Trái đắng có nhiều tên gọi khác nhau, như: Khổ sâm nam, sầu đâu cứt chuột, khổ luyện tử, nha đam tử...Còn tên khoa học của nó là Brucea javanica, thuộc họ thanh thất.
Thời điểm này là lúc bước vào cao điểm thu hái trái đắng rừng của người đồng bào thiểu số ở Quảng Ngãi. Theo đó cứ vào sáng sớm, nhiều người dân ở các bản làng lại đội nón mang gùi đi men theo bìa rừng, chân núi trong vùng để tìm hái.
Cận cảnh trái đắng
Không phải tốn nhiều công sức để lặn lội vào tận rừng sâu, núi thẳm để tìm, hái như các loại quả, trái khác; việc thu hoạch trái đắng của người dân miền núi Quảng Ngãi thường là ở bìa rừng, chân núi, ven bờ nương rẫy trong vùng.
Cây trái đắng
Qua quan sát, thân cây của trái đắng mềm và có lông, với chiều cao từ 2-4m. Lá hình mũi, đầu nhọn; hai mặt lá có lông mịn, hoa nhỏ trắng mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu cành. Trái có hình bầu dục, khi tươi vỏ có màu xanh, còn hạt màu đen có kích cỡ bằng hạt tiêu, vị rất đắng.
Theo nhiều tài liệu y học thì đây là loại dược liệu quý, chữa các bệnh đường ruột như tiêu chảy, kiết lỵ, viêm loét dạ dày- tá tràng, đau bụng, tiêu hoá kém… Ngoài ra nó cũng có tác dụng chữa sốt rét.
Trái đắng được các đại lý thu mua đem phơi
Vì vậy không chỉ cả thị trường nội địa, mà Trung Quốc cũng rất chuộng hạt cây này nên mua giá cao. Nhiều tư thương thu mua trái này cho biết: "Mấy năm trước giá chỉ 5.000-10.000 đồng/kg tươi. Nhưng gần đây giá có lúc lên đến 40.000 đồng/kg tươi. Và số lượng bao nhiêu cũng được thu mua hết".
Vụ thu hoạch chính của trái đắng hàng năm thường tùy theo khu vực, nhưng thường kéo dài từ tháng 5-10.
Sau khi khô, trái đắng có giá bán trên 100.000 đồng/kg
Nói về thu nhập từ thu hái loại trái này, nhiều người dân ở các xã Sơn Kỳ, Sơn Ba, huyện Sơn Hà; Ba Tiêu, Ba Vì, huyện Ba Tơ... cho biết: "Nếu chịu khó làm siêng đi xa thì cũng được 5-7 kg/ngày/người. Không ít trường hợp gặp chỗ mọc nhiều và cây sai quả thì hái được cả chục kg/ngày/người".
Với giá mua hiện từ 30.000-45.000 đồng/kg, việc đi hái trái đắng đã mang lại nguồn thu cho người dân từ 200.000-400.000 đồng/ngày/người - một khoản khá cao so với tiền công đi làm thuê.
Tác giả bài viết: Công Xuân
Nguồn tin: