Xã hội

Từ vụ chồng chém vợ ở Phú Thọ: Khi người chồng là “vua” trong nhà

Có một hiện tượng thường xảy ra trong các trường hợp bạo lực gia đình đó là, người vợ rất muốn ly hôn nhưng không dám vì “nếu ly hôn sẽ bị chồng giết”. Thế nhưng, trong vụ chồng chém vợ vừa xảy ra ở Phú Thọ đã cho thấy, ngay cả việc các bà vợ “cắn răng chịu đựng” sống chung thì bạo lực vẫn tiếp diễn và họ cũng không tránh được nguy cơ bị giết hại.

Chị Lê Thị T được đưa đến bệnh viện sau khi bị chồng chém suýt chết. Ảnh: T.L

Chém vợ vì không muốn cho đi thăm người ốm

Có một chi tiết đáng lưu ý trong vụ chồng chém vợ vừa xảy ra ở Phú Thọ đó là, do bị chồng đánh nhiều lần nên người vợ này rất muốn ly hôn chồng. Tuy nhiên, chị vợ này vẫn cắn răng chịu đựng sống vì một lý do khá phổ biến trong các vụ bạo lực gia đình đó là sợ chồng giết nếu… ly hôn.

Theo thông tin từ các báo thì sự việc xảy ra vào tối 9/5, chị Lê Thị T (trú tại phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, Phú Thọ) xảy ra mâu thuẫn với chồng là Đỗ Văn Đông (SN 1982). Đến khoảng 21h cùng ngày, Đông dùng dao chém chị T nhiều nhát khiến chị này gục ngay tại chỗ. Hiện chị T được các bác sĩ phẫu thuật và điều trị, đã qua cơn nguy kịch.

Còn chồng chị T đã bị cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra. Một số báo có đăng thông tin nguyên nhân xảy ra vụ án đau lòng trên, anh Nguyễn Văn Hiển, anh rể chị T kể: “Vào tối 9/5, T có xin phép chồng là đi thăm một người thông gia mới ở viện về. Đông không cho vợ đi nên hai vợ chồng xảy ra chuyện cãi vã. Và Đông đã chém T. Cách đây gần 10 năm Đỗ Văn Đông kết hôn với T. Do gia đình không có con trai nên Đông về nhà mẹ vợ ở rể, hai vợ chồng có với nhau một người con đang học lớp 3. Trong gần 10 năm chung sống, Đông đã nhiều lần đánh, chửi vợ vô cớ nhưng T luôn phải cắn răng chịu đựng. Mấy năm gần đây, T đi xuất khẩu lao động ở Ukraina và mới về nước được một thời gian. Quá trình vợ đi làm, Đông liên tục gọi về và nhiều lần buông lời đe dọa. Đông là người có tính nóng nảy, máu lạnh khi cách đây mấy năm chỉ vì cãi nhau với vợ trong đêm, người này đã cầm dao tự chặt đứt một ngón tay. Chị em trong nhà nhiều lần khuyên bảo T ly hôn cho đỡ khổ nhưng không dám vì Đông liên tục dọa nếu ly hôn sẽ giết chết”.

O ép vợ sống theo ý mình – nguồn cơn của bạo lực

Nhận định về bản chất mối quan hệ vợ chồng của Đông, chị T, Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài 1088 cho rằng, theo những thông tin mà báo chí đã “trần thuật” lại thì mối quan hệ vợ chồng đó đã ẩn chứa mối nguy bạo lực. Chưa nói đến chuyện đánh chửi thì nhiều chi tiết trong cách vợ chồng họ cư xử với nhau cho thấy người chồng thường o ép vợ sống theo ý anh ta. Như việc người chồng vì không muốn vợ đi xuất khẩu lao động mà “nhiều lần buông lời đe dọa” nếu chị vợ không chịu về nước”. Hay như chi tiết người vợ “xin phép” chồng đi thăm người ốm thì người chồng không đồng ý, sau đó nói “Cô muốn đi chơi tôi cho nghỉ làm tha hồ mà đi chơi”…

Theo chuyên gia Nguyễn Diệu Hoa thì cách cư xử của người chồng trong vụ việc trên là cách ứng xử thường xảy ra ở những người chồng gia trưởng. Họ tự cho mình cái quyền là “vua” trong nhà, vợ con nhất nhất phải làm theo ý của họ. Những người chồng kiểu này thường coi vợ là “vật sở hữu” đến mức quên mất điều tối thiểu rằng vợ mình cũng là con người, rằng vợ mình có quyền được sống theo cách mà họ muốn.

Nguyên tắc quan trọng, cũng là chìa khóa để đảm bảo một cuộc hôn nhân hạnh phúc đó là vợ chồng phải tôn trọng nhau, phải “tương kính nhau như tân”. Quan hệ vợ chồng là mối quan hệ bình đẳng có đi có lại, không chỉ vợ “kính” chồng mà ngược lại người chồng cũng cần phải “kính” vợ, gọi là “tương kính”. Thế nhưng nhìn vào vụ việc trên, thì nguyên tắc ứng xử vợ chồng đó bị phá vỡ, bị vi phạm nghiêm trọng. Người chồng tự cho mình là “bề trên” và vì thế anh ta buộc vợ phải phục tùng. Điều đó thể hiện ở chi tiết người vợ “xin phép chồng đi thăm người ốm” nhưng người chồng không đồng ý. Mặc dù việc người vợ muốn đi thăm người ốm là việc làm ân nghĩa nhưng người chồng lại nói: “Cô muốn đi chơi thì tôi cho nghỉ làm tha hồ mà đi chơi”.

Cách nói lái mỉa mai, cố tình chụp mũ ý đồ không tốt cho người vợ càng đẩy câu chuyện trao đổi giữa hai vợ chồng đi vào “ngõ cụt”. Có thể vì biết rằng, không thể tiếp tục nói chuyện được với chồng nên người vợ này đã đi vào giường nằm. Nhưng ngay cả việc người vợ bỏ vào giường nằm cũng khiến người chồng này trở nên điên cuồng hơn. Anh ta đã vác dao vào chém tới tấp lên người vợ mặc cho mẹ vợ của anh ta ở đó ra sức căn ngan và kêu cứu. Một kết cục tưởng như là “không ngờ” nhưng xét về bản chất thì chúng diễn tiến đúng theo quy luật tâm lý.

Bản thân việc áp đặt của người chồng đã tạo nên áp lực tâm lý nặng nề đối với các bà vợ. Cùng với thói quen vũ phu bạo lực thì những người chồng gia trưởng đó rất dễ có những hành vi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, thậm chí là sử dụng đến hung khí để “đàn áp” các bà vợ của mình.

“Một điểm hết sức đáng lưu ý đối với chị em trong vụ việc chồng chém vợ ở trên là: Người vợ rất muốn ly hôn nhưng lại không dám vì người chồng này dọa “sẽ giết nếu ly hôn”. Mặc dù chấp nhận sống trong “ngục tù hôn nhân” vì nỗi sợ hãi… bị giết nhưng cuối cùng, ngay kể cả khi không ly hôn, ngay kể cả khi vợ chồng vẫn ăn cùng mâm, ngủ cùng giường thì người vợ cũng không tránh được cảnh bị chồng chém giết!?”, chuyên gia Nguyễn Diệu Hoa nói.

Tác giả: Ngân Khánh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP