Sáng nay dắt con đi ăn sáng, tôi thấy cái nắng gay gắt 40 độ C hay là “chảo lửa” World Cup những trận cuối cùng tranh cúp vô địch dường như vẫn không xoa dịu được sức nóng của cuộc thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia vừa qua.
Một bác trung niên ngồi ăn sáng cùng bảo con bé 6 tuổi nhà tôi:
- Ăn đi cháu, cố mà hưởng thụ nốt những ngày tự do cuối cùng, từ nay trở đi là chạy đua học hành thi cử suốt hai mấy năm, rồi chạy công chạy việc, chạy chức chạy tước cả đời đấy cháu ạ!
Hóa ra là bác đang âu sầu vì cô con gái rượu có lẽ trượt đại học. “Điểm thi thì chưa có, nhưng tôi thấy nó có vẻ buồn bã, nằm suốt trong phòng, tôi nghĩ chắc không ăn thua rồi” – bác ấy buồn bã nói.
|
Câu chuyện của vị phụ huynh ngồi trước mặt khiến tôi nhớ lại mùa hè 20 năm trước, tôi đi thi đại học, vào đúng hôm nay (4/7), cũng một ngày nắng nóng như thế này. Mẹ tôi chở đi từ sáng sớm, điểm thi lại xa trung tâm. Và trong suốt 180 phút tôi làm bài thi, thì mẹ tôi, cùng hàng trăm vị phụ huynh khác ngồi la liệt ở quán nước, vỉa hè thắc thỏm chờ đợi với bao nhiêu hi vọng.
Tôi vẫn nhớ, bước ra khỏi phòng thi, nhìn gương mặt nhễ nhại mồ hôi và ánh mắt gần như là đau đáu ấy, tôi bật khóc. Vì thương. Vì hối hận khi nhớ lại một câu trong đề thi hôm nay lẽ ra tôi đã làm tốt, nếu không phải buổi tối nào đó cơn buồn ngủ bất giác ập tới…
- Nhưng chưa có điểm thi mà bác? Biết đâu em ấy lại đỗ. Mấy năm nay đã bỏ thi đại học, gộp chung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT thì chắc học sinh phải nhàn hơn, giảm bớt áp lực thì sẽ ôn thi được tốt hơn chứ ạ? – tôi hỏi.
- Nhưng nghe nói đề THPT quốc gia năm nay khó, đề Văn thì như “đánh đố”, đề Toán thì dài đến nỗi mà giáo sư toán học còn bó tay nếu chỉ có 90 phút làm bài. Tôi đọc báo thấy nói vậy. Bà bán bún riêu lên tiếng góp chuyện.
Bác trung niên không nói gì. Trong sự im lặng dường như chất chứa rất nhiều thất vọng, lo lắng lẫn áp lực.
Bỗng đâu một chị trạc 40 ở hàng phở bên cạnh nói vọng lại:
- Ôi dào, chính các bà cứ quan trọng hóa vấn đề lên như vậy, thành ra tự tạo áp lực cho chính mình rồi làm chúng nó cũng áp lực thêm. Học được đến đâu thì học, không trường đại học thì trường dạy nghề, trường đời…
Tôi nhìn kỹ, chị 40 nom sang trọng với quần áo, đầu tóc, móng tay đều chau chuốt, lịch thiệp. Chị ấy nói tiếp:
- Như tôi đây này, hồi thi đại học bố mẹ hứa nếu đỗ sẽ mua cho cái xe máy, rồi làm mấy mâm cơm ăn mừng. Cuối cùng chả có xe máy lẫn mấy mâm cơm, vì tôi thi trượt. Nhưng mà chẳng sao, buồn đời tôi gọi ngay cái thằng lẽo đẽo theo tôi mấy năm tới, rủ nó làm cái lễ ăn mừng to gấp 10 lần (chị cười lớn).
Cưới xong, có đứa con, tự nhiên tôi học được cách trụ lại với cuộc đời này. Tôi tự học nghề, rồi mở tiệm cắt tóc gội đầu nhỏ, tự quản lý lấy. Bây giờ nó thành beauty salon, ở Hà Nội tôi có 5 tiệm như vậy rồi. Cứ cuối tuần lại chốt sổ, mang tiền đi gửi ngân hàng. Mỗi năm tôi đi du lịch nước trong nước ngoài cả chục lần. Năm xưa trượt cái xe máy thì bây giờ có ô tô đi. Không có bằng đại học nhưng mà có tiền, có công việc, làm giàu cho mình, làm đẹp cho đời…
Nghe xong tôi cười. Tất cả cùng cười. Câu chuyện thật tươi sáng.
Tôi bất giác nhớ ra, bầu Đức sau 4 lần thi trượt đại học thì ông ấy vẫn làm ông chủ lớn, quản lý hàng trăm người có bằng đại học. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tôn Hoa Sen (người từng chi 36 tỷ đồng mời “biểu tượng” Nick Vujicic đến thuyết trình ở Việt Nam), hay bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch tập đoàn Quốc Cường Gia Lai… đều không học đại học.
Trên thế giới, có lẽ không ai là không biết Bill Gates – ông chủ tập đoàn Microsoft lừng danh và Steve Jobs – CEO Apple, cha đẻ của dòng điện thoại Iphone làm khuynh đảo thị trường điện thoại thông minh ngày nay.
Điều thú vị là cả hai tỷ phú trên đều chưa tốt nghiệp đại học. Bill Gates tự ý từ bỏ trường Harvard danh tiếng mà bao người ao ước vào năm thứ 3. Còn Steve Jobs thậm chí còn bị khai trừ khỏi trường đại học ngay sau kỳ học đầu tiên vì không đảm bảo điểm số.
Không có trường đại học, trên đời vẫn có vĩ nhân.
Nếu không khởi nghiệp được từ mấy mâm cơm của cha mẹ, thì hãy thử khởi nghiệp bằng 50 mâm cơm của chính mình, như cái cách của chị trung niên 40 kia, tôi nghĩ vậy.
Tác giả: Minh Minh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin