Hiện nay, các trường ĐH thành viên đang "cõng" hai bộ chủ quản? |
Đó là nhận định của ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục ĐH, hôm qua, 24/8.
Ông Khuyến cũng chỉ ra lịch sử ra đời của 5 trường ĐH vùng và ĐH quốc gia hiện nay (ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH quốc gia TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế). Theo đó, trong 2 năm, 1993, 1994, lần lượt 5 ĐH đa lĩnh vực được thành lập dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở giáo dục ĐH chuyên ngành có trên cùng một địa bàn lại với nhau.
Hiện tại, 5 ĐH này đều hoạt đông theo các quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ (2 ĐH Quốc gia) hoặc do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (3 ĐH vùng) ký ban hành.
Theo ông Khuyến, đề xuất ban đầu từ Đề án do Bộ GD&ĐT trình lên Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính phủ) năm 1992, tất cả các ĐH đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo với một hệ thống quản trị 3 cấp: ĐH, Trường, Khoa.
Tuy nhiên, quá trình triển khai lại đi “chệch” mục tiêu ban đầu đề ra. “Vì nhiều lý do khác nhau, cuối cùng tất cả các ĐH đa lĩnh vực được thành lập, cấu trúc thành 4 cấp: ĐH, Trường ĐH, Khoa, Bộ môn” – ông Lê Viết Khuyến nói.
Điều này gây ra sự hiểu lầm trong các đồng nghiệp nước ngoài rằng các ĐH đa lĩnh vực của Việt Nam là các tập đoàn ĐH.
Trong khi đó, khi thành lập các ĐH đa lĩnh vực, xã hội mong chờ ở những ưu việt mà kiểu trường này bộc lộ ra như bộ máy gọn nhẹ (không có sự trùng lặp các khoa, bộ môn ở những trường thành viên khác nhau); Sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau trong một ĐH; Sinh viên được học với những giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học, dễ dàng mở ra các chương trình liên ngành. “Tuy nhiên, cho tới nay, kết quả có được lại không phải như vậy do các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau trước hết là về mặt đào tạo nên ĐH không có sức mạnh tổng hợp” – ông Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Hơn nữa, ông Khuyến cũng cho biêt Quy chế cho các ĐH vùng cũng Điều lệ trường ĐH do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2014 gần như khẳng định tư cách độc lập của các trường ĐH thành viên. Đây là điều tối kỵ với ột ĐH đa lĩnh vực ở mô hình phương Tây.
Với quy định như vậy Với những quy định như vậy, cấp “ĐH” trong các ĐH đa lĩnh vực có thể được ví như cấp “bộ chủ quản” trong thể chế hiện nay. Vì tồn tại đồng thời 2 “bộ chủ quản” nên dĩ nhiên xuất hiện nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ bớt đi một “cấp bộ chủ quản”, tức là giải thể các ĐH đa lĩnh vực.
Tồn tại hay không tồn tại
Thời gian qua, rất nhiều trường ĐH thuộc ĐH đa lĩnh vực muốn “ly khai”. Tuy nhiên, tham gia lấy ý kiến, các chuyên gia đều cho rằng vẫn cần giữ mô hình ĐH.
Gửi bản tham luận đến hội nghị, GS. Bùi Văn Ga cho rằng để hệ thống giáo dục ĐH nước ta tường minh, phù hợp với hệ thống giáo dục ĐH thế giới thì chỉ nên bao gồm: (1) Đại học (University/Université) và (2) Trường Đại học (College/Ecole Supérieure). Tất cả các viện nghiên cứu có đào tạo sẽ trở thành đơn vị thành viên của ĐH hay Trường ĐH. Chỉ có ĐH và Trường ĐH mới có tư cách pháp nhân cấp bằng trình độ đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Cũng theo GS. Bùi Văn Ga, về lâu dài hệ thống giáo dục ĐH nước ta gồm các ĐH lớn là chính. Các trường ĐH còn lại chỉ đào tạo những chuyên ngành chuyên biệt, đặc thù. Trong các ĐH cần có sự phân biệt ĐH mang tính tổng hợp và ĐH mang tính tổ hợp. Các Đại học này khi dịch sang tiếng nước ngoài đều là University/Université nhưng khác nhau về nội hàm sẽ được làm rõ trong các văn bản dưới luật.
GS. Bùi Văn Ga cho rằng ĐH (mang tính tổng hợp) có các Trường chuyên ngành. Các trường chuyên ngành này không có tư cách pháp nhân như trường ĐH. Các Trường ĐH có thể sáp nhập vào ĐH và được cấu trúc lại thành các trường chuyên ngành/khoa/viện của ĐH.
Sau khi Luật sửa đổi ra đời chúng ta có thể thành lập được ngay một số ĐH (mang tính tổng hợp). Ví dụ Đại học Cần Thơ có Trường Công nghệ thông tin, Trường Nông nghiệp, Viện Lúa, Viện Môi trường…hoặc Đại học Bách Khoa Hà Nội có Trường Điện, Trường Luyện kim, Trường Cơ khí…
ĐH Quốc gia, ĐH vùng là các ĐH mang tính tổ hợp, bao gồm các Trường ĐH thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ. Sau khi Luật sửa đổi ra đời có thể thành lập thêm các ĐH mới ví dụ như ĐH Vinh là tổ hợp các trường Đại học trên địa bàn Nghệ An hay ĐH Đồng Nai bao gồm các trường ĐH thành viên trên địa bàn khu vực…
Mô hình ĐH như vậy phù hợp với các nước phát triển. Cộng hòa Pháp hiện nay cũng đổi mới hệ thống giáo dục đại học theo mô hình tổ chức các ĐH vùng trên cơ sở tổ hợp các trường đại học trên cùng địa bàn.
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền Phong