Chúng tôi về vựa vải Lục Ngạn một ngày giữa tháng 6 nắng chói chang. Là gia đình đã có kinh nghiệm trồng vải gần 20 năm qua với khoảng 300 gốc, chị Leo Thị Xuân, thôn Nhập Thành, xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn xót xa: “Năm nay nhà chị mất mùa vải rồi em ơi!”.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn vải với những quả vải chính vụ còn đang xanh, chị Xuân chia sẻ thêm: “Cây vải ra hoa vào mùa đông nhưng năm nay nhiệt độ trung bình mùa đông khá cao khiến hoa bị teo. Em cứ nhìn cây vải thì thấy. Vải chín sớm mới thu hoạch được vài tạ, vải chính vụ thì hầu như không có. Ước chừng năm nay thu hoạch cả vườn chỉ được khoảng 15% so với năm ngoái”.
Với kinh nghiệm nhiều năm trồng vải, để giúp cây vải ra hoa giữa thời tiết nắng ấm ấy, chị Xuân đã phải sử dụng thuốc ủ hoa nhưng cũng không hiệu quả. Đặc biệt, qua quan sát cũng dễ nhận thấy, vải chính vụ trong vườn nhà chị Xuân còn đang gặp phải tình trạng nứt vỏ dẫn đến thối quả là do mấy ngày vừa qua nắng nóng đỉnh điểm, lên đến 60 độ C, rồi lại chuyển sang mưa rào liên tục nên quả vải không thể thích nghi với những biến đổi thời tiết.
“Nếu năm nay, mùa đông lại ấm thì gia đình cũng phải tính đến việc thay đổi cơ cấu cây trồng từ cây vải sang các loại cây có múi như cam, bưởi... Chứ mình không có kinh phí để làm lồng kính lạnh cho vải ra hoa”, chị Xuân cho hay.
Như vậy, với công chăm sóc bỏ ra một năm qua, cộng với tiền thuê nhân công 3-4 người làm vườn, tiền phân bón… thì vụ vải năm 2017, nhiều hộ trồng vải tại Lục Ngạn chỉ mong được hoà vốn.
Cũng giống như gia đình chị Leo Thị Xuân, chị Ninh Thị Kiện, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn đang lo âu về một vụ vải năng suất thấp. Với hơn 100 gốc vải, chủ yếu là vải chính vụ, ước chừng sản lượng thu hoạch vụ vải năm nay của gia đình chị Kiện chỉ đạt từ 4 - 5 tạ. Con số này là quá khiêm tốn so với 4-5 tấn vải mà gia đình chị thu hoạch nhiều năm trước đó.
“Do vải ra quả ít, bà con phun thuốc chống sâu cuống cũng không hiệu quả vì không thể phun đại trà, phun nhỏ lẻ từng cây thì không thể triệt hết được nên năng suất lại càng thấp hơn”, chị Kiện bộc bạch.
Giải pháp nào để phát triển cây vải bền vững?
Huyện Lục Ngạn hiện có khoảng 16.293ha trồng vải, rải đều tại 29 xã và 1 thị trấn, bao gồm 2 loại vải là vải chín sớm - vải hiện nay đang thu hoạch và vải chính vụ - loại vải thiều hạt nhỏ sẽ cho thu hoạch trong khoảng 20 ngày tới đây.
Lý giải về tình hình thời tiết dẫn đến mất mùa vụ vải năm nay, ông Lâm Văn Lăng, cán bộ Phòng Nông nghiệp, UBND huyện Lục Ngạn cho biết, thời điểm đầu năm 2017, khi cây vải bắt đầu phân hóa mầm hoa thì nhiệt độ lại tương đối cao. Trong khi đó, cây vải cần thời tiết lạnh mới có thể phân hóa được mầm hoa. So với mùa đông những năm trước thì mùa đông năm nay khá ấm. Vì sự thay đổi thời tiết rõ rệt này nên cây vải rất khó ra hoa.
Trước tình hình thời tiết bất lợi cho cây vải như vậy, nhiều hộ gia đình đã chủ động phun thuốc kích thích để cây vải phân hóa mầm hoa nhưng cũng không hiệu quả. Do đó, sản lượng vải thiều trên địa bàn toàn huyện đạt thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ước tính sản lượng chỉ đạt 55-60 ngàn tấn (giảm 25-30 ngàn tấn so với năm 2016). Trong đó, vải chín sớm đạt khoảng 15 ngàn tấn, vải chính vụ chỉ đạt từ 40-45 ngàn tấn.
Thời gian thu hoạch vải năm nay cũng dự kiến kéo dài hơn so với mọi năm. Về giá bán vải thiều từ đầu vụ đến nay, cơ bản giá vải chính vụ dao động từ 30-50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 6-2017, giá vải U hồng cũng có dấu hiệu giảm giá, có thời điểm là khoảng 18.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nắng nóng dẫn đến vải bị cháy vỏ.
Tổng sản lượng vải tiêu thụ từ ngày 20-5 đến ngày 6-6 đạt khoảng hơn 5.000 tấn. Giá vải thiều trung bình đạt khoảng 35.000 đồng/kg, cao hơn trung bình năm 2016 khoảng 13.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ từ đầu vụ đến nay tập trung chủ yếu ở trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Như vậy, với những diễn biến bất thường của tình hình thời tiết, vụ thu hoạch vải 2017 của người dân vựa vải Lục Ngạn, Bắc Giang gặp nhiều khó khăn, sản lượng thu hoạch thấp. Tình trạng này đang đặt ra vấn đề cho các cơ quan quản lý nông nghiệp là phải có biện pháp khoa học để phát triển, thu hoạch một cách bền vững từ cây vải. Có như thế mới bảo tồn được giống vải thiều Lục Ngạn quý từ bao năm nay.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hương - Phạm Huyền
Nguồn tin: