Ngày 10/7, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn cho biết, vào 21h ngày 9/7, Bệnh viện tiếp nhận cấp cứu 8 người trong cùng một gia đình ở thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng trào ngược, hôn mê.
Theo thông tin vào tối 9/7, gia đình bà N.T.H (SN 1967), trú tại thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng (TP Bắc Kạn) tổ chức bữa cơm cho con cháu từ tỉnh Hà Giang về chơi. Sau bữa cơm, hàng xóm phát hiện 8 người tham gia bữa cơm gồm: Vợ chồng bà H, 4 người là các con gái, con rể và 2 vị khách trong thôn có dấu hiệu bị ngộ độc nặng, mất ý thức nên đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn.
Các bệnh nhân ngộ độc nặng đang được cấp cứu. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Theo thông tin xác minh sơ bộ ban đầu cho thấy, trong bữa cơm của gia đình có món canh lòng cá trắm nấu rau rừng. Trong bữa cơm, gia đình còn dùng mật cá trắm đen hòa với rượu ngâm cây mật gấu uống. Nguyên nhân gây ngộ độc nghi là uống mật cá trắm.
Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn đã khẩn trương tiến hành các biện pháp cấp cứu. Đến rạng sáng 10/7, có 5 người đã hồi phục, có 3 người vẫn đang hôn mê, phải thở máy.
Theo ông Trần Văn Tuyến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn, bệnh viện đang tiến hành các biện pháp cấp cứu cho 3 trường hợp nặng, phải thở máy.
Thời gian vừa qua nhiều người sử dụng mật cá trắm pha rượu để uống, hoặc nuốt mật cá trắm chữa bệnh. Trong những năm gần đây, nước ta vẫn ghi nhận các trường hợp ngộ độc và tử vong do sử dụng mật cá trắm.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố chính trong mật cá trắm gây tổn thương chủ yếu là viêm gan, thận. Nguyên nhân tử vong do phù phổi cấp, phù não do vô niệu, ứ nước... Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá trắm có tác dụng chữa bệnh, mà trên thực tế có nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến ngộ độc và tử vong.
Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.
Tác giả: Tr.Hằng
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân