Trong tỉnh

Về nơi còn lưu giữ tục nhuộm răng đen

Là một trong những bản đầu tiên của cả nước được đón nhận danh hiệu văn hóa, đến nay bản Bộng vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp cổ truyền, trong đó có tục nhuộm răng đen.

Bà con dân tộc Thái ở bản Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn) vẫn còn lưu giữ được những ngôi nhà sàn cổ. Ảnh: Công Khang

Từ ngã ba Cây Chanh – nơi dòng sông Con hòa vào sông Cả (sông Lam), men theo con đường gập ghềnh tiến vào thung lũng Thành Sơn (Anh Sơn). Từ trung tâm xã qua chiếc cầu treo bắc qua sông Con, phía bên kia là bản Bộng. Con đường dẫn về bản thấp thoáng bóng cây cọ và những ngôi nhà sàn cổ kính. Trước mái hiên, những cụ già ngồi nhai trầu bỏm bẻm, lưng địu cháu nhỏ, tay thoăn thoắt với xe chỉ và con thoi.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Ngân Văn Thiện (hơn 80 tuổi), một trong những người cao tuổi còn minh mẫn và được nghe ông kể về làng bản mình. Ông bà nội của ông từng kể, bản Bộng được hình thành cách đây cả trăm năm. Thưở ấy, cuộc sống còn đói khổ, mất mùa liên tục, lại bị quan quân bắt ép sưu cao, thuế nặng, người Thái khắp nơi trong vùng tìm đường di cư mong tìm được nơi đất đai màu mỡ để làm ăn, sinh sống.

Một bộ phận trong cộng đồng người Thái từ mạn Phủ Qùy xuôi theo dòng sông Con về phía hạ nguồn và từ Phủ Tương xuôi theo sông Lam, rẽ vào ngã ba Cây Chanh cùng tìm nơi khai bản, lập làng. Họ đã chọn dải đất cao phía tả ngạn để dựng nhà cửa và tìm kế sinh nhai. Từ đó đến nay, các dòng họ luôn đoàn kết và gắn bó, cùng nhau chống chọi với thú dữ, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vượt qua những thăng trầm để xây dựng bản làng bình yên, no đủ.

Đặc biệt, năm 1998, bản Bộng được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận danh hiệu Làng Văn hóa, là một trong những đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh và cả nước được công nhận danh hiệu này. Trải qua gần 20 năm, bà con người Thái nơi đây luôn tự hào về làng bản của mình và luôn có ý thức giữ gìn những danh hiệu đã đạt được.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái vẫn còn được lưu giữ ở bản Bộng. Ảnh: Công Khang

Mấy năm trước, do áp lực gia tăng dân số, bản Bộng được xã chia thành 2 xóm (xóm 6 và xóm 8) để thuận lợi hơn trong công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng số hộ của cả 2 xóm hiện tại là trên 200, trên thực tế chỉ chia tách về mặt hành chính, còn đời sống văn hóa và các mối quan hệ vẫn được duy trì.

Ghé thăm nhà bà Lô Thị Thường (64 tuổi) – nơi của tổ dệt thổ cẩm của bản đang mải miết bên khung cửi. Tổ dệt của bản có 10 người, hầu hết ở độ tuổi trên 60, là những người có tay nghề cao, say mê với nghề dệt truyền thống và khao khát được truyền nghề cho con cháu.

Nhịp thời gian đã về cuối năm, công việc nhà nông đã bớt bận rộn cũng là lúc mùa cưới hỏi, lễ tết bắt đầu nên các mặt hàng thổ cẩm truyền thống bắt đầu “chạy”. Những dịp ấy, chị em phụ nữ không thể thiếu những bộ váy áo mới, khăn piêu và túi mang để “ ăn diễn” và “khoe” với các bạn xa gần. Chưa kể, theo phong tục, cô dâu người Thái về nhà chồng phải có đủ các loại trang phục truyền thống và chăn, nệm làm của hồi môn.

Sản phẩm dệt thổ cẩm của bà con bản Bộng vẫn còn giữ được những nét hoa văn cổ truyền, mang đậm bản sắc. Ảnh: Công Khang

Vì thế, nhu cầu đang tăng cao, các bà, các chị làm không hết việc. Bà Thường cho hay: “Nghề dệt phù hợp với tuổi già, vừa giữ gìn được một nét văn hóa truyền thống, vừa có thu nhập phục vụ chi tiêu hàng ngày nên ai cũng vui và phấn khởi”.

Từ nhà bà Thường, chúng tôi sang nhà bà Lô Thị Hương (gần 80 tuổi) – dân bản thường gọi trìu mến là mế Hương, người được biết đến với tài hát khắp – một làn điệu dân ca đặc sắc của dân tộc Thái. Trong ngôi nhà sàn, giữa không gian làng bản cổ kính, giọng hát vang lên mộc mạc và sâu lắng nhưng không kém phần nhuần nhị và mượt mà, biểu lộ tâm hồn thiết tha yêu đời của người phụ nữ Thái.

Về bản Bộng, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng bộ chiêng cổ của gia đình bà Lương Thị Thơi đang lưu giữ, tương truyền được truyền lại từ thuở khai bản, lập làng. Biết tin, những tay chơi đồ cổ ở các vùng tìm đến trả bộ chiêng với giá cao nhưng bà nhất quyết không bán. Bởi bà nghĩ rằng tiền bao nhiêu rồi cũng tiêu hết, chiêng đã bán đi rồi sẽ không bao giờ tìm lại được, sẽ có lỗi với tổ tiên và con cháu đời sau.

Hầu hết những phụ nữ cao tuổi ở bản Bộng đều có hàm răng đen nhánh. Tục ăn trầu và nhuộm răng đen đến nay vẫn được lưu giữ. Thông thường, phụ nữ khi bước vào tuổi trung niên đều nhuộm để có hàm răng đen, đẹp, chắc và ít khi bị sâu. Ảnh: Công Khang

Có một điều đặc biệt, hầu hết những phụ nữ cao tuổi ở bản Bộng mà chúng tôi được gặp đều có hàm răng đen nhánh. Người già nơi đây bảo rằng tục ăn trầu và nhuộm răng đen có từ rất lâu đời, đến nay vẫn còn được lưu giữ. Thông thường, phụ nữ khi bước vào tuổi trung niên đều nhuộm để có hàm răng đen, đẹp, chắc và ít khi bị sâu.

Rời bản bản Thái nơi hạ nguồn sông Con, chúng tôi vẫn còn lưu giữ trong tâm tưởng không gian cổ kính với những mái nhà sàn rêu phong, đường nét hoa văn và sắc màu thổ cẩm, tiếng thoi đưa lách cách, tiếng khắp mượt mà, tha thiết của mế Hương và cả những hàm răng đen nhánh của các bà mế ở bản Bộng.

Tác giả: Công Khang

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP