Kinh tế

Từ thông thầu đến 'thổi giá' thiết bị y tế, TNT Medical là ai?

TNT Medical là doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực y tế với nhiều hợp đồng, mua/bán thiết bị ký kết với các bệnh viện lớn, xét riêng giai đoạn 2021-2022 và cũng là doanh nghiệp đang vướng vào hàng loạt lùm xùm từ đại án AIC cho đến kết luận của Thanh tra Chính phủ.

TNT là công ty "quân xanh" tham gia trúng thầu hộ AIC tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Báo Chính phủ.

Thành lập từ năm 2006 tại Hà Nội, Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Kỹ thuật TNT (TNT Medical ) được biết là một ông lớn chuyên cung cấp, tư vấn và triển khai các giải pháp tổng thể về hạ tầng và trang thiết bị y tế cho các bệnh viện trên phạm vi toàn quốc.

Trong nhiều năm qua, về bề nổi, Công ty TNT Medical được biết đến là nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện danh tiếng. Trong đó, TNT Medical là nhà thầu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh biện ung bướu Đà Nằng, Bệnh viện Đa khoa Chợ Rẫy – Phnôm Pênh...Chưa hết, TNT Medical còn tham gia và trúng thầu vào các dự án đấu thầu quốc tế, như dự án nguồn vốn ODA do World Bank tài trợ cho hệ thống y tế Việt Nam thông qua Bộ Y Tế với tổng giá trị nhiều triệu USD. Doanh nghiệp này cũng được biết là một Mạnh Thường Quân đã tài trợ trang thiết bị cho nhiều bệnh viện từ Nam ra Bắc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 vừa qua.

Tuy nhiên, xét ở mặt khác, TNT Medical đang dính dáng tới hàng loạt bê bối liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Quân xanh" cho AIC

Theo tìm hiểu, TNT Medical được thành lập với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác. Ban đầu, vốn điều lệ công ty là 1,9 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Nguyễn Đình Quốc (15%), bà Lê Thị Bích Thủy (85%). Ngoài vai trò cổ đông lớn, bà Thủy (SN 1980) cũng đồng thời là Giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật TTNT Medical.

Cơ cấu cổ đông này được duy trì trong nhiều năm, cho đến tháng 12/2022 (vốn điều lệ TNT Medical khi này đạt 80 tỷ đồng), bà Lê Thị Bích Thủy đã thoái hết vốn khỏi TNT, công ty ghi nhận cổ đông lớn mới là ông Lê Việt Cường (95%), trong khi đó ông Quốc cũng giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 5%.

Bên cạnh đó, trước khi cơ cấu cổ đông TNT Medical có sự chuyển dịch vỏn vẹn 1 tháng, bà Lê Thị Bích Thủy đã rút khỏi các chức vụ Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật, thay thế bà là ông Lê Hải Trọng (SN 1975).

Bà Lê Thị Bích Thủy không phải cái tên quá xa lạ, nếu như hồi đầu năm 2022, bà thường được nhắc trong các sự kiện TNT Medical tài trợ máy thở, test nhanh cho các bệnh viện chống COVID-19 thì cuối năm bà Thuỷ đã mang cho minh một thân phận khác.

Hồi tháng 11/2022, bà Lê Thị Bích Thủy nằm trong danh sách cáo trạng truy tố với 36 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC và tỉnh Đồng Nai. Bà bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, bà Thủy đã chỉ đạo nhân viên phối hợp với nhân viên AIC làm hồ sơ dự thầu của để tham dự 11 gói thầu, cụ thể là làm "quân xanh" của 10 gói thầu và làm "quân đỏ" trúng một gói thầu hộ Công ty AIC. Bà Thủy bị cáo buộc cùng với bà Nhàn gây thiệt hại hơn 112 tỷ đồng.

Sau khi AIC trúng thầu, TNT Medical được AIC giao thi công xây lắp một gói thầu và bán 22 thiết bị y tế cung cấp vào dự án. Trong vụ này, Giám đốc TNT Medical thu lợi bất chính số tiền 3,5 tỷ đồng.

"Thổi giá" thiết bị nhiều lần

Cuối tháng 12/2022, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận Thanh tra số 2269 về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM (thời kỳ 1/1/2020-31/12/2021).

Trong đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra một số gói thầu do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Kỹ thuật TNT trúng thầu có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh, mua bán qua nhiều khâu trung gian để nâng giá bán cao bất thường, cần phải xem xét để xử lý theo quy định pháp luật.

Điển hình là mặt hàng Máy X – quang di động DR (hãng Philip – Hà Lan sản xuất) do TNT Medical trúng thầu thuộc Gói thầu số 3, kết quả xác minh cho thấy giá trúng thầu cao gấp 4,67 lần so với giá vốn nhập khẩu (bao gồm giá CIF và các loại thuế, phí khi nhập khẩu), với giá trị chênh lệch gần 19 tỷ đồng; “Máy theo dõi bệnh nhân ≥ 5 thông số” giá chênh lệch hơn 5,2 tỷ đồng; “Máy phá rung tim có tạo nhịp” giá chênh lệch gần 596 triệu đồng.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy TNT Medical giai đoạn 2021-2022 đã có nhiều hợp đồng, mua/bán thiết bị ký kết với các đơn vị như: Bệnh viện Nhi Đồng 1 (ký ngày 7/3/2022); Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Yên Bái (ngày 26/1/2022); Trung tâm Y tế thị xã Cửa Lò (ngày 25/1/2022); Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (ngày 8/2/2022); Trung tâm Y tế Huyện Thủ Thừa (ngày 5/1/2022); Bệnh viện Nhân dân Gia Định (8/2/2022)….

Không những thế, TNT Medical còn có một số hợp đồng mua/bán trang thiết bị chú ý như: 2 hợp đồng ký cùng ngày 14/10/2021 với Sở Y tế TP.HCM, giá trị là 33,62 tỷ đồng và hơn 10,8 tỷ đồng; hay hợp đồng ký ngày 16/09/2021 với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố, giá trị 43,4 tỷ đồng.

Trở lại với TNT Medical, theo tìm hiểu, công ty này hiện còn có Văn phòng Đại diện ở Cần Thơ, với Người đại diện là ông Võ Ngọc Dương (SN 1972), hiện ông Dương đang ứng cử vào ghế Thành viên HĐQT CTCP Dược – Thiết bị y tế Đà Nẵng (UPCOM: DDN) nhiệm kỳ 2022-2025.

Ngoài ra, TNT Medical cũng có Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng nhưng mới dừng hoạt động vào tháng 7/2022 (4 tháng trước khi có thông tin truy tố bà Lê Thị Bích Thủy), Người đại diện là ông Võ Anh Đức.

Ông Võ Anh Đức mới được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Y tế Danameco (HNX: DNM) từ ngày 7/7/2022, thay thế ông Lê Hải Trọng – người chính thức miễn nhiệm khỏi DNM từ tháng 5/2022. Ông Võ Anh Đức cũng là cổ đông lớn nắm 22,45% DNM. Như đã đề cập, ông Lê Hải Trọng mới nhậm chức Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật TNT vào tháng 11/2022.

DNM cũng nằm trong danh sách một số gói thầu thanh tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại ngân sách Nhà nước theo Kết luận Thanh tra số 2269 vừa qua.

Đó là các gói thầu với chủ đầu tư là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) gồm: Gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục chống dịch cho công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, giá gói thầu 16,38 tỷ đồng, số tiền vi phạm 3,12 tỷ đồng; Gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục chống dịch cho công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, giá gói thầu 18 tỷ đồng, số tiền vi phạm 3,2 tỷ đồng.

Tại phiên toà xét xử 36 bị cáo trong đại án liên quan AIC và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đang diễn ra, Đại diện Viện KSND đã đề nghị mức án 30 năm tù cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC. Bị cáo Nhàn được coi là đầu vụ nhưng đang bỏ trốn.

Với cáo buộc chỉ đạo nhân viên phối hợp với nhân viên AIC làm hồ sơ dự thầu trong vai "quân xanh, quân đỏ", gây thiệt hại số tiền hơn 112 tỷ đồng, bị cáo Lê Thị Bích Thuỷ, Giám đốc TNT Medical bị đề nghị mức án 30-36 tháng tù treo. Được biết trong đại án này, chỉ có 2 bị cáo được đề nghị hưởng mức án treo.

Tác giả: Hóa Khoa

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP