Pháp luật

Tử tù Nguyễn Hải Dương: Xin để vụ thảm sát Bình Phước khép lại, chừa khoảng lặng cho người vô tội tiếp tục sống

Tử tù Nguyễn Hải Dương đã chấp án tử hình nhưng đó lại cũng chính là việc y cầu mong xảy đến để thoát khỏi nỗi dày vò của tòa án lương tâm. Phía sau người tử tù, chỉ còn lại nỗi đau xé lòng mà gia đình 2 bên - phạm nhân và bị hại - phải cùng nhau gánh chịu.

Thảm án Chơn Thành: Hãy để người ở lại được bình yên…

Nhiều ngày tháng sau vụ thảm sát, gia đình nạn nhân chỉ mong muốn vụ án được khép lại, kẻ ác phải trả giá. Họ cũng không muốn cháu gái hơn hai tuổi, người duy nhất sống sót trong vụ án, khi lớn lên phải đối mặt với những luồng dư luận, thông tin trái chiều.

Kể từ khi vụ án mạng kinh hoàng xảy ra với gia đình ông Lê Văn Mỹ (Chơn Thành, Bình Phước) đến nay, đã có không biết bao nhiêu luồng thông tin xoáy sâu thêm vào nỗi đau của gia đình người bị hại cũng như gia đình hung thủ.

Căn biệt thự ở Bình Phước - nơi xảy ra vụ thảm án.

Ông Nguyễn Dinh, bố vợ ông Lê Văn Mỹ chia sẻ: “Người ra đi thì đã ra đi, hung thủ cũng đã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, của chính toà án lương tâm. Chỉ có người thân ở lại thì đang phải gánh chịu nỗi đau chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Sự việc xảy ra đã xáo trộn toàn bộ cuộc sống của gia đình. Tôi không muốn báo chí đưa tin cũng như khai thác thêm bất cứ điều gì về vụ án, bởi tôi rất sợ sau này khi lớn lên, bé Na sẽ đọc được những đoạn kí ức buồn thảm…”.

Ông Dinh cho rằng, bé Na sinh ra để hưởng cuộc sống bình yên chứ không phải chịu nỗi đau như những gì người lớn phải chịu. Trong suy nghĩ non nớt của bé, không hề tồn tại những kí ức kinh hoàng vừa qua. Cô bé vẫn luôn nghĩ, thế giới này là gam màu tươi sáng và hiện tại, bé đang sống bình yên, khoẻ mạnh với người dì ruột ở Sài Gòn.

Bé Na - người duy nhất được sát thủ Nguyễn Hải Dương buông tha.

Sau 2 năm kể từ khi xảy ra thảm án, cuộc sống cũng như công việc của gia đình hiện tại đang dần đi vào ổn định. Tuy đã già nhưng thời gian qua, ông Dinh luôn đứng ra lo liệu việc hương khói cho người đã khuất.

“Hiện tại, vợ chồng tôi đã có tuổi, sức khoẻ cũng không được bảo đảm bởi những căn bệnh tuổi già. Quãng thời gian tôi còn sống không nhiều, ước mong lớn nhất của tôi cùng gia đình là vụ án sớm được khép lại, kẻ thủ ác phải trả giá với bản án thích đáng để chúng tôi được sống những năm tháng cuối đời bình yên, không phải gồng mình lên với dư luận, khiến cho những căn bệnh tuổi già hoành hành rồi trở thành gánh nặng cho con cái” - ông Dinh tâm sự.

Nước mắt đấng sinh thành

Hôm nay, Dương đã lĩnh án tử hình, trả giá cho tội ác ghê rợn của mình gây ra trong quá khứ. Thế nhưng cũng chính cái chết đã giúp y thoát khỏi ám ảnh lương tâm với những giấc mơ bị báo oán diễn ra từng đêm. Phía sau người tử tù, chỉ còn lại nỗi đau cắt ruột của các bậc làm cha, làm mẹ.

Ông Hải - cha của tử tù - từng khiến người ta xót xa khi xuất hiện trong phiên tòa phúc thẩm của con trai với dáng vẻ tiều tụy, manh áo mặc trên người đã bạc phếch, đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc. Nhắc đến chuyện con trai phải thi hành phán quyết của tòa án, gương mặt rúm ró của ông chắt lại những nỗi đau đến cùng cực.

Tử tù Nguyễn Hải Dương sẵn sàng chấp án.

Trước giờ phút con trai bị tiêm thuốc độc, người làm cha chỉ mong có cơ hội nấu cho Dương một bữa cơm rau đạm bạc. Thế nhưng, điều ước cuối cùng ấy đã mãi mãi không thể trở thành hiện thực. Tai tiếng về vụ án đã lan rộng khắp vùng Bình Phước. Để trốn tránh điều tiếng, gia đình ông đã phải khăn gói rời bỏ quê hương, vào TP HCM làm thuê kiếm sống. Vợ ông Hải rất ít ra khỏi nhà. Trong giấc mơ đêm đêm của cả hai vợ chồng, vẫn thường bị ám ảnh về chuyện người con trai duy nhất do mình dứt ruột sinh ra lại chính là kẻ cầm đầu nhóm sát nhân.

Ông Hải bảo, từ lâu vợ chồng ông đã chuẩn bị tâm lý để đối mặt với việc đứa con trai duy nhất của gia đình sẽ bị tử hình nhưng cũng không khỏi đau buồn khi ngày ấy thực sự xảy đến. Mẹ của phạm nhân khóc nấc lên khi nghe tin này và ông Hải đã từng lo sợ, cái chết của Dương có thể khiến bà suy sụp.

3 kẻ tội đồ Vũ Văn Tiến, Nguyễn Hải Dương và Trần Đình Thoại (từ trái qua phải).

Người ta thường nhắc nhiều đến người mẹ, nhất là trong các câu chuyện liên quan đến đứa con tử tù, bởi cảm xúc của những người đàn bà thường khó giấu giếm. Tôi cũng đã ngồi cùng bà Vũ Thị Thi, mẹ Vũ Văn Tiến trong căn phòng nhỏ xíu giữa buổi chiều mùa đông khi bà xem được thông tin con mình cũng phải nhận án tử hình. Giọt nước mắt lúc đó đã hòa cùng nước mưa mùa đông lạnh buốt, tiếng khóc thương não nề của người mẹ già nghèo khó nghe sao thật chua xót, tội nghiệp!

2 năm qua, ngày nào cũng vậy, bà tụng kinh niệm Phật để cầu mong những người đã chết được siêu thoát, cầu mong cho đứa con trai của mình mạnh mẽ trong trại giam và khắc khoải chờ tin từ cơ quan chức năng về lá đơn xin ân xá gửi đến Chủ tịch nước của mình.

Tử tù Vũ Văn Tiến.

Đối với bà, việc Tiến có thể thoát khỏi án tử là một phép màu kỳ diệu. Chỉ cần Tiến vẫn còn sống, bà sẽ mạnh mẽ hơn để đối mặt với quãng đường phía trước. Làm mẹ, bà chỉ biết hy vọng những điều tốt nhất cho con trai mình.

Dư luận vẫn chưa hết căm phẫn nên có người sẽ khó cảm thông cho nguyện vọng của bà Thi. Thế nhưng, phải chứng kiến cảnh những người cha, người mẹ của tử tù tiều tụy vì đau khổ, gò má sạm đen cháy nắng và hốc mắt như đã khô dòng lệ… mới biết nỗi đau của họ lớn đến nhường nào.

Tác giả: Tiêu Dao

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP