng án treo.

Tác giả: NGUYỄN TÂM

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP