Đúng dịp đầu năm mới, ở huyện Đô Lương (Nghệ An), hàng trăm người đã kéo tới xem một con cá chép được đồn đại là "cá thần" do một người dân đánh bắt được. Đáng chú ý, tín hiệu khiến người dân "phong thần" cho con cá là "lúc nổi, lúc chìm" - một biểu hiện đương nhiên của tất cả những con cá đang còn sống!
Chính người đánh bắt cá đã khẳng định đây chỉ là con cá bình thường, trúng kích điện bị thương và không thể bơi xa thế nhưng người dân địa phương vẫn kéo đến xem, xô đẩy nhau để sờ vào con cá "lấy may". Thật lạ lùng!
Trước đó, ở một bờ kênh địa phương này, khi nhìn thấy một con cá nổi lên, nhiều người đã truyền tai nhau "cá lạ" hoặc "cá thần", mang cả hương, hoa quả tới bờ kênh khấn vái, ném tiền xuống kênh. Thông tin được đăng trên mạng xã hội thu hút nhiều bình luận, chia sẻ mang tính "mê tín" khiến nhà chức trách địa phương đã sớm lên tiếng bác bỏ tin đồn này.
Hàng trăm người chen chúc sờ một con cá chép tại Nghệ An |
Sờ cá chép chỉ là một trong nhiều ví dụ về hình thức "sờ lấy may" của người Việt. Cách đây 6 năm, một giảng viên đại học tại Hà Nội từng gây xôn xao dư luận với hình ảnh quỳ gập mình "xin đừng sờ đầu rùa" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Có thể với không ít người, hình ảnh ấy là kỳ quặc, nhất là du khách nước ngoài nhưng nó được khởi nguồn sau hàng loạt hình ảnh phản cảm của những nhóm người trẻ tuổi ngồi lên cổ "cụ rùa" (linh vật ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội) chụp ảnh, chen chúc sờ đầu rùa, leo lên rùa.
Chủ nhân hình ảnh "kỳ quặc" cho rằng, thông điệp anh thể hiện qua màn "trình diễn" không có gì quá sâu xa mà đơn giản muốn nhắc mọi người hãy hành động, bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử cho tốt bằng ý thức, trách nhiệm.
Trong nhiều ""tục" sờ lấy may thì sờ đầu rùa ở Văn Miếu được thực hiện suốt một thời gian dài khiến đầu "cụ rùa" nào cũng nhẵn thín.
Xét góc độ văn hóa, tín ngưỡng thì việc sĩ tử, học sinh, sinh viên vào Văn Miếu thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo nhưng từ tinh thần ấy đến hành động sờ đầu rùa hay mở rộng ra đi đền chùa mà sờ vào tượng Phật, bệ thờ để "lấy may" hoàn toàn không mang tính văn hóa, tín ngưỡng mà đơn giản là sự mê muội, thiếu ý thức.
Sờ chân tượng ở Đền Quán Thánh (Hà Nội) |
Tương tự, mỗi mùa lễ hội, các đền chùa, mặc dù nhà chùa đã trưng biển cấm không sờ vào tượng Phật nhưng du khách khắp nơi vẫn vô tư sờ, xoa, thậm chí nhét tiền vào tay tượng Phật, linh vật... tạo nên hình ảnh phản cảm ở chốn tâm linh.
Trên thực tế, không riêng người Việt mà nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có tục chạm tay vào tượng hoặc biểu tượng, linh vật để "lấy may". Và không phải bất cứ hành động nào tương tự thế cũng bị cho là phản cảm. Sâu xa, đó là một nét đẹp tín ngưỡng nhưng đã bị biến tấu, bóp méo theo cách con người thực hiện.
Ở một số quốc gia phương Đông, người dân chạm vào những gốc cây tuổi thọ cao như cách cầu thọ, chạm vào dòng nước chảy để cầu tự một đứa con sau nhiều năm tháng hiếm muộn. Người ta thực hiện hành động ấy như một nghi thức tâm linh với tất cả sự tập trung, thành kính, khiêm nhường.
Ngay cả ở Mỹ, trước khi bước vào Phố Wall có bức tượng một con bò vàng, du khách hoặc người dân trước khi đi vào con phố tài chính đó cũng đều vuốt phần đuôi con bò như một cách cầu may.
Bức tượng nhà báo Victor Noir |
Ngay giữa thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp cũng phải chứng kiến một "tục" sờ "lấy may" từ các quý bà, quý cô xứ sở văn minh diễn ra tại nghĩa trang Père Lachaise. Bức tượng nhà báo nổi tiếng Victor Noir (1852-1870), sống dưới thời kỳ Napoleon Bonaparte III, qua đời sau cuộc đấu súng.
Theo thời gian, bức tượng "bị" các du khách (chủ yếu là nữ) "chăm sóc" theo kiểu rất đặc biệt nhờ truyền thuyết truyền miệng với các quý bà, quý cô rằng họ chỉ cần đến ngôi mộ, chạm môi vào bức tượng và xoa tay lên vị trí "của quý" thì sẽ dễ dàng có thai hoặc cải thiện khả năng tình dục.
Những người tới đây, ai tế nhị thì thực hiện "nghi lễ" nhẹ nhàng nhưng cũng có không ít du khách tạo dáng khiếm nhã, không lịch sự. Sự thái quá trong cách thực hiện sờ "lấy may" của các quý bà, quý cô khiến ban quản lý nghĩa trang và chính quyền thành phố từng ra quyết định rào chắn ngôi mộ.
Sau đó quyết định này vấp phải sự phản đối của nhiều phụ nữ nên ngôi mộ lại được "giải phóng". Qua hàng trăm năm, từ một bức tượng đồng đầy chất nghệ thuật, đường nét tinh tế... tượng của Victor Noir đã thay đổi ít nhiều vì những vị trí "nhạy cảm" đầy dấu vết của du khách.
Dường như ở bất cứ vùng miền địa lý, văn hóa nào thì con người vẫn có mong muốn được "nhìn tận mắt, sờ tận tay" vào những biểu tượng được cho là thiêng liêng. Đôi khi, chính giới nghiên cứu cũng còn tranh cãi về ranh giới giữa việc "sờ mê tín" và "sờ văn minh". Thế nên, nhiều người vẫn đang tiếp tục thực hiện hành động mình cho là đúng, vẫn chen lấn xô đẩy để sờ lấy được!
Có lẽ, điều đáng chê trách, lên án nhất không phải hành động "sờ" mà là biến tướng xấu như chen lấn xô đẩy, thay vì chạm nhẹ vào tượng thì ngồi lên tượng, cài tiềng vào tượng... và gần nhất là "phong thần" cho một con cá chép dù không có bất cứ cơ sở nào về lịch sử, tín ngưỡng.
Tác giả: T.Nam
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội