Kinh tế

Vòng xoáy đen đủi, nhà Cường đôla liên tục dính 'án' dừng, cấm, thu hồi

Doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la) tiếp tục rơi vào vòng xoáy đen đủi: bị cấm chuyển nhượng, cấm xây dựng dự án tại Đà Nẵng sau khi dính những dự án treo 10 năm hay buộc phải trả lại tại TP.HCM.

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) của gia đình nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la) vừa chịu án tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản tại Tổ hợp Khu dân cư Thương mại - Dịch vụ đường 2/9, quận Hải Châu (gọi tắt là dự án đường 2/9).

Lý do là QCG chưa đầu tư hệ thống cung cấp điện cho dự án dù được phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và thẩm định thiết kế bản vẽ thi công. Các cá nhân mua đất tại khu vực dự án không có điện để sinh hoạt, kinh doanh.

Theo các cơ quan chức năng, QCG bị tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản tại dự án này cho đến khi công ty đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo Luật Kinh doanh bất động sản.

Đây là dự án QCG mua từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) hồi năm 2016.

QCG cho biết, với dự án này, công ty đã hoàn tất hạ tầng hơn một năm nay nhưng vướng thủ tục nên chưa thể hoàn tất phần cung cấp điện.

Kể từ khi lên sàn 8 năm qua, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) liên tục gặp những tai tiếng liên quan tới hàng loạt các dự án, cũng như những kết quả trong hoạt động kinh doanh và việc công bố thông tin.

Gần nhất, Quốc Cường Gia Lai (QCG) của gia đình nhà ông Nguyễn Quốc Cường(Cường đô-la) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018 với lợi nhuận sụt giảm 98% trong khi doanh thu giảm hơn 70% so với cùng kỳ.

Doanh thu từ bất động sản (BĐS) - mảng kinh doanh cốt lõi của Quốc Cường Gia Lai chỉ đạt chưa tới 2,5 tỷ đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ năm trước do công ty chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Tính tới cuối quý 2, tổng tài sản QCG đạt hơn 12 ngàn tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm hơn phân nửa: hơn 7,1 ngàn tỷ đồng, chủ yếu nằm ở dự án Khu dân cư Phước Kiểng (gần 4,8 ngàn tỷ đồng).

Đây là một dự án khiến doanh nghiệp nhà Cường Đôla bế tắc trong cả thập kỷ qua do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và chưa thể triển khai. Có nhiều thời điểm, các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ nhưng dự án 92ha do QCG làm chủ đầu tư mới giải phòng đền bù được hơn 90%.

Gần đây, Quốc Cường Gia Lai cũng dính vào vụ lùm xùm với 1 dự án Phước Kiển khác. Dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) đã bị kỷ luật sau vụ bán đất rẻ cho QCG. Tân Thuận đã bán chỉ định hơn 30ha đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) với giá 1,29 triệu đồng/m2.

Vụ bán đất vàng giá bèo đã không trôi, QCGL của nhà ông Nguyễn Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ ông Cường) nắm giữ vị trị Chủ tịch HĐQT rơi vào vòng xoáy nóng, cổ phiếu bị bán tháo trên TTCK trong một thời gian dài.

QCG được biết đến là một cổ phiếu có biến động giá rất cao.

Hồi cuối 2016, thông tin QCG nhận tiền tạm ứng 50 triệu USD từ Sunny và dự định bán dự án cho đối tác này đã giúp cổ phiếu QCG tăng vọt từ khoảng 7 lần từ dưới 5.000 đồng/cp hồi cuối 2016 lên gần 30.000 đồng/cp giữa năm 2017. Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó tụt giảm mạnh xuống dưới 8.000 đồng/cp hồi giữa tháng 7, trước khi tăng trở lại lên gần 10.000 đồng/cp như hiện nay.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các phiếu dầu khí bị chốt lời mạnh sau khi giá dầu đêm liên trước bất ngờ giảm mạnh, có thời điểm dưới 66 USD/ thùng. Cú áp thuế bổ sung 25% của Trung Quốc đối với 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đã khiến giới đầu tư lo ngại.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chịu áp lực giảm sau một chuỗi ngày tăng giá trước đó. Một số cổ phiếu trụ cột tăng giá không giúp thị trường cân bằng.

Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng nhưng giá trị bán đã giảm đáng kể. Các cổ phiếu bị bán mạnh nhất vẫn là Vinamilk (VNM) và Vingroup (VIC).

Một số công ty chứng khoán (CTCK) dự báo thị trường trở lại tình trạng lình xình, đi ngang.

Theo VPBS, sự chững lại ở cả hai nhóm ngân hàng và dầu khí khiến thị trường thiếu vắng vai trò dẫn dắt khiến mặt bằng cổ phiếu tiếp tục phân hóa. Bên cạnh đó diễn biến giảm mạnh ở VIC đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số khiến tâm lý nhà đầu tư có phần bị chi phối. Với áp lực bán chốt lời có dấu hiệu gia tăng trong phiên chiều, sự chững lại tạm thời của các yếu tố dẫn dắt, ảnh hưởng lớn của các mã vốn hóa lớn và khoảng trống thông tin phía trước, VPBS cho rằng những nhịp rung lắc có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong phiên tới.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường có phiên điều chỉnh nhẹ nhưng thanh khoản ở mức cao cho thấy đây chỉ là một phiên điều chỉnh mang tính kỹ thuật. Trong các phiên tới, thị trường có thể có diễn biến lình xình đi ngang với xu hướng tăng điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 9/8, VN-index giảm 2,77 điểm xuống 963,5 điểm; HNX-Index tăng 0,13 điểm lên 107,8 điểm. Upcom-Index tăng 0,18 điểm lên 51,47 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu cổ phần. Giá trị đạt 5,1 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP